Mô hình mới

Không phải đất mới, không phải giống quý, nông dân Quảng Trị chọn làm giàu bằng chính bùn đất quê nhà, mỗi năm thu nhập vài trăm triệu đồng

Ngọc Linh 12/07/2025 18:58

Nông dân trẻ Quảng Trị biến ruộng hoang thành chỗ làm giàu, trở thành tấm gương tiêu biểu ở địa phương.

Hồi sinh đất nông nghiệp bằng tư duy mới

Trong bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ, không ít người trẻ rời quê lên thành phố tìm kế sinh nhai. Tuy nhiên, câu chuyện nông dân trẻ Phan Văn Hiên ở thôn Phúc Tự Tây, xã Hoàn Lão (tỉnh Quảng Trị) đã trở thành nguồn cảm hứng đặc biệt khi anh quyết định quay về làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Từng là công nhân tại miền Nam và lao động xuất khẩu ở Malaysia, anh Hiên hiểu rõ sự bấp bênh của công việc xa quê. Quyết định trở về vào năm 2020, anh chọn một con đường không dễ: thuê lại ruộng hoang để trồng lúa và nuôi trồng thủy sản.

Nuôi cá rô đồng, mô hình mới hiệu quả kinh tế cao
Nuôi cá rô đồng, mô hình mới hiệu quả kinh tế cao (Ảnh: Báo Quảng Trị)

Những thửa ruộng từng bị bỏ hoang do chi phí sản xuất cao, thiếu lao động, nay đã biến thành "bờ xôi ruộng mật". Gia đình anh thuê từ 4 đến 6 ha mỗi vụ, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất để tiết kiệm sức lao động và nâng cao hiệu quả. Thay vì cả tháng trời gieo mạ và cấy, vợ chồng anh chỉ cần vài ngày gieo sạ, thuê thêm nhân công chăm sóc, thu hoạch bằng máy móc hiện đại.

Năm 2024, vụ lúa đông-xuân thuận lợi giúp mỗi ha đem lại khoảng 30 triệu đồng tiền lãi. Dù vụ hè-thu gặp mưa trái mùa khiến phải gieo lại toàn bộ diện tích, nhưng anh Hiên vẫn quyết tâm không bỏ hoang ruộng, tiếp tục đầu tư sản xuất với tinh thần “làm giàu từ đất”.

Mô hình đa canh bền vững, thân thiện môi trường

Không chỉ trồng lúa, gia đình anh Hiên còn phát triển mô hình đa dạng sinh kế: nuôi 500 con chim bồ câu, 30 con lợn, 300 con gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng), đặc biệt mỗi năm thả hơn 1.000 con vịt chạy đồng. Tổng thu nhập từ các hoạt động chăn nuôi mang về hơn 200 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí.

Mô hình nuôi bồ câu của gia đình anh Phan Văn Hiên
Mô hình nuôi bồ câu của gia đình anh Phan Văn Hiên (Ảnh: Báo Quảng Trị)

Trên diện tích 2.500 m² ao hồ, anh mạnh dạn đầu tư nuôi cá rô đồng, một loại cá có sức đề kháng cao, dễ nuôi và thị trường ổn định. Từ những thất bại ban đầu do mua giống không đảm bảo, anh đã rút kinh nghiệm và nay đã làm chủ kỹ thuật nuôi. Nhờ cải tạo ao đúng cách, chọn giống chất lượng, kiểm soát môi trường nước và sử dụng các biện pháp sinh học (ủ tỏi với chế phẩm vi sinh thay thuốc kháng sinh), sản lượng mỗi vụ đạt hơn 3 tấn, cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng mỗi năm.

Đặc biệt, để giảm chi phí và chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi, anh Hiên còn tìm tòi nuôi sâu canxi (ấu trùng ruồi lính đen) – một nguồn đạm tự nhiên, giàu dinh dưỡng để cung cấp cho cá và gia cầm. Thức ăn của sâu chủ yếu là phụ phẩm nông nghiệp như bã bia, cám gạo, bã đậu, rất phù hợp với mô hình tuần hoàn, thân thiện môi trường.

Phó Chủ tịch UBND xã Hoàn Lão, ông Nguyễn Văn Hải đánh giá: “Anh Hiên là tấm gương tiêu biểu của nông dân thời đại mới: cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Sự thành công của anh không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần thay đổi tư duy của người dân địa phương về phát triển nông nghiệp bền vững.”

Thời gian tới, xã Hoàn Lão sẽ tiếp tục vận động người dân không bỏ hoang đất nông nghiệp, khuyến khích nhân rộng mô hình nuôi sâu canxi, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật để giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và nâng cao thu nhập.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Không phải đất mới, không phải giống quý, nông dân Quảng Trị chọn làm giàu bằng chính bùn đất quê nhà, mỗi năm thu nhập vài trăm triệu đồng
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO