Kiến thức

Không ngờ loại quả thường xuyên có trong bữa ăn lại chứa hàng trăm hạt vi nhựa, sức khỏe người Việt đang bị đe dọa

Ngọc Linh 10/04/2025 5:30

Vi nhựa trong đất và bao bì có thể xâm nhập vào thực phẩm, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người.

Cà chua nhiễm vi nhựa: Cảnh báo mới đối với sức khỏe người tiêu dùng

Một nghiên cứu được công bố năm 2023 trên tạp chí Science of the Total Environment đã cho thấy sự hiện diện của vi nhựa trong các loại rau quả được tiêu thụ phổ biến như lê, táo, hành tây, khoai tây, dưa chuột và đặc biệt là cà chua. Kết quả đáng báo động nhất đến từ cà chua – loại quả quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày của người Việt.

cà chua chứa vi nhựa
Cà chua chứa nhiều vi nhựa hơn bạn tưởng tượng

Các mẫu nghiên cứu được thu thập tại tỉnh Muğla, Tây Nam Thổ Nhĩ Kỳ, qua đó xác định được rằng trong mỗi gram cà chua có thể chứa từ 2,24 đến 5,02 hạt vi nhựa. Như vậy, với một quả cà chua nặng 100 gram, số lượng vi nhựa có thể dao động từ 224 đến 502 hạt – mức cao nhất trong số các loại rau củ được nghiên cứu.

Theo các nhà khoa học, vi nhựa không tự nhiên tồn tại trong cây trồng, mà có thể xâm nhập từ môi trường, đặc biệt là đất canh tác và các hoạt động sản xuất, vận chuyển, bảo quản. Sự hiện diện của các hạt nhựa lớn không thể đi qua hệ thống mạch gỗ của cây cho thấy rau củ đã bị nhiễm nhựa ngay từ giai đoạn đầu của chuỗi sản xuất nông nghiệp.

Vì sao cà chua dễ nhiễm vi nhựa?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – chuyên gia công nghệ thực phẩm cho biết, do có bộ rễ phát triển mạnh và ăn sâu vào đất, cà chua có khả năng hấp thụ nhiều dưỡng chất – và cũng có nguy cơ cao hấp thụ cả vi nhựa nếu đất bị ô nhiễm.

Bên cạnh đó, cà chua là quả mọng, có mô mềm, giàu nước nên dễ bị vi nhựa len lỏi và tích tụ trong mô quả. Ngoài ra, bề mặt nhẵn và thường không được bóc vỏ khi ăn cũng làm tăng nguy cơ người dùng hấp thụ vi nhựa nếu không rửa kỹ.

Nghiên cứu từ UNEP (Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc) cũng cho thấy tình trạng nhựa tích tụ trong đất nông nghiệp đang đạt mức báo động toàn cầu do việc sử dụng màng phủ, phân bón chứa nhựa và nước tưới tái sử dụng.

Ngoài quá trình canh tác, khâu đóng gói, bảo quản và vận chuyển sau thu hoạch cũng là nguồn gây ô nhiễm đáng kể. Một nghiên cứu năm 2021 chỉ ra rằng 60% vi nhựa trong thực phẩm đến từ bao bì và xử lý sau thu hoạch, không phải từ đất.

Dù vẫn còn cần thêm bằng chứng để xác định đầy đủ tác động của vi nhựa lên cơ thể người, nhiều nghiên cứu cho thấy vi nhựa có thể xâm nhập vào hệ tuần hoàn, tích tụ trong các cơ quan và gây ra phản ứng viêm, rối loạn nội tiết. Về lâu dài, sự hiện diện của vi nhựa trong thức ăn có thể ảnh hưởng đến gan, thận, hệ sinh sản và tăng nguy cơ bệnh lý mạn tính.

Cách hạn chế vi nhựa trong thực phẩm

Theo khuyến nghị của PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, để giảm nguy cơ tiếp xúc vi nhựa từ thực phẩm, người tiêu dùng nên:

Ngâm rau củ (trong đó có cà chua) với nước muối hoặc nước giấm loãng trong 10–15 phút, sau đó rửa kỹ dưới vòi nước chảy.

Ưu tiên mua nông sản có nguồn gốc rõ ràng, canh tác hữu cơ, không sử dụng màng phủ nilon hoặc phân bón hóa học chứa vi nhựa.

Giảm sử dụng nhựa trong sinh hoạt hằng ngày, đặc biệt trong bảo quản và chế biến thực phẩm. Thay vào đó, sử dụng hộp thủy tinh, vật liệu sứ hoặc thép không gỉ.

Hạn chế sử dụng túi nilon, ống hút nhựa và bao bì không phân hủy sinh học.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Không ngờ loại quả thường xuyên có trong bữa ăn lại chứa hàng trăm hạt vi nhựa, sức khỏe người Việt đang bị đe dọa
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO