Không chỉ là thủ tục giấy tờ, đây là 6 điều bạn cần nhớ khi làm giấy khai sinh trong năm 2025
Cha mẹ cần đăng ký khai sinh cho con trong vòng 60 ngày kể từ khi sinh. Việc khai sinh muộn không bị phạt nhưng có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của trẻ, đặc biệt nếu có hành vi gian dối trong thủ tục đăng ký.
Thời hạn đăng ký khai sinh và người có quyền thực hiện
Theo quy định tại Luật Hộ tịch hiện hành, sau khi sinh con, cha mẹ hoặc người thân cần thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ tại cơ quan quản lý hộ tịch của UBND cấp xã nơi cư trú. Thời hạn đăng ký khai sinh là trong vòng 60 ngày kể từ ngày sinh.

Người đi đăng ký khai sinh có thể là:
Cha hoặc mẹ của trẻ
Ông, bà hoặc người thân thích khác
Người được ủy quyền theo quy định pháp luật
Trường hợp đăng ký khai sinh sau thời hạn quy định sẽ không bị xử phạt theo Nghị định số 82/2020/NĐ-CP, tuy nhiên cha mẹ nên thực hiện đúng thời hạn để đảm bảo quyền lợi đầy đủ cho trẻ, đặc biệt là các giấy tờ liên quan đến bảo hiểm y tế và tiêm chủng.
Những hành vi bị nghiêm cấm khi làm giấy khai sinh
Mặc dù không còn xử phạt việc khai sinh trễ hạn, nhưng pháp luật vẫn quy định xử phạt một số hành vi gian dối trong quá trình khai sinh.
Theo Điều 37 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, các hành vi sau sẽ bị xử lý vi phạm hành chính:
Phạt từ 1.000.000 – 3.000.000 đồng đối với người tẩy xóa, sửa chữa giấy tờ làm sai lệch nội dung khi khai sinh.
Phạt từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng đối với các hành vi:
Làm chứng sai sự thật về việc sinh
Cung cấp thông tin giả mạo trong hồ sơ khai sinh
Dùng giấy tờ của người khác để đăng ký khai sinh
Ngoài hình phạt tiền, người vi phạm còn có thể bị tịch thu tang vật là giấy tờ sai lệch và bị kiến nghị thu hồi giấy khai sinh đã cấp nếu có gian dối.
Quy định về đặt tên và những lưu ý khi khai sinh
Pháp luật quy định rõ về việc đặt tên cho trẻ khi khai sinh. Theo khoản 3 Điều 26 Bộ luật Dân sự 2015, tên khai sinh:
Phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc Việt Nam
Không được đặt bằng số, ký tự, ký hiệu lạ
Không được xâm phạm đến danh dự, quyền lợi của người khác
Không sử dụng tiếng nước ngoài hoặc tên gây hiểu lầm, phản cảm
Ngoài ra, Thông tư 04/2020/TT-BTP cũng nhấn mạnh tên gọi cần giữ gìn bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục, không quá dài hoặc khó sử dụng.
Cha mẹ nên tránh những cái tên mang tính chất gây trêu chọc, tên quá đặc biệt hoặc khó gọi. Điều này không chỉ giúp trẻ thuận tiện trong học tập và giao tiếp mà còn tránh những rắc rối không đáng có trong thủ tục hành chính sau này.
Khai sinh cho con có bắt buộc theo họ cha không?
Trên thực tế, phần lớn trẻ em ở Việt Nam được khai sinh theo họ cha. Tuy nhiên, pháp luật không bắt buộc điều này.
Căn cứ khoản 2 Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2015, họ của con có thể theo họ cha hoặc họ mẹ tùy theo sự thỏa thuận giữa vợ chồng. Trường hợp không có thỏa thuận, họ của con sẽ xác định theo tập quán.
Nếu cha mẹ chưa đăng ký kết hôn hoặc chưa xác định được cha thì con sẽ mang họ mẹ theo mặc định. Do đó, vợ chồng hoàn toàn có thể chủ động lựa chọn họ cho con theo đúng mong muốn, không vi phạm pháp luật.
Ý nghĩa pháp lý của giấy khai sinh
Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc, là căn cứ để làm các loại giấy tờ khác như sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu... Không có giấy khai sinh, trẻ sẽ gặp khó khăn khi đi học, khám chữa bệnh và tiếp cận các chính sách phúc lợi xã hội.
Ngoài ra, việc khai sinh đúng thời hạn và trung thực cũng giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của trẻ em, đồng thời tạo thuận lợi cho công tác quản lý dân cư của nhà nước.
![]() | Đặt tên cho con cũng có Luật, những quy định cấm này có thể khiến cha mẹ bất ngờ Theo Bộ luật Dân sự, cha mẹ bắt buộc phải đặt tên con bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc Việt Nam. Nếu sử dụng ... |
![]() | Cảnh sát giao thông kiểm tra giấy tờ trên VNeID như thế nào, các loại giấy tờ có thể sử dụng VNeID thay thế là gì? Từ ngày 29/6, người dân có thể xuất trình giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm bắt buộc và nhiều giấy tờ khác ... |