Không cần nói nhiều, bầu Đức vẫn đang âm thầm làm 3 việc cùng lúc để tái sinh Hoàng Anh Gia Lai
Bầu Đức đang âm thầm làm ba việc cùng lúc để đưa HAGL trở lại. Một hành trình không ồn ào nhưng đủ khiến thị trường phải ngoái nhìn.
Giữa lúc thị trường vẫn còn không ít hoài nghi, Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức đã lặng lẽ thông báo những tín hiệu tích cực trong hoạt động của công ty. Doanh nghiệp từng lâm vào khủng hoảng ngày nào đang âm thầm tạo ra những thành tích khá ấn tượng.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, HAGL dự kiến đã hoàn thành hơn 60% kế hoạch lợi nhuận, dù chưa hề ghi nhận doanh thu từ sầu riêng – thứ được xem là “át chủ bài” mới trong chiến lược hồi sinh.
Bức thư cổ đông cách đây ít ngày của ông Đoàn Nguyên Đức không nói nhiều về những kế hoạch dàn trải mà chỉ lặng lẽ công bố điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận từ 1.114 tỷ lên 1.500 tỷ đồng, và úp mở khả năng lợi nhuận cả năm có thể cán mốc 2.500 tỷ đồng nếu thuận lợi.
Nhưng phía sau những con số nói trên là cả một hành trình tái cơ cấu đầy đau đớn: chọn lọc lại từng mảnh đất trồng cây, từng khoản nợ trái phiếu tưởng như không thể thanh toán, và từng lô cổ phiếu phải phát hành để giữ được khả năng thanh toán và uy tín với chủ nợ.
Năm 2021, Hoàng Anh Gia Lai lỗ lũy kế tới hơn 7.500 tỷ đồng – một con số tưởng như không thể vượt qua. Nhưng đến quý 1/2025, khoản lỗ ấy chỉ còn -82 tỷ đồng. Và chỉ cần một quý nữa, mọi thứ có thể sẽ trở về vạch xuất phát – nhưng là để bứt đi từ một nền tảng kinh doanh mới: cây ăn trái có biên lợi nhuận cao, dòng tiền ổn định, không còn phụ thuộc vào đòn bẩy tài chính cao như giai đoạn trước.
Chuối là câu chuyện đầu tiên trong hành trình ấy. Với biên lợi nhuận ổn định ở mức 56% nhờ giá bán duy trì cao, mảng chuối đã đem lại dòng tiền chủ lực cho HAGL trong suốt ba năm qua.

Về mảng sầu riêng, trong năm 2024, HAGL đã tiếp tục đầu tư mở rộng thêm 500 ha, nâng tổng diện tích trồng loại cây này lên khoảng 2.000 ha. Đây được xem là “vũ khí chiến lược” trong giai đoạn tái cấu trúc doanh nghiệp.
Trên thực tế, sầu riêng đã bắt đầu cho HAGL thu hoạch thương mại từ năm 2023, chủ yếu là những vườn được trồng từ đợt năm 2021. Cụ thể, sản lượng thu hoạch ước tính chỉ khoảng 80 ha vào năm 2023, tăng lên 400 ha trong năm 2024 và dự kiến đạt 600 ha vào năm 2025.
Sự tăng trưởng dần đều này đánh dấu giai đoạn bứt phá mới về doanh thu từ mảng sầu riêng – loại nông sản được kỳ vọng sẽ đem lại biên lợi nhuận cao hơn cả chuối, nhờ giá trị thương mại lớn và nhu cầu nhập khẩu ngày càng cao từ thị trường Trung Quốc.
Đặc biệt, sản lượng khai thác dự kiến tăng mạnh từ nửa cuối năm 2025, khi các vườn tại Gia Lai bước vào vụ thu hoạch từ tháng 8–9, còn vùng trồng tại Lào sẽ thu hoạch vào tháng 10–11.
Điểm đặc biệt là thời vụ sầu riêng của HAGL lệch hoàn toàn với mùa thu hoạch chính tại các nước xuất khẩu lớn như Thái Lan, Philippines hay Malaysia (thường rơi vào giai đoạn tháng 4 đến tháng 8). Nhờ đó, HAGL đang nắm giữ lợi thế về lịch mùa vụ, giúp đẩy mạnh xuất khẩu vào thời điểm thị trường khan hiếm nguồn cung.
Về tài chính, HAGL đang từng bước giải tỏa áp lực nợ thông qua chiến lược xử lý trái phiếu một cách chủ động và có lộ trình. Sau năm 2024, doanh nghiệp đã thu hồi thành công công nợ từ Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG), qua đó sử dụng để thanh toán một phần gốc của lô trái phiếu phát hành năm 2016, giúp giảm đáng kể tổng dư nợ vay.
Theo kế hoạch được công bố tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, HAGL đặt mục tiêu xử lý toàn bộ khoản trái phiếu nhóm A với giá trị 2.148 tỷ đồng trong năm 2025, đồng thời tiến tới hoàn tất xử lý nhóm B trị giá 2.000 tỷ đồng vào năm 2026. Đây được xem là một trong những bước đi quan trọng nhằm cải thiện cấu trúc tài chính, giảm chi phí lãi vay và từng bước đưa doanh nghiệp trở lại trạng thái cân đối tài chính lành mạnh.
Vừa qua, HAGL đã thông qua phương án mua lại toàn bộ khoản trái phiếu HAGLBOND16.26 – phát hành từ năm 2016, có tài sản đảm bảo, trị giá gốc và lãi đến 30/6/2025 vào khoảng 4.048 tỷ đồng. Theo kế hoạch, 210 triệu cổ phiếu mới sẽ được phát hành với giá 12.000 đồng/cp để hoán đổi phần nợ trị giá 2.520 tỷ đồng, còn lại khoảng 1.500 tỷ đồng đang được doanh nghiệp đàm phán với trái chủ về khả năng giãn nợ hoặc miễn giảm một phần lãi suất. Nếu đàm phán thành công, phần lãi được miễn hoặc chiết khấu có thể được ghi nhận như một khoản hoàn nhập tài chính trong thời gian tới – điều đã được bầu Đức nhắc đến trong thư gửi cổ đông.
Không còn mở rộng bằng mọi giá như trước kia, HAGL giờ chỉ chọn đầu tư vào những gì có thể sớm thu hoạch, có đầu ra và biên lợi nhuận rõ ràng. Cà phê chè và dâu tằm là hai ví dụ. Cà phê Arabica – loại cần đất cao trên 1.000m đang được trồng thử nghiệm tại Lào, với giá xuất khẩu lên tới 9.000 USD/tấn. Dâu tằm lấy tơ, một thị trường tưởng đã ngủ quên lại trở nên hấp dẫn khi có thể tạo dòng tiền nhanh, không cần diện tích quá lớn. Ngay cả việc nuôi thử nghiệm 700.000 cá tầm ở Lào cũng nằm trong triết lý đó: tối ưu nguồn tài nguyên, rút ngắn chu kỳ và giảm rủi ro.
Tái cấu trúc, tái đầu tư, tái niềm tin – HAGL đang làm cả ba việc cùng lúc nhưng không ồn ào. Có lẽ vì sau gần một thập kỷ lận đận, bầu Đức hiểu rằng thị trường không còn tin vào những lời hứa. Chỉ có kết quả kinh doanh thực tế, bền vững và đều đặn mới giúp ông giành lại được cả nhà đầu tư lẫn thị phần.
2025 có thể sẽ là năm đầy ý nghĩa với HAGL khi đạt mức lợi nhuận lớn nhất từ trước đến nay, nhưng điều đáng nói hơn là nó đến từ cái lõi nông nghiệp thật, từ những vườn chuối, trái sầu riêng trên đất thật, không còn dựa vào kỳ vọng, mà bằng kết quả hiện hữu.
Cổ phiếu HAG đang dần được cấp lại margin. Nhà đầu tư quay lại bàn chuyện giá trị nội tại. Và bầu Đức thì vẫn ở đó, không quá ồn ào nhưng ông vẫn kiên nhẫn từng bước dẫn dắt HAGL bước qua một chương mới với nhiều hi vọng.