Không cần đến Paris, ngay giữa lòng Sài Gòn cũng có một biểu tượng Pháp cổ hơn 140 năm tuổi thu hút du khách bốn phương
Đây là một địa danh nổi tiếng bậc nhất tại TP.HCM, mang kiến trúc Pháp cổ kính và lịch sử hơn 140 năm, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Nhà thờ Đức Bà
Giữa lòng TP.Hồ Chí Minh hoa lệ, nơi dòng người tấp nập qua lại không ngừng nghỉ, Nhà thờ Đức Bà sừng sững như một chứng nhân lịch sử. Không chỉ là điểm đến của những tín đồ Công giáo, đây còn là địa danh nổi tiếng thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Mang đậm phong cách kiến trúc Pháp cổ điển và tinh tế, nhà thờ Đức Bà chính là biểu tượng văn hóa, tôn giáo và du lịch đặc sắc của thành phố mang tên Bác.

Nhà thờ Đức Bà, tên chính thức là Vương cung Thánh đường Chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, tọa lạc tại Công trường Công Xã Paris, Phường Bến Nghé, Quận 1 – ngay trung tâm Sài Gòn. Được xây dựng từ năm 1877 và hoàn thành vào năm 1880, nhà thờ là công trình tiêu biểu cho kiến trúc Pháp thuộc, với gạch đỏ được nhập trực tiếp từ Marseille (Pháp), không tô trát mà vẫn bền màu và không bị rêu mốc suốt hơn một thế kỷ.
Chiều dài nhà thờ là 91m, rộng 35,5m, mái vòm cao 21m và hai tháp chuông cao gần 57m. Công trình này không chỉ đơn thuần là một địa điểm tôn giáo mà còn là địa danh lịch sử, nghệ thuật và văn hóa mang giá trị vượt thời gian.
Lịch sử hình thành
Nhà thờ Đức Bà được kiến trúc sư J.Bourad thiết kế, toàn bộ vật liệu đều được vận chuyển từ Pháp sang. Ngày 11/4/1880, lễ cung hiến nhà thờ được tổ chức trọng thể với sự tham dự của Thống đốc Nam Kỳ Lé Myre de Vilers. Ban đầu, nhà thờ mang tên "Nhà thờ Nhà nước" vì do chính quyền Pháp xây dựng và quản lý. Sau này, công trình được đổi tên thành Nhà thờ Đức Bà – cái tên quen thuộc, gần gũi và thiêng liêng trong lòng người dân Sài Gòn.

Đến năm 1962, công trình được Tòa thánh Vatican nâng cấp lên thành Vương cung Thánh đường, một danh hiệu hiếm có dành cho các nhà thờ có tầm quan trọng đặc biệt trong Giáo hội Công giáo.
Kiến trúc nhà thờ Đức Bà
1. Tòa thánh đường: Không gian linh thiêng và trang nghiêm

Với thiết kế có thể chịu lực gấp 10 lần tổng khối lượng toàn bộ công trình, nội thất bên trong nhà thờ Đức Bà mang lại cảm giác vững chãi, thanh tịnh. Không gian thánh đường được chia thành 1 lòng chính, 2 lòng phụ và 2 dãy nhà nguyện. Sức chứa khoảng 1.200 người, phù hợp với các thánh lễ lớn, đặc biệt vào dịp Giáng sinh.
2. Tháp chuông: Linh hồn của công trình
Hai tháp chuông ban đầu cao 36,6m. Năm 1895, nhà thờ được xây thêm mái chóp cao 21m để che chuông, đưa tổng chiều cao lên 57m. Sáu quả chuông (âm đồ, rê, mi, son, la, si) được treo ở hai tháp, nhập khẩu từ Pháp, mỗi quả nặng từ vài trăm kg đến vài tấn. Khi cùng đổ chuông, âm thanh vang vọng khắp Sài Gòn, tạo nên một khung cảnh hùng tráng và thiêng liêng.
3. Kính màu và bàn thờ đá: Nét đẹp tinh xảo
Nhà thờ Đức Bà sở hữu 56 ô cửa kính màu với hình ảnh tôn giáo được chế tác tỉ mỉ. Các bàn thờ được khắc bằng đá cẩm thạch nguyên khối, gờ chỉ và hoa văn theo phong cách Roman-Gothic. Đây chính là điểm nhấn nghệ thuật khiến nhiều du khách say mê.
Khuôn viên bên ngoài: Nơi giao thoa giữa cổ kính và hiện đại
1. Tượng Đức Mẹ Hòa Bình

Tượng Đức Mẹ Hòa Bình được điêu khắc bởi G.Ciocchetti (Ý) vào năm 1959, làm từ đá cẩm thạch Carrara nổi tiếng. Tượng cao 4,6m, nặng 8 tấn, đặt ở trung tâm khuôn viên trước nhà thờ, biểu tượng cho lời cầu nguyện hòa bình cho nhân loại.
2. Tượng Pigneau de Béhaine và hoàng tử Cảnh
Trước năm 1945, nhà thờ từng có tượng vị giám mục Pháp Pigneau de Béhaine dẫn theo hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh – biểu tượng cho sự giao thoa giữa Công giáo và triều Nguyễn. Dù tượng đã bị phá bỏ, nhưng nền đá hoa cương vẫn còn, như một chứng tích lịch sử.
Hướng dẫn du lịch Nhà thờ Đức Bà: Lưu trú – ăn uống – di chuyển
1. Ở đâu?
Bạn có thể lựa chọn khách sạn Vinpearl Landmark 81 – một trong những tòa nhà cao nhất Việt Nam. Từ đây, bạn dễ dàng di chuyển đến các địa danh nổi tiếng như chợ Bến Thành, Dinh Độc Lập, phố đi bộ Nguyễn Huệ và tất nhiên là nhà thờ Đức Bà. Ngoài dịch vụ đẳng cấp 5 sao, nơi đây còn có đài quan sát, nhà hàng sang trọng và bể bơi rộng lớn.
2. Di chuyển đến nhà thờ
Từ bất kỳ quận nào của TP.HCM, bạn có thể dễ dàng đến nhà thờ bằng xe bus, xe ôm, taxi, hoặc xe cá nhân. Một số bãi đỗ xe gần nhà thờ là trường Hòa Bình, Nhà văn hóa Thanh Niên và Hội trường Thống Nhất.
3. Giờ mở cửa và lễ
- Thứ 2 – Thứ 7: 5h30 và 17h30
- Thứ 5 – Thứ 6: thêm lễ 20h00
- Chủ nhật: 7 lễ – 5h30, 6h45, 8h00, 9h30 (tiếng Anh), 16h00, 17h30, 19h00
4. Ăn gì gần nhà thờ?
Gần nhà thờ có nhiều quán ăn ngon, từ cà phê vỉa hè, bánh tráng trộn, hủ tiếu gõ, bột chiên đến các quán cà phê phong cách cổ điển nhìn ra nhà thờ – lý tưởng để sống chậm, chụp ảnh và thư giãn.
Không chỉ là nơi tôn nghiêm của người Công giáo, nhà thờ Đức Bà Sài Gòn còn là một địa danh giàu giá trị văn hóa, lịch sử và kiến trúc. Nếu có dịp đến TP.HCM, bạn nhất định nên dừng chân tại đây để cảm nhận sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, giữa cổ điển và hiện đại.