Khối ngoại đang "tranh thủ" giải ngân

Cập nhật: 10:12 | 02/12/2022 Theo dõi KTCK trên

Có thể thấy, đà mua ròng kỷ lục của khối ngoại diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh. Giới phân tích đánh giá có nhiều nguyên nhân khiến khối ngoại giải ngân mạnh vào cổ phiếu Việt trong thời gian gần đây.

Trong tháng 11/2022, khối ngoại đảo chiều mua ròng 15.906 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh - mức giải ngân mạnh hơn cả đợt đáy COVID-19 tháng 6/2020 (khoảng 14.000 tỷ đồng). Đây cũng là kỷ lục chưa từng có trong lịch sử hoạt động của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Cộng với mua ròng hơn 1.005 tỷ thoả thuận, tổng giá trị mua ròng của khối ngoại trên toàn thị trường đạt 16.911 tỷ đồng, ghi nhận tháng mua ròng kỷ lục của khối ngoại trong 3 năm rưỡi, kể từ tháng 5/2019.

Khối ngoại đang

Con số này chỉ thấp hơn chút ít so với mức mua ròng hơn 22.800 tỷ đồng hồi tháng 5/2018. Song cũng cần lưu ý rằng, lượng mua ròng này được đóng góp bởi giao dịch thoả thuận đột biến 28.548 tỷ đồng của cổ phiếu VHM (Vinhomes). Nếu loại bỏ giao dịch này thì trong tháng đó, khối ngoại vẫn ghi nhận trạng thái bán ròng.

Trở lại hiện tại, giao dịch trung bình của khối ngoại trong tháng 11 chiếm khoảng 20 - 25% tổng thanh khoản của thị trường, cao hơn đáng kể mức 10 - 15% của giai đoạn "up trend" và tạo đỉnh của VN-Index. Có thể nói, xu hướng mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài không chỉ tác động đến tâm lý nhà đầu tư trong nước, mà còn trở thành trợ lực lớn giúp thị trường phục hồi trong thời gian gần đây.

Xét theo từng sàn, khối ngoại mua ròng 15.975 tỷ đồng trên HoSE, mua ròng 780 tỷ đồng trên HNX và rót ròng 156 tỷ đồng trên UPCoM trong tháng 11/2022.

Xét riêng từng cổ phiếu, dòng tiền ngoại mua ròng mạnh nhất cổ phiếu VHM (1.727 tỷ đồng). Từ giữa tháng 11 đến chốt phiên cuối tháng, cổ phiếu này đã tăng mạnh từ vùng đáy 19 tháng lên 54.500 đồng/cp, tương ứng lấy lại gần 26% sau khoảng 19 phiên giao dịch.

Theo sau đó, lực mua ròng của khối ngoại tập trung mạnh vào cổ phiếu STB (Sacombank) và KDH (Nhà Khang Điền), giá trị lần lượt đạt 1.320 tỷ và 1.171 tỷ đồng. Hai cổ phiếu này trong nửa cuối tháng 11 cũng vận động tương đối khởi sắc, thị giá đã tăng lần lượt 32% và 44% so với cùng đáy giá tháng.

Một số mã khác cũng được mua ròng trên nghìn tỷ đồng có thể kể đến như KDH (Nhà Khang Điền), HPG (Hòa Phát), SSI (Chứng khoán SSI) và MSN (Masan Group).

Ngoài ra, khối ngoại còn mua ròng hơn 915 tỷ đồng tại chứng chỉ quỹ FUEVFVND, 841 tỷ đồng tại VIC (Vingroup) và 745 tỷ đồng tại CTG (Vietinbank).

Tính chung 11 tháng đầu năm 2022, giá trị giao dịch ròng của khối ngoại đảo chiều sang mua ròng 15.904 tỷ đồng (mua ròng 17.907 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh và bán ròng hơn 2.000 tỷ đồng trên kênh thoả thuận). Trước đó, 10 tháng đầu năm, khối ngoại đã bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng.

Trong đó, top 3 cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất trong 11 tháng là STB (3.300 tỷ đồng), FUEVFVND (3.146 tỷ đồng) và DGC của Đức Giang (2.429 tỷ đồng).

Nguyên nhân khiến khối ngoại giải ngân mạnh?

Có thể thấy, đà mua ròng kỷ lục của khối ngoại diễn ra trong bối cảnh TTCK Việt Nam giảm mạnh. Giới phân tích đánh giá có nhiều nguyên nhân khiến khối ngoại giải ngân mạnh vào cổ phiếu Việt trong thời gian gần đây.

Đầu tiên, chỉ số Dollar-Index hạ nhiệt từ đỉnh và TTCK toàn cầu hồi phục mạnh là yếu tố kích hoạt đà mua ròng khối ngoại.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến động lực mạnh từ dòng vốn của các quỹ ETF. Cụ thể, trong tháng 11, VNM ETF hút ròng 34 triệu USD, luỹ kế 11 tháng hút ròng 5 triệu USD; tương tự FTSE Vietnam ETF hút ròng 16 triệu USD trong tháng 11 và 29 triệu USD trong 11 tháng đầu năm.

Đáng chú ý, trong tháng 11, Fubon FTSE Vietnam ETF đã vào ròng lên đến 133 triệu USD (~3.300 tỷ đồng). Riêng phiên giao dịch ngày 29/11, Fubon FTSE Vietnam ETF đã vào ròng mạnh hơn 400 tỷ đồng. Đến phiên giao dịch 30/11, quỹ ngoại này đã vào thêm 200 tỷ. Như vậy, chỉ trong vòng 2 ngày quỹ này đổ vào cổ phiếu Việt Nam 600 tỷ đồng.

Ngoài ra, hàng nghìn tỷ cũng đổ vào TTCK Việt thông qua các quỹ ETF như DCVFM VN30, DCVFM VNDiamond hay SSIAM VNFinlead...

"Những quỹ ETF này tập trung chủ yếu vào những cổ phiếu bluechip, đầu ngành, như rổ VNDimond, VN30… Ngoài ra dòng tiền còn đến từ các quỹ đầu tư chủ động sẽ đầu tư nhiều mã hơn. Điểm mấu chốt là định giá đủ hấp dẫn là họ sẽ mua", ông Trần Đức Anh, Giám đốc phân tích vĩ mô và chiến lược đầu tư, Công ty CP Chứng khoán KBSV cho biết.

Nhà sáng lập quỹ PYN Elite, ông Petri Deryng nói rằng, các nhà đầu tư nước ngoài đang xem thời điểm hiện tại là cơ hội tuyệt vời để rót tiền nhiều hơn nữa vào TTCK Việt Nam, nhất là khi nhìn vào triển vọng kinh tế 5 năm tới.

Thực tế, khi so sánh với các TTCK của khu vực lân cận khác, cổ phiếu Việt Nam đang có mức định giá rất tốt. Nếu như tại Philippines, Indonesia, Malaysia... thị trường có mức giảm khoảng 10%, thì VN-Index đã mất đến 35% giá trị.

"Khối ngoại thấy rằng rất dễ dàng hưởng lợi từ khoảng chênh lệch đó và rồi lại lãi trong dài hạn nữa, giống như đang phát kẹo ngọt cho nhà đầu tư vậy", sếp của quỹ PYN Elite đánh giá.

Hơn nữa, trong trường hợp Việt Nam được nâng hạng sẽ là bước tiến lớn bởi nhiều quỹ đầu tư cho rằng thị trường mới nổi chưa thể tham gia, còn Việt Nam vẫn là thị trường cận biên. Việc nâng hạng cũng giúp thị trường mở rộng tập nhà đầu tư ngoại gấp 5-10 lần số lượng hiện tại.

Đồng thời, việc nâng hạng giúp các doanh nghiệp nhà nước sắp cổ phần hóa tiếp cận được những nhà đầu tư tiềm năng hơn và như vậy sẽ có giá IPO lớn hơn.

“Đây quả thực là thời điểm tốt để đầu tư vào TTCK Việt Nam", ông Yang Yining, nhà quản lý quỹ Fubon FTSE nói.

Giới phân tích dự báo, xu hướng mua ròng của khối ngoại có thể vẫn sẽ tiếp diễn đến hết năm nay. Với vị thế trường vốn và tầm nhìn dài hạn, nếu xu hướng mua ròng của khối ngoại được duy trì hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự khởi sắc hơn nữa của TTCK trong tháng cuối năm. Đây có thể là yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư cá nhân bám sát và xây dựng chiến lược phù hợp hơn.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng SSI, khối ngoại cũng sẽ có những thời điểm dừng mua theo chiến lược. Trước đây, các nhà đầu tư Thái Lan, Hàn Quốc rót vốn vào Việt Nam nhưng một khi nhận thấy có lựa chọn tốt hơn thì đã rút vốn.

“Nhà đầu tư nên quan tâm đến các yếu tố nội tại của thị trường. Yếu tố từ khối ngoại chỉ là một phần, không phải là tất cả đối với thị trường Việt Nam trong thời điểm này”, vị chuyên gia từ SSI lưu ý.

Ngoài ra, chúng tôi cũng giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.

Tự doanh bán ròng hơn trăm tỷ đồng phiên đầu tiên tháng 12, tâm điểm NVL, ACV

Phiên giao dịch đầu tiên của tháng 12, khối tự doanh công ty chứng khoán bán ròng 131,8 tỷ đồng tổng cổ phiếu trên thị ...

Nhà đầu tư cá nhân bán ròng phiên thứ 6 liên tiếp, tâm điểm VHM cùng STB

Phiên VN-Index đóng cửa quay đầu giảm hơn 12 điểm, nhà đầu tư cá nhân có phiên bán ròng thứ 6 liên tục với quy ...

Tin tức chứng khoán 9h00' hôm nay 2/12/2022: HPX, BCF, TNA, HDB, PVS

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam cập nhật và gửi đến quý độc giả những tin tức chứng khoán mới nhất ...

Anh Khôi