Khởi nghiệp từ mô hình nông nghiệp tuần hoàn, phụ nữ trẻ Hòa Bình thu nửa tỷ mỗi năm
Tận dụng lợi thế sẵn có, chị Bùi Thị Châm phát triển mô hình nông nghiệp tuần hoàn tại Kim Bôi, mỗi năm thu 300–500 triệu đồng, tạo thương hiệu gà sạch.
Từ xuất khẩu lao động đến phát triển nông nghiệp tuần hoàn
Sau thời gian làm việc ở nước ngoài, chị Bùi Thị Châm, hội viên Chi hội phụ nữ xóm Láu Ráy (xã Bình Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình), đã quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Nhờ số vốn tích lũy và tinh thần cầu thị, vợ chồng chị mạnh dạn đầu tư mô hình nông nghiệp tổng hợp theo hướng sạch và tuần hoàn.

Trên diện tích 7 ha đất đồi, chị kết hợp giữa chăn nuôi, trồng trọt và sản xuất rượu truyền thống. Đặc biệt, gia đình tận dụng phụ phẩm từ quá trình nấu rượu để phối trộn cùng cỏ voi, thân chuối, ngô… làm thức ăn cho vật nuôi. Nhờ đó, chi phí sản xuất giảm đáng kể, môi trường được giữ gìn và sản phẩm đạt chất lượng cao.
Năm 2024, chị Châm nuôi thành công 5.000 con gà thịt, bên cạnh đàn lợn rừng lai được nuôi theo tiêu chuẩn sạch, nuôi 1 lứa/năm. Phân chuồng được tái sử dụng để chăm sóc cây cối, kết hợp nuôi cá theo hướng khép kín. Mô hình mang lại thu nhập ổn định từ 300 – 500 triệu đồng/năm.
Giữ gìn hương vị truyền thống, phát triển thương hiệu bản địa
Không dừng lại ở sản xuất nông sản, chị Châm còn khéo léo kết hợp làm rượu ngô men lá, đặc sản của vùng cao, mở rộng thêm nhiều dòng sản phẩm như rượu gạo, rượu nếp cẩm, rượu ngâm ổi, sáp ong, ngô tím…. Tất cả được sản xuất theo quy trình sạch, kết hợp sơ chế, đóng gói ngay tại nhà, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng hiện đại.
Nhận thấy xu hướng ưa chuộng sản phẩm an toàn, chị đầu tư vào khâu sơ chế, hút chân không, đóng gói để sản phẩm dễ bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ. Đặc biệt, thương hiệu “gà sạch Luân Châm” đang dần được người tiêu dùng trong và ngoài huyện biết đến nhờ chất lượng ổn định và truyền thông qua mạng xã hội.
Vợ chồng chị chủ động xây dựng kênh quảng bá online, chụp ảnh, viết bài giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh tương tác trên Facebook, Zalo… giúp tăng lượng đơn hàng và mở rộng tập khách hàng tiềm năng.
Hướng đến sản phẩm OCOP, kết hợp du lịch nông nghiệp
Chia sẻ về định hướng sắp tới, chị Châm cho biết sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng trọt theo hướng hữu cơ, tăng quy mô chăn nuôi và phát triển sản phẩm chế biến như gà ủ muối, rượu đặc sản. Đồng thời, chị lên kế hoạch làm hồ sơ đăng ký OCOP, xây dựng bao bì, nhãn hiệu và từng bước kết hợp du lịch trải nghiệm nông nghiệp tại địa phương.
Theo Hội LHPN huyện Kim Bôi, chị Châm là hình mẫu phụ nữ nông thôn trẻ dám nghĩ, dám làm, ứng dụng sáng tạo khoa học vào nông nghiệp. Mô hình của chị không chỉ góp phần xây dựng nông thôn mới mà còn lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng phụ nữ.