Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nắm bắt cơ hội để thành công

Cập nhật: 11:15 | 09/12/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Hội thảo quốc tế về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong khuôn khổ Techfest Việt Nam 2019 vừa qua đã được tổ chức thành công tại Quảng Ninh.

khoi nghiep doi moi sang tao nam bat co hoi de thanh cong

Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2019 với nhiều hoạt động nổi bật

khoi nghiep doi moi sang tao nam bat co hoi de thanh cong

Khởi nghiệp ở lĩnh vực y tế có nhiều cơ hội phát triển

khoi nghiep doi moi sang tao nam bat co hoi de thanh cong

Khai mạc Techfest 2019 tại FLC Hạ Long: Đón chờ những kỳ lân công nghệ

Mới đây, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh, Quỹ đầu tư Vietnam Silicon Valley (VSVA) với Tư cách là Trưởng làng Dịch vụ hỗ trợ Startup đã tổ chức thành công chương trình "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2019 – Cơ hội, thách thức và giải pháp để phát huy lợi thế".

Chương trình có sự tham dự của ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp, Bộ KH&CN; ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM; ông Phạm Ngọc Danh - giám đốc sở KHCN Đắc Nông,; ông Nguyễn Đức Lý - Giám đốc Sở KH&CN Quảng Bình; Ông Phạm Quang Nguyên- Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Vĩnh Phúc; Ông Hoàng Bá Nam Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Quảng Ninh, bà Thạch Lê Anh - nhà sáng lập Vietnam Silicon Valley cùng với đại diện các Trường Đại học, Cao đẳng; đại diện các quỹ đầu tư trong và ngoài nước.

khoi nghiep doi moi sang tao nam bat co hoi de thanh cong

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Techfest 2019.

(Ảnh: Nguồn Internet)

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Phạm Hồng Quất cho biết: "Trong gần một thập kỷ trở lại đây, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Chính phủ, đây được coi như một công cụ quan trọng giúp thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước. Rất nhiều cơ chế, chính sách mới đã được gấp rút tập trung hoàn thiện và sửa đổi nhằm giúp tạo động lực cho sự phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp trong mọi ngành, lĩnh vực và khắp các tỉnh thành trên đất nước Việt Nam".

Sau hơn 3 năm triển khai, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã hình thành được hành lang pháp lý cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 và các văn bản hướng dẫn. Các chính sách thí điểm cũng đang được các bộ ngành tích cực xây dựng, triển khai như: sandbox trong lĩnh vực fintech, trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, đưa startup tham gia các chương trình huấn luyện tại nước ngoài…

Tiếp theo, hệ thống các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong phạm vi cả nước, có sự phát triển nhanh về mặt số lượng với 23 tổ chức thúc đẩy kinh doanh lớn trên thế giới đã vào Việt Nam như 500 startups, 38 vườn ươm khởi nghiệp và đặc biệt là trên 170 khu làm việc chung với những thương hiệu đang mở rộng ra thị trường quốc tế. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia cũng thúc đẩy các trường đại học hình thành những trung tâm ĐMST, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và đặc biệt là một số trường đã đưa môn học về khởi nghiệp sáng tạo vào chương trình chính thức. Năm 2019 cũng có 61 quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo hiện diện tại Việt Nam; trong đó, các quỹ đầu tư đến từ Hàn Quốc, Singapore chiếm đa số.

Tiếp nối chương trình với chủ đề với chủ đề "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2020: Nắm bắt cơ hội để phát triển", bà Thạch Lê Anh - Nhà sáng lập Vietnam Silicon Valley Accelerator đã có những chia sẻ sâu sắc về hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Bà cho biết: "Năm 2019 cũng chứng kiến bước nhảy vọt của thị trường vốn đầu tư mạo hiểm Việt Nam. Nếu như những năm trước đây, Việt Nam chỉ thu hút được 1- 3% tổng vốn đầu tư mạo hiểm của khu vực Đông Nam Á thì nay con số đó đã là 19%, nhảy vọt từ vị trí số 5 lên vị trí số 3 chỉ sau Indonesia và Singapore. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư Việt Nam cũng ngày càng thể hiện vai trò của mình trong Hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, chiếm 36% tổng thương vụ trong nửa đầu năm 2019. Số lượng startup cũng chứng kiến bước phát triển thần kỳ chỉ trong 6 năm, từ 400 năm 2012 startup tăng lên hơn 3000 startup năm 2018, tăng gấp 8 lần".

Bên cạnh những thành tựu kể trên, bà Thạch Lê Anh cũng chỉ ra những thách thức mà hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam còn gặp phải: "Sự phát triển khởi nghiệp ở Việt Nam chỉ tập trung ở các thành phố lớn dẫn đến các lĩnh vực mà doanh nghiệp khởi nghiệp lựa chọn thường là bán lẻ, thanh toán và giáo dục. Tuy nhiên, những lĩnh vực kể trên sau một số năm phát triển đã dần được định hình với những ông lớn trong ngành khiến việc các startup mới rất khó tham gia vào thị trường nếu không có nguồn lực mạnh – Điều rất hiếm ở Việt Nam. Trong khi đó những lĩnh vực như văn hoá, sáng tạo và nông nghiệp vốn là thế mạnh truyền thống cho Việt Nam thì lại ít được quan tâm thậm chí là bỏ ngỏ không khai thác".

Từ đó Bà đã nêu ra một số giải pháp như "Hình thành và phát triển mạng lưới câu lạc bộ nhà đầu tư thiên thần - Angel Corner, tạo không gian để nhà đầu tư thiên thần giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm cũng như các thương vụ đầu tư tiềm năng"; "Tập trung các cấu phần của hệ sinh thái khởi nghiệp, hình thành một địa điểm – trung tâm khởi nghiệp quy mô lớn làm điểm đến cho mọi nhà đầu tư" hay "phát triển các chương trình từ cơ bản tới chuyên sâu liên quan đến chuyển giao mô hình, kiến thức về đầu tư mạo hiểm và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp".

Một số nội dung nổi bật khác được thảo luận trong chương trình như: Vai trò của Tài sản trí tuệ trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Truyền thông và xây dựng cộng đồng - Giải pháp kết nối và hỗ trợ khởi nghiệp tại địa phương, Xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam: Khát vọng của Thành phố thông tin Bình Dương, Tọa đàm "Phát triển khởi nghiệp tại địa phương: cơ hội, thách thức và giải pháp".

Thông qua chương trình, Vietnam Silicon Valley cùng các diễn giả, đã mang tới một góc nhìn trực quan, giúp những người tham dự dễ dàng nhìn nhận, đánh giá và phần nào sớm nắm bắt các cơ hội cho mình – tránh tụt hậu trong bối cảnh làn sóng đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam đang có xu hướng tăng mạnh và thị trường đầu tư mạo hiểm Việt Nam bước đầu được hình thành.

Theo báo cáo của ES Capital và Cento Ventures, Việt Nam đang đứng thứ 3/6 quốc gia ASEAN về hệ sinh thái khởi nghiệp, sau Indonesia và Singapore. Chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) của Việt Nam liên tục tăng, từ vị trí thứ 59 (năm 2017) lên vị trí 47 (năm 2018) và 45 (năm 2019) trong số 129 nền kinh tế được xếp hạng trên thế giới. Trong 10 tháng đầu năm 2019, lượng vốn thu hút được từ 29 thương vụ là 751 triệu USD.

Đặc biệt, có những thương vụ quy mô rất lớn như thương vụ đầu tư vào VNLIFE, công ty mẹ của giải pháp thanh toán VNPAY lên tới 300 triệu USD, đứng thứ nhất trong số các thương vụ đầu tư vào các công ty công nghệ tài chính khu vực Đông Nam Á. Quy mô các thương vụ đầu tư lớn ngày càng tăng, cho thấy tiềm năng hình thành các “kỳ lân mới - các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được định giá trên 1 tỷ USD tại Việt Nam” là rất thực tế.

Thu Hoài

Tin liên quan