Khó đòi nợ từ EVN, Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) "bẻ lái" rời lịch trả cổ tức

Cập nhật: 06:10 | 20/03/2024 Theo dõi KTCK trên

Đại diện VSH cho rằng: “Việc thu hồi các khoản công nợ tiền điện có ý nghĩa quan trọng đối với Công ty để đảm bảo có đủ nguồn tiền chi trả các khoản cổ tức, nợ vay đến hạn trong năm 2024”.

Mới đây, Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (HOSE: VSH) cho biết việc thay đổi thời gian tạm ứng cổ tức đợt 2/2023 từ ngày 22/3 lùi sang ngày 3/10/2024, tương đương chậm hơn 6 tháng, với lý do chưa cân đối được nguồn tài chính.

Trước đó, kết thúc tháng đầu tiên của năm 2024, Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh đã hoàn thành tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 với tỷ lệ 10% (tương ứng 1.000 đồng/cp). Với 236 triệu cổ phiếu VSH đang lưu hành, doanh nghiệp này cần bỏ ra khoảng 236 tỷ đồng nhằm hoàn thành đợt tạm ứng cổ tức đầu tiên.

Khó đòi nợ từ EVN, Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH)
VSH: Nghị quyết HĐQT về việc thay đổi thời gian tạm ứng cổ tức đợt 2 năm 2023 bằng tiền

Theo dự định, phần cổ tức còn lại năm 2023 sẽ được chia với tỷ lệ 20%, tương ứng với 2.000 đồng/cp sẽ được quyết toán vào ngày 22/03/2024. Tuy nhiên, do doanh nghiệp này chưa cân đối được dòng tiền thanh toán, ban lãnh đạo VSH quyết định lùi thời gian thanh toán cổ tức 2023 đợt 2 sang ngày 03/10/2024, tức chậm hơn 6 tháng so với dự kiến.

Theo tìm hiểu, kế hoạch tạm ứng cổ tức bằng tiền cho năm 2023 ban đầu của VSH được ĐHĐCĐ thông qua là 20%. Ngày 19/12/2023, kết quả từ đợt lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản của doanh nghiệp đã phê duyệt điều chỉnh tỷ lệ cổ tức 2023 lên 30%.

Đáng chú ý, VSH điều chỉnh tăng cổ tức dù kết quả kinh doanh 2023 khá ảm đạm. Cụ thể, lũy kế năm 2023, tổng doanh thu đạt 2.578 tỷ đồng và lãi ròng 994 tỷ đồng, giảm lần lượt 17% và 21% so với năm 2022, chủ yếu do điều kiện thủy văn kém thuận lợi. Dù vậy khi so với kế hoạch thấp đề ra, Vĩnh Sơn - Sông Hinh vẫn vượt 5% chỉ tiêu doanh thu và 16% mục tiêu lợi nhuận.

Tính hết thời điểm năm 2023, tổng tài sản của VSH đạt 8.071 tỷ đồng, trong đó khoản nợ phải thu khách hàng hơn 1.172 tỷ đồng, tăng mạnh 47% so với thời điểm đầu năm.

Đại diện doanh nghiệp này cho biết, do tình hình tài chính của Tập đoàn Điện liện Việt Nam (EVN) đang gặp khó khăn, nên vấn đề thu nợ tiền điện hiện đang bị chậm so với kế hoạch. Tại cuối năm 2023, VSH vẫn chưa được thanh toán công nợ giữ lại năm 2022 hơn 221 tỷ đồng và công nợ năm 2023 khoảng 950 tỷ đồng.

Đại diện VSH cho rằng: “Việc thu hồi các khoản công nợ tiền điện có ý nghĩa quan trọng đối với Công ty để đảm bảo có đủ nguồn tiền chi trả các khoản cổ tức, nợ vay đến hạn trong năm 2024”.

Để thấy thêm được tình hình tài chính khó khăn của công ty này, trong tháng 1/2024 vừa qua, HĐQT REE - đơn vị sở hữu trên 50% tại VSH đã đồng ý cấp khoản vay tối đa 818 tỷ đồng cho Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh vay nhằm trả các khoản vay tại Ngân hàng ACB và HDBank.

Cách thời điểm nêu trên khoảng 1 tháng, Vĩnh Sơn - Sông Hinh cũng thông báo vay ngắn hạn 350 tỷ đồng từ REE để thanh toán nợ dài hạn của HDBank – Chi nhánh Thủ Đức.

Về kế hoạch cho năm 2024, VSH dự kiến đem về 1.966 tỷ đồng doanh thu và hơn 505 tỷ đồng lãi ròng, giảm lần lượt 24% và 49% so với thực hiện 2023. Trong đó, sản lượng điện sản xuất dự kiến trên 2,1 tỷ kWh, giảm 4% so với cùng kỳ.

Kế hoạch kinh doanh trên sẽ được VSH trình ĐHĐCĐ thường niên, dự kiến tổ chức ngày 04/04 tại thị trấn Măng Đen, Đăklong, Konplong, tỉnh Kon Tum, theo danh sách chốt ngày 02/04/2024.

​Diễn biến thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu VSH đã tăng tới gần 140% so với đáy giữa tháng 11/2021, hiện giao dịch tại vùng đỉnh lịch sử 50.000 đồng/cp. Tuy nhiên, thanh khoản từ đầu năm 2024 chưa đến 20.000 đơn vị/phiên, chủ yếu do cơ cấu cổ đông cô đặc.

Cuối năm 2023, Công ty TNHH Năng lượng REE - công ty con của Công ty CP Cơ Điện Lạnh (HoSE: REE đang sở hữu 52,58% cổ phần; tiếp theo là Tổng Công ty Phát điện 3 - Công ty CP (HoSE: PGV) nắm 30,55% và quỹ Samarang Ucits nắm 9,88%.

Nhu cầu tiêu thụ điện tăng trưởng khả quan

Theo EVN, nhu cầu tiêu thụ điện dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 8,5%/năm trong 5 năm tới. Bên cạnh đó, nhóm phân tích tới từ CTCK KBSV đánh giá nhu cầu sẽ xuất phát từ (1) Sự quay lại của hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước sẽ đòi hỏi đủ điện năng cho vận hành và duy trì (2) Vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (thâm dụng năng lượng) giúp gia tăng nhu cầu của nhóm khách hàng công nghiệp (3) Sự gia tăng dân số và tốc độ đô thị hoá nhanh chóng sẽ thúc đẩy nhu cầu của nhóm khách hàng dân dụng. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hoá cao trong khu vực. Tính đến đầu năm 2023, tỷ lệ đô thị hoá tại Việt Nam đạt hơn 42% trên cả nước.

Viconship (VSC) chuẩn bị nhận hơn 300 tỷ đồng cổ tức từ công ty con

Viconship (VSC) sẽ là đơn vị hưởng lợi nhất sau khi doanh nghiệp này nâng tỷ lệ cổ tức tới 70%.

Chứng khoán KAFI đặt mục tiêu LNTT 300 tỷ, tổng tài sản đạt 10.000 tỷ đồng

KAFI sẽ trình ĐHĐCĐ mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2024 đạt 300 tỷ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng tài ...

Thêm một dự án tổng đầu tư 74.000 tỷ đồng tại Long An được Vinhomes đưa vào "tầm ngắm"

Đây là một trong hai dự án lớn mà Vinhomes (VHM) muốn thực hiện tại Long An. Trong quá khứ, doanh nghiệp này cùng Tập ...

Hà Lê