Khi giấy phép xây dựng trở thành quá khứ: Một hành trình làm tổ chủ động và minh bạch
Giấy phép xây dựng về lý thuyết là để đảm bảo công trình được xây đúng quy chuẩn, an toàn và phù hợp quy hoạch. Nhưng trên thực tế, đôi khi nó thường trở thành một cửa ải nhiêu khê, nơi người dân phải học cách… “xin” hơn là “trình”.
Căn nhà tôi đang ở được xây cách đây gần 10 năm. Trước khi khởi công, bố tôi phải chạy đôn chạy đáo gần hai tháng trời. Xin giấy phép, xin bản vẽ quy hoạch, xin xác nhận hàng xóm, rồi chờ phường xác minh. Chưa kể… “xin nhẹ” vài người để hồ sơ đừng bị “quên trên bàn”.
Bố tôi bảo: “Xây nhà thì cực một, mà lo giấy tờ còn cực gấp ba”. Thế nên, khi nghe Thủ tướng đề xuất bỏ thủ tục xin giấy phép xây dựng ở những nơi đã có quy hoạch chi tiết, tôi nghĩ: Có thể đây là một trong những tin vui nhất đối với hàng triệu người dân đô thị – những người đang loay hoay với từng tấc đất, từng tờ giấy và từng cái gật đầu không chính thức.

Giấy phép xây dựng về lý thuyết là để đảm bảo công trình được xây đúng quy chuẩn, an toàn và phù hợp quy hoạch. Nhưng trên thực tế, đôi khi nó thường trở thành một cửa ải nhiêu khê, nơi người dân phải học cách… “xin” hơn là “trình”.
Không ít người phải thuê dịch vụ làm giấy phép với giá gấp đôi lệ phí. Không ít người xây lén vì biết thủ tục rườm rà hơn cả quy trình xây dựng. Và cũng không ít người chấp nhận sai, rồi… “phạt cho tồn tại”.
Vậy nếu bỏ giấy phép thì xã hội sẽ hỗn loạn?
Không.
Nếu quy hoạch đã rõ, tiêu chuẩn đã cụ thể và chính quyền thực sự giám sát tốt, thì việc bỏ thủ tục cấp phép không đồng nghĩa với bỏ kiểm soát.
Nó chỉ có nghĩa là: “Tôi không cần phải xin ai được sống trên mảnh đất hợp pháp của chính mình nữa”. Và: “Chính quyền không còn là người ‘cho phép’, mà là người ‘hướng dẫn và giám sát’.”
Nhưng dĩ nhiên, bỏ giấy phép không phải là tháo bỏ mọi nguyên tắc.
Nó đòi hỏi:
Một hệ thống quy hoạch minh bạch và số hóa.
Một chính quyền cơ sở năng động, chuyên môn cao và không hành dân.
Một cơ chế hậu kiểm mạnh mẽ để xử lý sai phạm (nếu có) một cách công bằng.
Bởi nếu không, cái mất không chỉ là mỹ quan đô thị mà là niềm tin vào luật pháp.
Một bác hàng xóm của tôi, người từng xây nhà phải dừng lại giữa chừng vì thiếu một “giấy xác nhận” chép miệng: “Nếu bữa đó có quy định như bây giờ thì tôi đã không mất gần trăm triệu vì đập sửa cái bậc tam cấp…”.
Giấy phép – đôi khi – không ngăn sai mà chỉ gây sợ.
Tôi tin, khi Thủ tướng nói “cắt thủ tục không cần thiết, giảm phiền hà cho dân” thì đó không chỉ là cải cách mà là thay đổi tư duy quản trị.
Từ “cho phép” sang “tạo điều kiện”.
Từ “trói lại cho dễ quản” sang “mở ra để dân tự chịu trách nhiệm”.
Và nếu mọi thứ đi đúng hướng thì một ngày không xa, việc xây một căn nhà sẽ không còn là “cuộc chiến giấy tờ” mà trở lại đúng nghĩa: Một hành trình làm tổ chủ động và minh bạch.