Khi bom đạn không còn là nỗi sợ duy nhất, một cường quốc tìm đến 'bậc thầy' phòng thủ để xây lá chắn cho riêng mình
Hệ thống này sử dụng AI để săn lùng và vô hiệu hóa các cuộc tấn công an ninh mạng trong thời gian thực, lấy cảm hứng từ một trong những công nghệ phòng không thành công nhất thế giới.
Trong chuyến thăm Israel ngày 29/6, Bộ trưởng Nội vụ Đức Alexander Dobrindt đã công bố kế hoạch tăng cường hợp tác an ninh sâu rộng với Israel, với trọng tâm là dự án phát triển một hệ thống phòng thủ mạng quốc gia mang tên "Vòm Không Gian Mạng" (Cyber Dome).
Động thái này là một phần quan trọng trong "bước ngoặt an ninh" (Zeitenwende) của Đức - một sự thay đổi chiến lược toàn diện nhằm tăng cường năng lực quốc phòng để đối phó với các mối đe dọa, cũng như củng cố vai trò trong khối NATO.

Theo tờ Bild của Đức, kế hoạch của ông Dobrindt được gọi là "Lá chắn An ninh mạng", bao gồm 5 điểm chính. Cụ thể, hai nước sẽ thành lập một trung tâm nghiên cứu mạng chung, tăng cường chia sẻ thông tin tình báo giữa cơ quan BND của Đức và Mossad của Israel, đồng thời hợp tác trong lĩnh vực chống máy bay không người lái và xây dựng hệ thống cảnh báo, bảo vệ dân sự hiệu quả.
Sự hợp tác sẽ vượt ra ngoài việc trao đổi thông tin thụ động. Hai bên dự kiến sẽ thành lập các tổ công tác chung để phân tích và đối phó với các mối đe dọa cụ thể, đặc biệt là các nhóm hacker có nhà nước bảo trợ.
Thay vì chờ bị tấn công, hai cơ quan sẽ phối hợp để xác định các chiến dịch tấn công đang được chuẩn bị và hành động trước để vô hiệu hóa chúng, chia sẻ thông tin về các lỗ hổng bảo mật mà đối phương có thể khai thác.
Tên gọi "Vòm Không Gian Mạng" được lấy cảm hứng trực tiếp từ hệ thống phòng thủ tên lửa "Vòm Sắt" (Iron Dome) nổi tiếng của Israel. Tuy nhiên, thay vì đánh chặn tên lửa, hệ thống của Đức sẽ tập trung vào việc phát hiện và vô hiệu hóa các cuộc tấn công trên không gian kỹ thuật số trong thời gian thực. Sự thay đổi trong tư duy quốc phòng của Đức toàn diện đến mức, cùng thời điểm, Thủ hiến bang Bavaria Markus Soeder cũng kêu gọi chính phủ mua 2.000 tên lửa đánh chặn để xây dựng một hệ thống "Vòm Sắt" vật lý cho quốc gia.
Trong chuyến thăm, Bộ trưởng Dobrindt, người vừa được Thủ tướng mới Friedrich Merz bổ nhiệm tháng trước, nhấn mạnh rằng phòng thủ quân sự đơn thuần là không đủ trong bối cảnh mới. "Việc nâng cấp đáng kể năng lực phòng vệ dân sự là điều cần thiết để tăng cường khả năng phòng thủ tổng thể của chúng ta", ông nói.
Phía Israel đã xác nhận các cuộc thảo luận cấp cao. Ngoại trưởng Gideon Sa'ar cho biết đã có cuộc gặp với người đồng cấp Đức để bàn về việc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối an ninh, khẳng định sự đồng thuận từ cả hai phía.
Sự hợp tác này không chỉ mang ý nghĩa kỹ thuật mà còn là một tuyên bố chính trị mạnh mẽ, thắt chặt mối quan hệ đồng minh chiến lược Đức - Israel. Bằng cách khai thác chuyên môn hàng đầu thế giới của Tel Aviv trong lĩnh vực phòng thủ, Berlin đang thực hiện những bước đi cụ thể để trở thành một trụ cột an ninh vững chắc hơn cho châu Âu.