"Khát" đơn hàng, Garmex Sài Gòn thanh lý tài sản và chuyển hướng sang ngành nghề mới
Garmex Sài Gòn gặp khó khăn khi không có đơn hàng, Công ty đưa ra biện pháp bán bớt tài sản và cắt giảm gần 4.000 lao động để duy trì hoạt động, tuy nhiên kinh doanh chưa được cải thiện trong khi các doanh nghiệp dệt may khác báo cáo tăng trưởng xuất khẩu.
Công ty CP Garmex Sài Gòn (HoSE: GMC), một trong những doanh nghiệp may mặc lớn từng sở hữu hơn 4.000 lao động, đã trải qua khó khăn kéo dài từ tháng 5/2023 khi không có đơn hàng, buộc phải bán bớt tài sản và cắt giảm lao động để duy trì hoạt động.

Cụ thể, trong báo cáo giải trình với Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE), Garmex Sài Gòn cho biết tính đến cuối tháng 10, Công ty vẫn chưa có đơn hàng mới, tình trạng này đã kéo dài gần một năm rưỡi từ tháng 5/2023. Theo báo cáo tài chính, doanh thu 9 tháng đầu năm của GMC đạt hơn 474 triệu đồng, chỉ bằng 6% so với cùng kỳ 2023, phần lớn từ cung cấp dịch vụ và thanh lý tài sản máy móc cũ.
Dù đã cố gắng tiết giảm chi phí, tổng chi phí tài chính và quản lý doanh nghiệp vẫn lên đến hơn 32 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi phí khấu hao tài sản cố định. Kết quả là sau 9 tháng, GMC báo lỗ gần 8 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên gần 82 tỷ đồng. Do đó, cổ phiếu của Garmex Sài Gòn hiện vẫn bị kiểm soát bởi HoSE từ cuối tháng 8 do lỗ lũy kế gần 73 tỷ đồng.
Khó khăn trong hoạt động kinh doanh của Garmex Sài Gòn bắt đầu xuất hiện sau đại dịch Covid-19, bắt nguồn từ sự sụt giảm doanh thu với đối tác Công ty CP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex - HoSE: GIL). Vào cuối năm 2022, Gilimex đã tiến hành khởi kiện Amazon Robotics LLC do vi phạm cam kết, gây ảnh hưởng đến các bên liên quan như Garmex Sài Gòn và Legamex. Cụ thể, trong các tháng 4 và 5/2022, Amazon đã điều chỉnh và giảm mạnh nhu cầu dự kiến cho phần còn lại của năm 2022 và 2023, chỉ còn lại một phần nhỏ so với các dự báo trước đó, khiến Gilimex rơi vào tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và tồn kho nguyên liệu thô.
Hiện tại, Garmex Sài Gòn đã phải liên tục cắt giảm lao động để duy trì hoạt động, hiện chỉ còn 31 nhân viên, giảm thêm 4 người so với cuối năm 2023. Trong năm ngoái, Công ty đã cắt giảm 1.947 việc làm, còn năm 2022 là 1.828 người. Công ty cho biết, nếu tiếp tục sản xuất tại các nhà máy sẽ phải gánh thêm chi phí lớn và dẫn đến lỗ thêm.
Để khắc phục tình trạng này, Garmex Sài Gòn đã lên kế hoạch chuyển đổi bằng cách đầu tư vào các ngành mới và thanh lý tài sản không sử dụng. Công ty đã mở thêm hoạt động kinh doanh nhà thuốc tại trụ sở chính và đang thúc đẩy công ty con hoàn thiện dự án nhà ở tại Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) để bán sản phẩm và thu hồi vốn.
Là một trong những doanh nghiệp may mặc lâu đời với hơn 20 năm hoạt động, Garmex Sài Gòn từng sản xuất cho nhiều thương hiệu quốc tế và sở hữu 5 nhà máy lớn tại TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Nam. Tuy nhiên, năm 2022 là lần đầu tiên công ty báo lỗ do đơn hàng giảm mạnh, khiến doanh thu xuất khẩu sụt giảm tới 93% so với năm trước đó.
Trong khi GMC gặp khó khăn, ngành dệt may Việt Nam lại đang khởi sắc. Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong 9 tháng đầu năm đạt hơn 27 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ 2023. Nhiều doanh nghiệp trong ngành đã có đủ đơn hàng cho cả năm và đầu 2025. Xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ Bangladesh dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, nhưng riêng với GMC, sự chênh lệch này đặt ra thách thức lớn trong việc lấy lại sức cạnh tranh.
Ngọc Nhi