Khẳng định vị thế hàng hóa Việt Nam tại Thái Lan

Cập nhật: 09:54 | 16/05/2022 Theo dõi KTCK trên

Thời gian gần đây, nhiều sản phẩm thương hiệu Việt thông qua sự hợp tác giữa các doanh nghiệp (DN) Việt Nam với kênh phân phối của Thái Lan đã thâm nhập vào thị trường nước này. Nếu DN Việt chủ động tìm hiểu nhu cầu thị trường thì hoàn toàn có thể đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa tại quốc gia này hơn nữa.

Hà Nội: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 tăng mạnh

Tiếp tục nghiên cứu giảm thêm thuế để hạ giá xăng dầu

Tài chính tiêu dùng tiếp cận xu hướng của thế hệ Gen Z

Tổng Giám đốc Công ty CP Hạt điều Hải Bình (tỉnh Gia Lai) Nguyễn Huỳnh Phú Lâm cho biết, từ năm 2019 đến nay, đơn vị đã xuất khẩu sản phẩm hạt điều vào Thái Lan thông qua chuỗi siêu thị Tops (thuộc Tập đoàn Central Group) với mức bình quân 4 - 6 tấn thành phẩm/tháng.

"Thái Lan vốn là xứ sở của thực phẩm chế biến, tuy nhiên ngành hạt thì không bằng Việt Nam bởi sản phẩm chế biến của Việt Nam khác biệt tạo ra điểm nhấn, đây là "cửa" dành cho hàng Việt xuất khẩu sang nước bạn" - ông Lâm nói.

Cũng như hạt điều Hải Bình, sản phẩm phở VIFON được đánh giá là một trong những mặt hàng Việt thành công trong hành trình chinh phục người tiêu dùng Thái Lan bởi đã có mặt ở chuỗi siêu thị Tops.

5343-hangviet
Ảnh minh họa

Chủ tịch HĐQT VIFON Bùi Phương Mai thông tin, sản phẩm phở VIFON đã vào được chuỗi siêu thị cao cấp Tops của Central Group và một số kênh bán lẻ khác với mức tiêu thụ 200 sản phẩm/cửa hàng. "Đây là một kết quả rất khả quan cho thấy hàng Việt hoàn toàn có thể chinh phục được người tiêu dùng nếu nắm được thị hiếu khách hàng" - bà Mai khẳng định.

Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cho thấy hiện nhiều sản phẩm thương hiệu Việt như sữa Vinamilk, đồ dùng học tập Thiên Long, bóng đèn Điện Quang… cũng đã thâm nhập vào thị trường này và được người tiêu dùng nước sở tại ưa chuộng.

Không chỉ hàng nông sản đã qua chế biến, đồ điện… sản phẩm trái cây tươi của Việt Nam cũng đang được người tiêu dùng Thái Lan ưa chuộng... Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, mặc dù là một cường quốc về xuất khẩu nông sản trên thế giới nhưng Thái Lan có nhu cầu nhập khẩu rất lớn các loại trái cây, rau củ tươi.

Riêng năm 2020, nước này nhập khẩu lượng rau quả tươi và chế biến có giá trị hơn 2,6 tỷ USD. Đây chính là cơ hội để các DN xuất khẩu nông sản Việt Nam khai phá thị trường đầy tiềm năng có giá trị lên tới hàng tỷ USD này. Đồng tình với phản ánh này, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân cho biết, nhiều mặt hàng trái cây tươi như vải, thanh long hiện hệ thống bán lẻ Thái Lan vẫn đang phải phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu từ Việt Nam.

Được biết, những năm gần đây, nhiều tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Thái Lan như Central Group, TCC đã đầu tư mua lại hệ thống siêu thị tại Việt Nam như Big C, Metro… Việc DN bán lẻ Thái Lan kinh doanh tại Việt Nam là cơ hội xuất khẩu hàng Việt Nam vào thị trường này.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy Thái Lan là một trong những đối tác có kim ngạch xuất, nhập khẩu lớn của Việt Nam với tổng giá trị trao đổi luôn nằm trong số 10 quốc gia có quan hệ thương mại lớn nhất với Việt Nam.

Số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) cho thấy, hiện kim ngạch thương mại của Việt Nam với Thái Lan tăng gấp 7 lần, từ 2,31 tỷ USD năm 2004 lên đến 16,58 tỷ USD năm 2020. Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thái Lan đạt gần 19 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2020. Riêng trong quý I/2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt gần 5 tỷ USD, tăng 7,4%.

Dù hàng Việt Nam đã thâm nhập thị trường Thái Lan, nhưng việc tiêu thụ chiếm lĩnh thị phần không hoàn toàn dễ dàng. Nguyên nhân được Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Phan Văn Chính nhận định, là do DN sản xuất vẫn còn mang tâm lý e dè cho rằng sản phẩm Thái Lan có giá thành, chất lượng hơn hàng Việt.

Còn theo Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh, hạn chế của hàng Việt Nam hiện nay không đến từ chất lượng mà từ sự am hiểu nhu cầu thị trường nên mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng thị hiếu người Thái Lan.

Bên cạnh đó, hầu hết các DN Việt Nam chưa có chiến lược phát triển cụ thể, chưa hiểu rõ về nhu cầu thị trường đang hướng tới. Chẳng hạn người tiêu dùng Thái Lan ưa chuộng thanh long quả nhỏ vừa một người ăn, thế nhưng nguồn hàng từ Việt Nam chủ yếu là quả size lớn và thương hiệu vẫn chưa được nhà nhập khẩu biết đến. Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho biết, DN Việt Nam chưa nắm rõ quy trình và tiêu chí xuất khẩu sản phẩm vào hệ thống phân phối của nước sở tại, chưa có sự kết nối đủ mạnh để đáp ứng các đơn hàng lớn...

Tại Việt Nam, Central Group có khoảng 40.000 nhà cung ứng, trong đó hơn 90% là hàng Việt Nam. Tuy nhiên, tại Thái Lan mới có khoảng 50 sản phẩm hàng hóa Việt Nam chủ yếu là cà phê và trái cây sấy có mặt trong các siêu thị thuộc Central Group.

Để hàng hóa Việt Nam hiện diện nhiều hơn trên thị trường Thái Lan, các chuyên gia kinh tế hiến kế, bản thân DN Việt phải chủ động tìm hiểu nhu cầu mặt hàng, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm liên quan đến mặt hàng sản xuất kinh doanh của đơn vị, từ đó xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp thực tế. Đồng thời, chủ động đề xuất với Bộ Công Thương đàm phán với Chính phủ Thái Lan về việc rà soát giảm hoặc dỡ bỏ một số biện pháp phòng vệ thương mại, thuế quan, làm cơ sở để Bộ này đề xuất với các cơ quan liên quan của Thái Lan đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập cảnh đối với hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.

Thu Uyên (Tổng hợp)