“Khai tử” thêm một dự án 3.700 tỷ đồng của FLC tại Thái Bình

Cập nhật: 10:27 | 22/12/2023 Theo dõi KTCK trên

Trong vòng hơn 1 năm qua, hàng chục dự án của Tập đoàn FLC rải rác khắp tỉnh, thành phố đã bị dừng nghiên cứu, thu hồi chủ trương đầu tư, thậm chí chấm dứt hoạt động.

Mới đây, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành quyết định thu hồi 12,2ha đất từng cho Công ty CP Tập đoàn FLC (UPCoM: FLC) thuê để triển khai dự án Bệnh viện Đa khoa Quốc tế, đồng thời giao lại cho Trung tâm phát triển quỹ đất và Kỹ thuật tài nguyên - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình quản lý.

“Khai tử” thêm một dự án 3.700 tỷ đồng của FLC tại Thái Bình
Phối cảnh dự án Bệnh viện Đa khoa Quốc tế hơn 3.700 tỷ đồng của FLC tại Thái Bình.

Được biết, đây là khu đất nằm tại phường Trần Lãm và xã Vũ Chính, TP. Thái Bình, được UBND tỉnh Thái Bình chấp thuận cho Tập đoàn FLC thuê lại vào năm 2019. Thời gian thuê đất là từ ngày 13/02/2019 đến hết ngày 11/02/2069, hình thức cho thuê đất là Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm.

Theo tìm hiểu, dự án Bệnh viện Đa khoa Quốc tế có tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 3.722 tỷ đồng, gồm 9 hạng mục chính, trong đó có khu nhà khám liên khoa; khu vực khoa truyền nhiễm và khoa chống truyền nhiễm; khu công trình hạ tầng kỹ thuật; nhà dịch vụ tổng hợp và bán trú; cây xanh cảnh quan…

Thời điểm khởi công xây dựng dự án hồi tháng 2/2019, Tập đoàn FLC chủ trương xây dựng bệnh viện đa khoa hạng I có quy mô lớn nhất Thái Bình cũng như các tỉnh lân cận. Dự án này được kỳ vọng mở đầu cho kế hoạch đầu tư và vận hành chuỗi bệnh viện đa khoa quy mô lớn trên cả nước của Tập đoàn này.

Tuy nhiên, đến ngày 9/8/2021, Tập đoàn FLC đã gửi thông báo chấm dứt hoạt động đầu tư dự án để bàn giao cho UBND tỉnh bố trí, quy hoạch mở rộng Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình.

Sau đó, ngày 13/8/2021, Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Thái Bình có thông báo về việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư. Mười ngày sau đó, Tập đoàn FLC đã tiếp tục có văn bản gửi UBND tỉnh Thái Bình về việc xem xét, xác nhận kinh phí đã đầu tư tại dự án này. Chi phí đầu tư các hạng mục của dự án đến thời điểm chấm dứt hoạt động đầu tư là hơn 77,2 tỷ đồng.

Được biết, dự án đã thi công xây dựng đươc 1 số hạng mục bao gồm: Cổng, hàng rào bảo vệ, nhà bảo vệ quanh dự án; tường rào; hạ tầng kỹ thuật, giao thông nội bộ, cảnh quan cây xanh; giao thông, đào khuôn đường; thi công trạm biến áp 630 KVA phục vụ thi công dự án, cây xanh…

Hiện nay, hiện trạng dự án Bệnh viện Đa khoa Quốc tế là bãi đất hoang rộng mênh mông, cỏ mọc um tùm và một số hạng mục công trình dang dở, nhem nhuốc...

“Khai tử” thêm một dự án 3.700 tỷ đồng của FLC tại Thái Bình
Hiện trạng của dự án (Ảnh: Báo Lao động)

Tập đoàn FLC được biết đến là chủ hàng loạt dự án bất động sản nổi bật trải dài từ Bắc chí Nam. Thời điểm đầu năm 2022, trước khi cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt tạm giam, Tập đoàn này vẫn liên tiếp công bố kế hoạch đầu tư vào loạt dự án mới và nghiên cứu đầu tư, xúc tiến pháp lý cho gần 300 dự án.

Tuy nhiên, sau khi ông Quyết bị “ngã ngựa”, nhiều địa phương đã có động thái dừng xem xét, thu hồi chủ trương nghiên cứu, khảo sát và chấm dứt hoạt động loạt dự án của FLC như Thanh Hóa, Bình Phước, Kon Tum, Hòa Bình, Lâm Đồng, Quảng Ngãi... Lý do chủ yếu được đưa ra là các dự án được chấp thuận chủ trương lập quy hoạch nhưng tập đoàn vẫn chưa triển khai thực hiện; chưa ký hợp đồng thuê đất và chưa thực hiện các thủ tục về đầu tư...

Sắp tới, ngày 2/1/2024, Tập đoàn FLC sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường với nội dung xoay quanh báo cáo về kết quả tái cơ cấu Tập đoàn, kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2024 và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ, trong đó có việc thông qua đơn từ nhiệm chức vụ thành viên HĐQT của ông Lê Thái Sâm và thành viên Ban Kiểm soát của ông Nguyễn Tri Thống. Hai vị này đã lần lượt xin từ nhiệm vào các ngày 10/8/2023 và ngày 20/11/2023.

Đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn FLC vẫn chưa thể phát hành báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, 2022, các báo cáo quý I, quý II và soát xét bán niên năm 2023, do đó chưa thể tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 và ĐHĐCĐ thường niên 2023 mà chỉ có thể triệu tập các cuộc họp bất thường.

Lần gần đây nhất, vào tháng 3/2023, tại ĐHĐCĐ bất thường, Tập đoàn FLC đã thông qua phương án tái cơ cấu toàn diện (bao gồm tái cơ cấu tài chính, tái cơ cấu các khoản vay, tái cơ cấu nhân sự, tái cơ cấu các hoạt động đầu tư, kinh doanh…). Theo đó, Tập đoàn này sẽ tập trung giữ lại hai lĩnh vực kinh doanh cốt lõi gồm phát triển bất động sản và kinh doanh nghỉ dưỡng, sân golf; đồng thời thực hiện M&A các dự án để tái cấu trúc các khoản vay, có nguồn vốn duy trì hoạt động.

Tập đoàn FLC bị cưỡng chế hơn 81 tỷ đồng tiền thuế

Cục Thuế TP. Hà Nội có văn bản gửi 19 ngân hàng yêu cầu trích tiền từ tài khoản của Tập đoàn FLC mở tại ...

Thanh Hóa: Dự án FLC Hoàng Long bị đề nghị thu hồi

Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp Thanh Hóa vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh này về việc ...

FLC tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường ngay sau Tết Dương lịch

Lần gần nhất FLC tổ chức ĐHĐCĐ bất thường là vào tháng 3/2023. Dù vậy, Tập đoàn này vẫn chưa thể tổ chức ĐHĐCĐ thường ...

Hà Lê