Khai sai thuế, Tập đoàn Hà Đô (HDG) bị Cục thuế TP.HCM xử phạt

Cập nhật: 15:49 | 13/08/2024 Theo dõi KTCK trên

Ngày 30/7, Cục thuế TP.HCM đã Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (HOSE: HDG).

Theo đó, Hà Đô đã có hành vi vi phạm hành chính bao gồm kê khai sai nhưng không dẫn đến thiếu số tiền thuế giá trị gia tăng phải nộp quy định tại khoản 1 Điều 141 Luật quản lý thuế ngày 13/6/2019; và kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân phải nộp quy định tại khoản 3 Điều 103 và Điều 107 của Luật Quản lý thuế ngày 29/11/2006 được bổ sung, sửa đổi bởi khoản 33 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 20/11/2012, khoản 1 Điều 142 Luật quản lý thuế ngày 13/6/2019.

Khai sai thuế, Tập đoàn Hà Đô (HDG) bị Cục thuế TP.HCM xử phạt
Tổng số tiền Hà Đô bị phạt và truy thu thuế khoảng 131 triệu đồng. Ảnh minh họa.

Trong đó, doanh nghiệp này bị phạt tiền 21,93 triệu đồng; truy thu thuế 77,17 triệu đồng tiền chậm nộp tiền thuế; tiền chậm nộp tiền thuế là 28,9 triệu đồng; và điều chỉnh tăng khấu trừ thuế giá trị gia tăng thêm gần 3 tỷ đồng.

Như vậy, tổng số tiền bị phạt và truy thu thuế khoảng 131 triệu đồng.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý II/2024, Hà Đô ghi nhận lợi nhuận sụt giảm. Cụ thể, mảng bán hàng và cung cấp dịch vụ mang về cho doanh nghiệp trên 158 tỷ đồng. Trong đó, giá vốn bán hàng chiếm 87,7 tỷ đồng, còn lại 70,4 tỷ đồng là khoản lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Hà Đô cũng đạt trên 90 tỷ đồng. Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận của Tập đoàn Hà Đô còn 82,8 tỷ đồng. Trong khi đó, con số này cùng kỳ 2023 là trên 147,3 tỷ đồng.

Cộng dồn 2 quý đầu năm 2024, Hà Đô đạt lợi nhuận hơn 175,3 tỷ đồng. Nhìn lại năm 2023, Tập đoàn Hà Đô đạt lợi nhuận gần 247 tỷ đồng sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy, dòng lợi nhuận 2 quý đầu năm 2024 của Hà Đô đã bị sụt giảm 72 tỷ đồng so với cùng kỳ 2023. Điều đáng nói, mặc dù lợi nhuận sụt giảm như vậy, nhưng các khoản nợ của Tập đoàn Hà Đô lại có xu hướng gia tăng.

Cụ thể, tại thời điểm ngày 1/1/2024, nợ phải trả của Hà Đô ở mức hơn 2,8 nghìn tỷ đồng. Thì chỉ trong 6 tháng (hết ngày 30/6/2024), con số này đã vượt mức 3 nghìn tỷ đồng. Đáng lo ngại nhất là khoản nợ ngắn hạn đang ở mức cao là trên 2,4 nghìn tỷ đồng. Trong khi, nguồn phải thu ngắn hạn khách hàng của doanh nghiệp này chỉ ở mức gần 258 tỷ đồng. Trong khoản thu ngắn hạn, bao gồm nhiều khách hàng là doanh nghiệp thành viên của tập đoàn này như: Công ty Cổ phần quản lý vận hành khai thác bất động sản Hà Đô, Công ty quản lý và kinh doanh bất động sản Hà Đô, Công ty đầu tư bất động sản Bình An Riverside, Điện gió Hà Đô Thuận Nam, Công ty Cổ phần năng lượng Agrita Quảng Nam, Minh Long Sài Gòn, Công ty Za Hưng, Thủy điện Sông Tranh 4…

Hết quý II/2024, hàng tồn kho của Hà Đô ở mức 507 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm 2024. Số hàng tồn kho này nằm chủ yếu ở dự án An Khánh - An Thượng, Khu biệt thự Sư Vạn Hạnh, dự án chung cư CC1 Dịch Vọng, dự án Toà nhà hỗ hợp Khu đô thị mới Dịch Vọng…

Về khoản nợ dài hạn phải trả của doanh nghiệp cũng đang ở mức hơn 564 tỷ đồng, tăng khoảng 70 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2024. Tính đến ngày 30/6/2024, vốn chủ sở hữu của Hà Đô đạt 5,4 nghìn tỷ đồng (tăng khoảng 23 tỷ đồng so với đầu năm), chủ yếu đến từ vốn góp của chủ sở hữu (hơn 3 nghìn tỷ đồng). Về tổng tài sản, tính đến ngày 30/6/2024, Hà Đô đạt mức trên 8,4 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 196 tỷ đồng so với với ngày 1/1/2024.

Xét về dòng tiền, Hà Đô đang đổ tiền vào các khoản đầu tư tài chính dài hạn với trên 5,4 nghìn tỷ đồng, chủ yếu vào các công ty con. Việc đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh chỉ vỏn vẹn 150 triệu đồng.

Về khoản vay nợ, tính đến ngày 30/6/2024, Tập đoàn Hà Đô đang có khoản vay ngắn hạn khoảng 395 tỷ đồng, vay dài hạn trên 550 tỷ đồng. Trong khoản vay ngân hàng, chủ nợ lớn nhất của Hà Đô là Ngân hàng Shinhanbank - chi nhánh Trần Duy Hưng với số tiền hơn 109 tỷ đồng.

Tập đoàn Hà Đô (HDG) muốn làm hai cụm công nghiệp 100 ha tại Ninh Thuận

Công ty CP Tập đoàn Hà Đô vừa đề xuất tỉnh Ninh Thuận chấp thuận chủ trương cho phép đầu tư vào 2 cụm công ...

Loạt dự án điện bị Thanh tra Chính phủ "điểm tên", cổ phiếu của Hà Đô (HDG) đang vận động ra sao?

Kết luận từ Thanh tra Chính phủ, cả hai dự án điện mặt trời của Hà Đô đều có sai phạm, nguy cơ phải điều ...

Công ty 100% vốn của Hà Đô (HDG) bị Thanh tra Chính phủ chỉ rõ sai phạm, nhóm quỹ Dragon Capital liên tục “tháo chạy”

Chỉ trong vòng 2 tháng qua, nhóm Dragon Capital đã bán hơn 17 triệu cổ phiếu HDG, tương ứng tỷ lệ 5,59%. Qua đó, nhóm ...

Đan Chi