Kết quả kinh doanh ngành phân bón có sự phân hóa rõ rệt năm 2020

Cập nhật: 12:25 | 23/02/2021 Theo dõi KTCK trên

Năm 2020, các đơn vị đầu ngành như Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau đều tăng trưởng khá tốt. Ngược lại, doanh thu Hóa chất Lâm Thao, Phân bón Bình Điền... cho thấy sự đi lùi.

2332-phan-bon-1
Kết quả kinh doanh ngành phân bón có sự phân hóa rõ rệt năm 2020. (Ảnh minh họa)

Năm vừa qua, khi nhắc tới lợi nhuận tăng trưởng, cần nhắc đến 2 ông lớn Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau.

Trong đó, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ - Mã: DPM) có doanh thu năm 2020 gần như đi ngang với 7.762 tỷ đồng, thì lợi nhuận sau thuế bất ngờ tăng đến 81%, lên trên 703 tỷ đồng.

Khoản lợi lớn của Đạm Phú Mỹ chủ yếu đến từ tiền thu nhập khác hơn 528 tỷ đồng, trong đó có 442 tỷ đồng tiền bồi thường 6,2ha đất Cà Mau và gần 88 tỷ đồng tiền bồi thường từ PVI trong vụ kho Vũng Áng và gián đoạn kinh doanh.

CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - Mã: DCM) doanh thu năm 2020 tăng 7,4% so với năm 2019, lên 7.563 tỷ đồng trong khi lợi nhuận sau thuế cũng tăng đến 55,5%, lên mức 665 tỷ đồng. Đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp doanh thu Đạm Cà Mau tăng trưởng so với cùng kỳ.

Cuối năm 2020, Đạm Cà Mau đã kịp điều chỉnh kế hoạch kinh doanh so với số liệu đặt ra hồi đầu năm. Trong đó điều chỉnh kế hoạch doanh thu giảm 1.000 tỷ đồng, xuống mức 6.953 tỷ đồng và chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế điều chỉnh tăng từ 52 tỷ đồng lên 479 tỷ đồng. Đạm Cà Mau đã hoàn thành, vượt 8,8% mục tiêu về doanh thu và vượt 39% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Giải trình về kết quả kinh doanh, phía công ty cho biết, tuy giá bán bình quân giảm khoảng 10% so với cùng kỳ, nhưng sản lượng tăng cũng một phần làm cho doanh thu cân bằng hơn.

Trong cơ cấu doanh thu của Đạm Cà Mau, doanh thu từ bán Ure đạt hơn 6.025 tỷ đồng, chiếm khoảng 78% tổng doanh thu toàn công ty. Giá vốn của Ure ghi nhận hơn 5.074 tỷ đồng, tương ứng riêng mảng Ure lãi thuần khoảng 950 tỷ đồng.

2024-zzzz-phan-bon-1
(Nguồn: HH tổng hợp)

Trái ngược với sắc thái tích cực của hai doanh nghiệp trên, kết quả kinh doanh năm 2020 của CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc - Mã: DHB) nhuốm màu ảm đạm.

Cụ thể, năm 2020 Đạm Hà Bắc tiếp tục lỗ 1.461 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với số lỗ 638 tỷ đồng ghi nhận trong năm 2019, nâng tổng lỗ lũy kế đến cuối năm lên 4.747 tỷ đồng. Đạm Hà Bắc đã âm vốn chủ sở hữu gần 2.000 tỷ đồng.

Doanh thu năm 2020 đạt 2.790 tỷ đồng, giảm hơn 4% so với năm 2019. Tuy nhiên giá vốn tăng cao khiến công ty lỗ thuần từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ hơn 297 tỷ đồng. Thêm vào đó là chi phí tài chính tăng, chi phí khấu hao tăng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng... làm cho Đạm Hà Bắc lỗ lớn.

2145-zzzz-phan-bon-2
(Nguồn: HH tổng hợp)

Đối với CTCP Phân bón Bình Điền (Mã: BFC), doanh thu thuần năm 2020 đạt 5.422 tỷ đồng, giảm 12% so với năm 2019. Tuy nhiên giá vốn hàng bán thấp kéo theo lãi gộp doanh nghiệp tăng nhẹ 3%. Kết quả, BFC ghi nhận 167 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng mạnh so với con số 99 tỷ đồng năm trước đó.

Bên cạnh đó, CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Mã: LAS) cũng báo lãi tăng trưởng dù doanh thu trong năm vừa qua giảm 21%. Bên cạnh nguyên nhân giá vốn hàng bán giảm, việc tiết giảm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng giúp công ty cải thiện biên lợi nhuận.

Tuy vậy, mức lợi nhuận 8 tỷ đồng so với kết quả kinh doanh từ năm 2018 về trước đó vẫn cho thấy tình trạng lao dốc của doanh nghiệp.

Dự báo ngành phân bón năm 2021

Năm 2021, với dự báo tình hình thời tiết thuận lợi và giá các loại nông sản ở mức cao sẽ là điều kiện tốt để người nông dân tăng cường chăm bón cho cây trồng, nâng cao năng suất, từ đó gia tăng nhu cầu sử dụng phân bón.

Theo dự báo từ AgroMonitor, tổng nhu cầu tiêu thụ phân bón của cả nước trong năm 2021 sẽ đạt khoảng 10,3 triệu tấn, tăng 5,5% so với năm 2020. Trong đó, tiêu thụ hầu hết các loại phân bón đều tăng đáng kể, đặc biệt là phân DAP (+12%), phân lân (+8,7%) và phân NPK (+4,6% ). Tiêu thụ phân Urê dự báo ổn định (+0,5%), phân Kali (+2,4%) và phân bón khác (+10,3% ).

Giá gạo thế giới năm 2021 dự kiến đạt mức trung bình 498 USD/tấn, cao hơn 21,8% so với mức trung bình 5 năm từ 2016 – 2020, sẽ góp phần đáng kể khiến nhu cầu sử dụng phân bón gia tăng, bởi đây là loại cây trồng có mức độ ảnh hưởng lớn nhất đến nhu cầu phân bón Việt Nam.

Dự báo tổng nhu cầu phân bón năm 2021 tại Đồng bằng sông Cửu Long (khu vực tiêu thụ phân bón lớn nhất cả nước) sẽ hồi phục khoảng 4 - 6% so với cùng kỳ; trong đó, chủ yếu tăng tiêu thụ phân DAP, NPK và các chủng loại khác như phân lân, phân bón hữu cơ.

Thị trường chứng khoán ngày 23/2/2021: Tín hiệu kỹ thuật phiên chiều

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam dẫn nguồn Vietstock đưa ra những phân tích tín hiệu kỹ thuật phiên chiều ngày ...

Phiên sáng 23/2/2021: Đà tăng bị chặn đứng, thanh khoản yếu dần

Tới cuối phiên sáng 23/2/2021, nhóm ngân hàng vẫn đóng vai trò trụ đỡ quan trọng cho VN-Index. Bên cạnh đó, GVR, GAS, HVN cũng ...

Lịch cổ tức cuối tháng 2/2021: ‘Mưa’ tiền mặt trên HNX, HOSE, UPCOM

Sự kiện cổ tức cuối tháng 2 (từ 22/2 đến 28/2/2021), ghi nhận có 13 doanh nghiệp niêm yết thông báo chốt ngày giao dịch ...

Hoàng Hà