Thuế - Bảo hiểm

Hướng dẫn mới về lương tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ ngày 1/7/2025

Sơn Tùng 24/04/2025 16:08

Từ ngày 1/7/2025, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ bao gồm cả mức lương, phụ cấp và khoản bổ sung khác, đồng thời bổ sung thêm nhóm đối tượng tham gia theo Luật BHXH 2024.

Bộ Nội vụ hiện đang xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2024, trong đó có quy định rõ về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc, sẽ chính thức áp dụng từ ngày 1/7/2025.

lương tính bhxh
Tiền lương tính đóng BHXH bắt buộc sẽ thay đổi từ ngày 1/7/2025

Cụ thể, theo dự thảo, tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc bao gồm ba thành phần: mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Tuy nhiên, một số khoản phúc lợi không được tính vào tiền lương đóng BHXH như: tiền thưởng, sáng kiến, ăn giữa ca, hỗ trợ xăng xe, điện thoại, nhà ở, giữ trẻ, hiếu hỉ, sinh nhật và hỗ trợ khi người lao động gặp tai nạn lao động hay khó khăn.

So với các dự thảo trước đây, quy định lần này đã tiếp thu ý kiến góp ý, làm rõ ranh giới giữa các khoản tính đóng và không tính đóng BHXH, đồng thời kế thừa quy định hiện hành.

Dự thảo cũng mở rộng đối tượng bắt buộc tham gia BHXH từ ngày 1/7. Theo đó, người lao động làm việc theo hợp đồng nhưng thời gian ngắn, miễn là tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn mức lương làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất, sẽ thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc. Mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH với nhóm này được xác định dựa trên thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

Ngoài ra, nhóm người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố sẽ đóng BHXH theo mức phụ cấp hàng tháng. Với lực lượng dân quân thường trực, mức đóng được xác định tương tự như các đối tượng là hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân và chiến sĩ nghĩa vụ công an.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định quy định về xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp. Đây là điểm mới, nhằm làm rõ hơn các khái niệm và biện pháp chế tài.

Theo dự thảo, hành vi trốn đóng được hiểu là không đăng ký tiền lương thực tế để đóng BHXH, hoặc sử dụng giấy tờ giả nhằm tạm hoãn nghĩa vụ đóng. Khi phát hiện vi phạm, người sử dụng lao động sẽ bị buộc đóng đủ số tiền nợ, cộng thêm khoản phạt tương đương 0,03% mỗi ngày tính trên tổng số tiền chậm hoặc trốn đóng.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời không được xét tặng danh hiệu thi đua hay khen thưởng trong thời gian vi phạm.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Hướng dẫn mới về lương tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ ngày 1/7/2025
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO