HOSE - 25 năm một hành trình: Những ngày "mở đường" cho thị trường chứng khoán Việt Nam
2 mã niêm yết, 4.200 cổ phiếu được giao dịch, 71 triệu đồng giá trị khớp lệnh; so với hàng chục nghìn tỷ đồng giao dịch mỗi phiên hiện nay, đó là dữ liệu vô cùng nhỏ bé. Nhưng chính những con số khiêm tốn ấy đã đặt nền móng cho cả thị trường chứng khoán hiện đại sau này.
LTS: Tuyến bài “HOSE – 25 năm một hành trình” nhằm tái hiện chặng đường hình thành và phát triển của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM – từ phiên giao dịch đầu tiên với 2 mã cổ phiếu đến vai trò trụ cột của thị trường vốn hiện nay. Thông qua các tư liệu, phỏng vấn người trong cuộc và những con số biết nói, loạt bài khắc họa bước chuyển mình mạnh mẽ của HOSE cũng như quá trình lớn mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam suốt 1/4 thế kỷ qua.
Sáng 28/7/2000, tiếng chuông khai sàn đầu tiên vang lên tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSTC), đánh dấu sự kiện lịch sử: Việt Nam chính thức có thị trường chứng khoán hiện đại đầu tiên. Với vỏn vẹn hai mã cổ phiếu REE và SAM, một bảng điện tử chớp nháy đơn sơ, phiên giao dịch kéo dài hơn hai tiếng nhưng mang theo kỳ vọng hàng chục năm về một nền tài chính phát triển.
.jpg)
Từ giấc mơ thể chế đến quyết định mở đường
Cuối thập niên 1990, Việt Nam bước vào giai đoạn tăng tốc cải cách hậu Đổi mới. Các doanh nghiệp nhà nước bắt đầu cổ phần hóa nhưng thiếu kênh huy động vốn dài hạn, trong khi hệ thống tín dụng ngân hàng vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trong bối cảnh đó, ý tưởng xây dựng một thị trường chứng khoán được ví như "đi trong bóng tối". Những băn khoăn về việc một đất nước xã hội chủ nghĩa có nên phát triển thị trường cổ phiếu cũng đã được đặt ra. Nhưng cuối cùng, với sự quyết đoán của những người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong đó có ông Lê Văn Châu – Phó Thống đốc NHNN, Chủ tịch SSC đầu tiên – Việt Nam đã chấp nhận bước ra khỏi vùng an toàn.
.jpeg)
Ngày 11/7/1998, Nghị định 48/1998/NĐ-CP chính thức ra đời, thành lập Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM. Sau gần hai năm chuẩn bị khẩn trương, ngày 28/7/2000, phiên giao dịch đầu tiên được tổ chức.
Chỉ hai mã cổ phiếu, nhưng là cả một nền tảng
Phiên đầu tiên có hai mã cổ phiếu: REE (Cơ điện lạnh) và SAM (Cáp và vật liệu viễn thông), cùng sáu công ty chứng khoán thành viên. Trong phiên kéo dài hơn 2 tiếng, 1.000 cổ phiếu REE và 3.200 cổ phiếu SAM được sang tay. Tổng giá trị giao dịch đạt gần 71 triệu đồng. VN-Index kết phiên ở mức 101,55 điểm, tăng 1,55% so với mốc tham chiếu.
Sự kiện này dù về số liệu rất khiêm tốn nhưng lại mang ý nghĩa to lớn. Lần đầu tiên, Việt Nam có một nơi tập trung để cổ phiếu được giao dịch công khai, minh bạch, có hệ thống khớp lệnh điện tử và giám sát từ cơ quan nhà nước.
Trong nhiều năm sau đó, ông Lê Văn Châu vẫn nhớ mãi và nhiều lần trải lòng về thời khắc ban đầu đó, như thể họ đang chuẩn bị những viên gạch tốt để xây một công trình lớn. "Chúng tôi biết mình đang làm điều đúng đắn, dù chẳng ai biết ngày mai sẽ thế nào", ông Lê Văn Châu từng nhớ lại. "Đó là một quyết định mang tính thể chế, không chỉ kinh tế".

Cả REE và SAM đều không dễ dàng gì khi quyết định niêm yết. Theo như lời kể của bà Mai Thanh – Chủ tịch HĐQT REE – khi ấy, Ủy ban Chứng khoán đã chia thành nhiều mũi công tác, đến gõ cửa từng doanh nghiệp mới cổ phần hóa để thuyết phục họ niêm yết. Trong số 14 doanh nghiệp được chọn lọc, 12 từ chối. REE là một trong hai cái tên đồng ý sau cùng.
"Niêm yết đồng nghĩa với công khai mọi thứ – tài chính, quản trị, chiến lược – trong khi lúc đó, khái niệm kiểm toán còn xa lạ với phần lớn doanh nghiệp", bà Mai Thanh từng chia sẻ. "Nhưng tôi tin, để phát triển bền vững thì phải minh bạch".
Với SAM, ông Đỗ Văn Trắc khi đó là Tổng giám đốc vẫn nhớ hành trình gần nửa năm để vận động cổ đông nhà nước, tự viết đi viết lại bản cáo bạch để đạt chuẩn niêm yết. Với tư duy, tầm nhìn đi trước của những lãnh đạo như ông Trắc, bà Mai Thanh, hai doanh nghiệp đã trở thành chim đầu đàn, giữ vai trò lớn trong sự ra đời của HOSE.
Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (nguyên Phó vụ trưởng, Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) nhấn mạnh, đây không chỉ là một cột mốc lịch sử mà còn thể hiện tinh thần tiên phong của hai doanh nghiệp trong việc chấp nhận cuộc chơi minh bạch, công khai và theo chuẩn mực quốc tế.
REE, một công ty cơ điện lạnh có nền tảng sản xuất bền vững, và SAM, vốn là doanh nghiệp chuyên về cáp viễn thông và đầu tư, đã chấp nhận những tiêu chuẩn khắt khe về công bố thông tin, kiểm toán và quản trị. Họ là những "người mở đường" trong việc chứng minh rằng thị trường chứng khoán có thể là một kênh huy động vốn hiệu quả và phát triển bền vững, thay vì chỉ mang tính đầu cơ.
SAM và REE niêm yết không chỉ là một cột mốc lịch sử mà còn thể hiện tinh thần tiên phong của hai doanh nghiệp trong việc chấp nhận cuộc chơi minh bạch, công khai và theo chuẩn mực quốc tế.
Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam
Sự tham gia của REE và SAM đã tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư, khuyến khích nhiều doanh nghiệp khác lên sàn, từ đó góp phần vào sự phát triển nhanh chóng của HOSE và toàn thị trường. Sau hơn hai thập kỷ, REE và SAM vẫn còn giao dịch, như một biểu tượng sống động cho giai đoạn khai sinh đầy khát vọng của thị trường vốn Việt Nam.
Hậu trường phiên giao dịch đầu tiên
Phía sau ánh sáng của bảng điện tử hôm đó là hàng loạt áp lực kỹ thuật và vận hành. Trước phiên khai trương, hệ thống giao dịch gặp trục trặc do bảng điện tử từ nhà tài trợ Chinfon không tương thích, phải gấp rút sang Thái Lan tìm phương án thay thế. Hệ thống phần mềm mua từ Hàn Quốc vận hành không ổn định, phải chạy giả lập nhiều lần mới có thể kiểm soát lỗi.
Ngay cả việc khớp lệnh cũng được cân nhắc kỹ. Phiên đầu tiên chỉ khớp lệnh một lần duy nhất trong ngày, để tránh tình trạng lệch cung – cầu gây sốc thị trường. Sau phiên, lãnh đạo trung tâm mới thở phào, hệ thống không lỗi, giá cổ phiếu REE tăng nhẹ, thị trường không bị rối loạn.
Ông Vũ Bằng – Giám đốc HoSTC thời điểm đó từng nhớ lại: "Áp lực như đang giữ nhịp tim cho một ca mổ quan trọng. Hệ thống không được phép sai, vì đó là niềm tin của cả nền kinh tế".
.jpg)
Những con số biết nói từ phiên giao dịch đầu tiên của HOSE
Chỉ số | Giá trị |
Số mã cổ phiếu niêm yết | 2 mã (REE, SAM) |
Công ty chứng khoán thành viên | 6 công ty |
Khối lượng giao dịch | 4.200 cổ phiếu |
Giá trị khớp lệnh | 71 triệu đồng |
Biến động VN-Index | Tăng 1,55 điểm, đóng cửa tại 101,55 điểm |
So với hàng chục nghìn tỷ đồng giao dịch mỗi phiên hiện nay, đó là con số vô cùng nhỏ bé. Nhưng chính những con số khiêm tốn ấy đã đặt nền móng cho cả thị trường chứng khoán hiện đại sau này.
Từ phiên đầu tiên, thị trường chứng khoán nhanh chóng được đón nhận bởi các nhà đầu tư cá nhân – những người khi đó còn chưa hiểu hết khái niệm cổ phiếu nhưng bị thu hút bởi tính minh bạch và cơ hội sinh lời.
Sau đó, số lượng mã niêm yết tăng đều đặn: Cuối năm 2001 có 10 mã, năm 2005 đạt 41 mã. Trong số đó có nhiều tên tuổi lớn như VNM, FPT, HPG – các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa và lựa chọn HOSE là điểm đến chiến lược.
Đặc biệt, phiên giao dịch đầu tiên đã tạo động lực lớn cho các cải cách thể chế: Luật Chứng khoán được ban hành năm 2006; Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) thành lập năm 2005; chỉ số VN-Index dần trở thành thước đo nền kinh tế niêm yết. Từ chỗ lo ngại công khai tài chính, nhiều doanh nghiệp giờ đây tự nguyện niêm yết để nâng tầm thương hiệu, tiếp cận vốn quốc tế, và áp dụng chuẩn quản trị hiện đại.
Tròn 25 năm, từ 2 mã ban đầu, HOSE đã trở thành sàn chứng khoán lớn nhất Việt Nam, với hơn 400 mã cổ phiếu, hàng triệu tài khoản giao dịch, và giá trị vốn hóa thị trường vượt 5 triệu tỷ đồng.