HoREA phản bác ý kiến của lãnh đạo Bộ Xây dựng về Nghị định 30

Cập nhật: 09:55 | 07/05/2021 Theo dõi KTCK trên

Mới đây HoREA đã có văn bản phản hồi lại ý kiến của ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) về Nghị định 30.

Chủ tịch HoREA: Dư nợ tín dụng bất động sản tại TP HCM hơn 12,7 tỉ USD

Cụ thể, theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Nghị định 30 hoàn toàn không gây khó khăn hay cản trở doanh nghiệp, trái lại còn tháo gỡ nhiều vướng mắc trong thực tế khi phát triển nhà ở thương mại, đặc biệt đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho rằng, ý kiến này không thỏa đáng.

Không đồng tình với ý kiến này, HoREA cho biết, đơn vị này đã nghiên cứu các Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các quy định pháp luật hiện hành, nhận thấy có một số ý kiến của ông Nguyễn Mạnh Khởi về công tác lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có tính chủ quan, tự suy diễn và chưa căn cứ đầy đủ các quy định của luật Đất đai 2013, luật Đầu tư 2020, luật Xây dựng (sửa đổi) 2020, luật Kinh doanh bất động sản 2014 và đã không thấu hiểu, không thấy hết các khó khăn, vướng mắc, ách tắc mà cộng đồng doanh nghiệp bất động sản đã phải vất vả gánh chịu trong hơn 5 năm qua, dẫn đến sự sụt giảm nguồn cung dự án nhà ở thương mại, thiếu sản phẩm nhà ở, nhất là nhà ở có giá vừa túi tiền, làm cho giá nhà tăng cao, tăng nóng và người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư càng khó tạo lập nhà ở hơn.

"Công tác tham mưu xây dựng pháp luật của các bộ, ngành giữ vị trí cực kỳ quan trọng để thực hiện đột phá thứ nhất trong 3 đột phá chiến lược của Đảng ta, đó là “đột phá về thể chế pháp luật”, để huy động tối đa các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội và kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng, cạnh tranh lành mạnh trong đó Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm tham mưu đề xuất xây dựng pháp luật về xây dựng, nhà ở, thị trường bất động sản.

Nếu một quy định pháp luật chưa chuẩn, chưa chính xác, không thống nhất, không đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan và không phù hợp với thực tiễn thì có thể gây tác động tiêu cực đến kinh tế xã hội, gây hậu quả rất lớn cho doanh nghiệp, thậm chí có thể dẫn đến doanh nghiệp bị phá sản", văn bản viết.

Hàng trăm dự án ách tắc

HoREA đề nghị Bộ Xây dựng có ý kiến về việc ông Nguyễn Mạnh Khởi cho rằng “Nghị định 30 giúp thanh lọc doanh nghiệp”, hay đây chỉ là ý kiến của cá nhân. Bởi đến nay Nghị định 30 mới ban hành đã gây ra nhiều bất cập, vướng mắc đã cản trở sự phát triển bình thường của thị trường bất động sản và gây thiệt hại cho doanh nghiệp khi chỉ cho các doanh nghiệp có quỹ đất là 100% đất ở hoặc “dính” một phần đất ở mới được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư còn lại các quỹ đất nông nghiệp hoặc đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sẽ không thể thực hiện được dự án. Trong khi hiện nay quỹ đất ở hạn chế, đa số là đất nông nghiệp do doanh nghiệp mua lại của người dân.

Do các quy định này mà trong 5 năm qua, tính từ ngày luật Nhà ở có hiệu lực 1.7.2015 đến nay thì đã có hàng trăm dự án nhà ở thương mại trong cả nước không được công nhận chủ đầu tư do không có 100% đất ở gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp, thậm chí có nguy cơ bị phá sản. Riêng TP.HCM tính đến tháng 9.2018 thì đã có 126 dự án nhà ở thương mại không được công nhận chủ đầu tư do không có 100% đất ở. Số lượng dự án bị “ách tắc” trên thực tế còn lớn hơn và đây cũng là một nguyên nhân làm sụt giảm nguồn cung dự án nhà ở, làm thiếu hụt sản phẩm nhà ở, giá nhà bị đẩy lên cao trong 5 năm vừa qua.

Quá trình đề xuất, xem xét xử lý các bất cập, vướng mắc pháp luật đối với dự án có đất ở và các loại đất khác hoặc có các loại đất khác, không phải là đất ở từ năm 2015 cho đến nay đã được HoREA kiên trì đề xuất xử lý vướng mắc, xung đột pháp luật, nhưng cho đến khi sửa đổi Khoản 1 Điều 23 luật Nhà ở 2013 và ban hành Nghị định 30 thì mới xử lý được thêm một trường hợp công nhận chủ đầu tư đối với nhà đầu tư đã nhận chuyển nhượng đất ở và các loại đất khác (có các loại đất khác “dính” với đất ở), còn các trường hợp nhà đầu tư nhận chuyển nhượng 100% đất nông nghiệp hoặc 100% đất phi nông nghiệp không phải là đất ở thì Bộ Xây dựng lại bỏ qua, không đề xuất xử lý khi sửa đổi Khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở.

Đối với ý kiến của ông Nguyễn Mạnh Khởi, cho rằng “Nghị định 30 giúp thanh lọc doanh nghiệp” là không chuẩn xác, bởi lẽ thị trường mới chính là nơi sàng lọc doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản. Thị trường sẽ thanh lọc các doanh nghiệp không có năng lực, không có uy tín thương hiệu, không có sức bền để chống chịu rủi ro, nhất là các rủi ro cực lớn và bất ngờ như đại dịch COVID-19 trong 2 năm qua.

Bởi lẽ trong nền kinh tế thị trường thì sẽ luôn luôn có nhiều doanh nghiệp được thành lập mới, đồng thời cũng có một số doanh nghiệp không trụ được phải rời thị trường. Đây là điều rất bình thường, bởi theo số liệu thống kê, mỗi năm có khoảng 100.000 doanh nghiệp thành lập mới, nhưng cũng có khoảng trên dưới 40.000 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động, rời thị trường và đại dịch COVID-19 làm tăng thêm số lượng doanh nghiệp rời thị trường trong năm 2020.

Do vậy, không thể nói và không có câu chuyện “Nghị định 30 giúp thanh lọc doanh nghiệp”, mà các quy định pháp luật sẽ giúp kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh, tạo hành lang pháp lý để các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh. HoREA đề nghị Bộ Xây dựng có chính kiến không tán thành ý kiến “Nghị định 30 giúp thanh lọc doanh nghiệp”.

b9558dd71e822e5344da83788aa082-3720-3884

Kiến nghị lãi suất ưu đãi vay mua nhà ở xã hội 3 - 3,5%/năm

Ở một diễn biến khác, HoREA vừa kiến nghị Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng xem xét quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi 4,8%/năm, áp dụng cho cả người mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại theo Nghị quyết 02 ngày 7/1/2013 của Chính phủ (gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng), để đảm bảo tính thống nhất và liên tục của chính sách.

Về lâu dài, khi nền kinh tế phát triển mạnh hơn, HoREA đề nghị Chính phủ xem xét áp dụng mức lãi suất ưu đãi vay mua nhà ở xã hội khoảng 3 - 3,5%/năm để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người có thu nhập trung bình, có thu nhập thấp đô thị, như nhiều nước đã thực hiện.

Hiệp hội đề nghị Chính phủ làm việc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận danh mục chi thực hiện chính sách nhà ở xã hội vào Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Về danh mục ưu tiên sử dụng vốn ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 202 1- 2025”. Điều này tạo điều kiện để có nguồn ngân sách tái cấp vốn, cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV, có nguồn vốn “mồi” từ ngân sách Nhà nước để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, tạo điều kiện để các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và người mua, thuê mua nhà ở xã hội được vay vốn ưu đãi.

HoREA cũng đề nghị cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vay vốn tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội và tại các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV. Đồng thời, quy định phải gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội để được vay vốn ưu đãi mua, thuê mua nhà ở xã hội được HoREA đề nghị tạm dừng, trước mắt áp dụng cho năm 2021 và có thể xem xét kéo dài thêm thời gian tạm dừng.

Cuối cùng, Hiệp hội kiến nghị thực hiện quy định chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê được hưởng ưu đãi nhiều hơn về thuế, được giảm 70% thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Gói thầu và chủ đầu tư ngày 7/5/2021: Hà Nam mời thầu dự án khu dân cư 119 tỷ đồng

Hà Nam gọi đầu tư vào dự án khu dân cư hơn 119 tỷ đồng; Ký kết hợp đồng BOT đoạn cao tốc Nha Trang ...

Tiếp tục gỡ rối thủ tục đầu tư dự án nhà ở tại TP. HCM

Tại cuộc họp sáng 5/5, ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM vừa chỉ đạo các sở, ngành xem xét thống nhất ...

Bình Định dự dùng 73.891 tỷ đồng phát triển 327 dự án nhà ở giai đoạn 2020 - 2025

UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025 nhằm cụ thể hóa ...

Quốc Trung T/H