Mô hình mới

Hơn 60 tuổi vẫn sung sức, nông dân Vĩnh Phúc đem thứ đặc sản sông nước bỏ ao nuôi, lợi nhuận hàng năm tới 9 con số

Tuấn Anh 23/05/2025 6:00

Nông dân tại Vĩnh Phúc đã thành công với mô hình nuôi kỳ lạ, đem lại lợi nhuận ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Dám nghĩ, dám làm từ đồng đất quê hương

Ở tuổi 65, ông Kim Đình Úp, một nông dân ở thôn Yên Lạc I, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc) vẫn miệt mài trên cánh đồng quê nhà với mô hình phát triển kinh tế tổng hợp V.A.C – vườn, ao, chuồng – đặc biệt là mô hình “cá sông trong ao” đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Mô hình cá sông trong ao của gia đình ông Kim Đình Úp, xã Đồng Văn (Yên Lạc) đem lại hiệu quả kinh tế cao
Mô hình "cá sông trong ao" của gia đình ông Kim Đình Úp, xã Đồng Văn (Yên Lạc) đem lại hiệu quả kinh tế cao (Ảnh: Báo Vĩnh Phúc)

Ba mươi năm trước, ông Úp nhận thầu khu Đầm Răm rộng gần 10 ha thuộc đất công ích 5% của hợp tác xã để bắt đầu thử sức với mô hình sản xuất tổng hợp: thả cá, cấy lúa một vụ và trồng cây ăn quả trên bờ. Với nền tảng là kỹ sư nông nghiệp chính quy cùng tinh thần chịu khó học hỏi, ông sớm xây dựng được một trong những trang trại quy mô lớn nhất địa phương, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Ban đầu, trang trại hoạt động khép kín giữa chăn nuôi lợn, gà và thả cá. Mỗi năm, ông thu hoạch hai lứa lợn và cá, mang lại thu nhập ổn định. Trước dịch Covid-19, trang trại duy trì hàng chục lao động thường xuyên với thu nhập 5–7 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, khi thị trường gia cầm gặp khó khăn, ông chủ động chuyển hướng sang chuyên sâu thủy sản, trong đó có mô hình mới “cá sông trong ao” nhờ được hỗ trợ từ Trung tâm Thủy sản Vĩnh Phúc.

Mô hình "cá sông trong ao": Công nghệ và kinh nghiệm kết hợp

Năm 2019, ông Úp triển khai mô hình “cá sông trong ao” đầu tiên tại xã Đồng Văn. Trên diện tích gần 8 ha đầm nuôi cá, ông thiết kế hệ thống tuần hoàn khép kín gồm các ao chuyên biệt theo loại cá, kiên cố hóa bờ ao, trồng cây xanh tạo cảnh quan và môi trường sinh thái.

Mỗi bể nuôi có diện tích 100m², xây dựng đáy bê tông, tường gạch, quây lưới và lắp đặt các thiết bị hiện đại như máy tạo sóng, sục khí, hút chất thải đáy... Nước được lưu thông liên tục, giúp tạo môi trường sống tương tự như sông, cá khỏe mạnh, ít bệnh, tăng trưởng nhanh. Mật độ nuôi gấp 10 lần so với thông thường nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Cá chủ yếu là giống có giá trị cao như cá nheo, cá bò, cá trắm đen...

Bình quân mỗi năm, chỉ với 2 bể, ông thu khoảng 70–80 tấn cá, trong đó cá nheo thương phẩm được bán với giá 120.000–150.000 đồng/kg, cao hơn 10–15% so với cá thông thường. Sau khi trừ chi phí, mô hình này mang lại lợi nhuận khoảng 200–300 triệu đồng/năm. Dù hiện tại ông chỉ duy trì 2 lồng nuôi cùng hơn 7 ha cá đầm, nhưng sản lượng và chất lượng vẫn được đảm bảo.

Ông Úp chia sẻ, ưu điểm lớn nhất của mô hình là khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh, môi trường nước và chủ động được đầu ra nhờ liên kết tiêu thụ. Hơn nữa, dù thời tiết bất lợi hay mưa lớn, cá vẫn an toàn trong hệ thống nuôi khép kín.

Từ mô hình hiệu quả đến định hướng phát triển bền vững

Dù tuổi đã cao và con cháu theo nghề khác, ông Kim Đình Úp vẫn mong muốn được tiếp tục duy trì và mở rộng mô hình “cá sông trong ao”, thậm chí hướng tới phát triển du lịch trải nghiệm nhà nông. Ông cũng đề xuất được hỗ trợ thêm về vốn, kỹ thuật và thuốc phòng dịch để đảm bảo sản lượng và chất lượng cá thương phẩm, tạo ra giá trị bền vững cho mô hình V.A.C.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, ông Úp nhiều lần được vinh danh là “nông dân xuất sắc” cấp tỉnh và quốc gia. Tấm gương của ông không chỉ là thành quả cá nhân mà còn là minh chứng cho khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp tại nông thôn, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và phát triển kinh tế địa phương một cách bền vững.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Hơn 60 tuổi vẫn sung sức, nông dân Vĩnh Phúc đem thứ đặc sản sông nước bỏ ao nuôi, lợi nhuận hàng năm tới 9 con số
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO