Hơn 55 triệu cổ phiếu HPG được sang tay trong phiên 7/6

Cập nhật: 16:44 | 07/06/2023 Theo dõi KTCK trên

Cổ phiếu thép "thăng hoa" sau khi đón tín hiệu tích cực từ nhu cầu tiêu thụ. Các mã HPG, HSG, NKG, SMC, POM, TLH, TIS… ghi nhận sắc xanh cùng giao dịch rất sôi động, trong đó HPG khớp lệnh chóng mặt với hơn 55 triệu cổ phiếu được sang tay trong phiên 7/6.

Ngành thép vẫn đối mặt nhiều khó khăn ở nửa cuối năm 2023

Khối ngoại manh tay "xả hàng" tuần từ 22 - 26/5, HPG cùng VND là tâm điểm

Với lực đỡ từ nhóm bất động sản và thép, VN-Index đã bật trở lại, duy trì phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp, nhưng do lực cản từ các mã lớn ngân hàng khiến đà tăng còn hạn chế.

Chốt phiên 7/6, VN-Index tăng nhẹ 1,23 điểm (+0,11%), lên 1.109,54 điểm với 241 mã tăng và 134 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1.000,7 triệu cổ phiếu, giá trị 18.082,7 tỷ đồng, tăng 19% về khối lượng và 16% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 70,3 triệu cổ phiếu, giá trị 1.566,5 tỷ đồng.

Hơn 55 triệu cổ phiếu HPG được sang tay trong phiên 7/6
Về sản lượng tiêu thụ, “ông vua” ngành thép Việt Nam ghi nhận những con số tương đối khả quan.

Nếu như phiên 2/6 và 5/6 tâm điểm thuộc về nhóm ngân hàng, phiên 6/6 nhóm chứng khoán bứt phá thì phiên hôm nay (7/6) đến lượt nhóm cổ phiếu thép giao dịch bùng nổ. Đặc biệt, “đầu tàu” HPG khớp lệnh chóng mặt với hơn 55 triệu cổ phiếu được tao tay trong phiên 7/6.

Về diễn biến nhóm thép, kết phiên 7/6, cổ phiếu HPG tăng tới 3,91% lên 22.600 đồng/cp, HSG tăng 4,04% lên mức 16.750 đồng/cp, NKG tăng 1,83% lên mức 16.750 đồng/cp, POM tăng kịch trần lên mức 6.600 đồng/cp…

Diễn biến giá cổ phiếu  thời gian gần đây. Nguồn: TradingView
Diễn biến giá cổ phiếu HPG thời gian gần đây. Nguồn: TradingView

Thực tế, dù vẫn chưa bứt khỏi xu hướng đi ngang từ đầu năm nhưng nhóm thép đã manh nha nổi sóng tăng trong vài phiên trở lại đây. HPG, HSG, NKG đều đang nhăm nhẹ vượt đỉnh 9 tháng trong khi POM thậm chí còn tăng hơn 50% chỉ sau khoảng 2 tuần.

Ngoài ra, trong phiên 7/6, nhóm cổ phiếu ngân hàng phân hóa cao độ khi VCB giảm 2,02%, BID giảm 1%, TCB giảm 0,31%, MBB giảm 0,49%, HDB giảm 1,04%, SHB giảm 1,6%, LPB tăng 2,28% trong khi CTG tăng 0,7%, TPB tăng 1,74%, EIB tăng 2,39%, MSB tăng 1,56%.

Cổ phiếu chứng khoán cũng phân hóa. Cụ thể, SSI giảm 0,2%, VND giảm 0,26%, HCM giảm 0,54% nhưng VCI tăng 0,14%, VIX tăng 3,35%, ORS tăng 1,01%, TVS tăng kịch trần.

Nhóm bất động sản ghi nhận màn trình diễn rực rỡ khi đa phần tăng điểm, trong đó nhiều mã tăng mạnh như BCM có thêm 2,18% giá trị, KDH tăng 2,18%, DIG tăng 3,04%, NLG tăng 3,24%, DXG tăng 2,01%, VCG tăng 2,98%, ITA tăng 5,86%, HHV tăng 4,38%, DXS tăng 4,25%, KHG tăng 3,59%, FCN tăng 5,26%; NVL, PDR, TCD, QCG, EVG đều tăng kịch biên độ.

Trở lại với nhóm cổ phiếu thép, nhóm này diễn biến khởi sắc sau khi đón tín hiệu tích cực từ nhu cầu tiêu thụ. Trong báo cáo được công bố mới đây, tháng 5/2023 Hoà Phát đã sản xuất được 565.000 tấn thép thô, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 5 tháng, Hòa Phát đã sản xuất 2,34 triệu tấn thép thô, giảm 36% so với 5 tháng đầu năm 2022.

Hơn 55 triệu cổ phiếu HPG được sang tay trong phiên 7/6
Sản lượng của Hòa Phát trong 5 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, về sản lượng tiêu thụ, “ông vua” ngành thép Việt Nam ghi nhận những con số tương đối khả quan. Cụ thể, bán hàng thép xây dựng, thép cuộn cán nóng và phôi thép đạt 530.000 tấn, giảm 20% so với tháng 5/2022 nhưng tăng 16% so với tháng 4 vừa qua.

Thép xây dựng Hòa Phát đạt 284.000 tấn, giảm 27% so với tháng 5 năm trước nhưng tăng 33% so với tháng 4/2023. Trong khi đó, thép cuộn cán nóng ghi nhận tăng trưởng tích cực nhất với 243.000 tấn, cao nhất kể từ đầu năm và tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu đóng góp 55%, chủ yếu tới thị trường châu Âu và châu Á.

Bên cạnh đó, các sản phẩm hạ nguồn HRC như ống thép và tôn mạ cũng ghi nhận sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ ống thép đạt trên 57.000 tấn, tăng 12% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tổng sản lượng tôn mạ cung cấp cho thị trường cả trong và ngoài nước tăng gấp đôi so với cùng kỳ đạt 34.000 tấn.

Dù trong tháng 5, sản lượng tiêu thụ của “ông vua” ngành thép Việt Nam đã có những dấu hiệu phục hồi nhưng luỹ kế 5 tháng đầu năm vẫn chưa tăng trở lại. Theo báo cáo của Hoà Phát, bán hàng các sản phẩm thép đạt 2,36 triệu tấn, giảm 31% so với cùng kỳ.

Trong đó, thép xây dựng đạt 1,36 triệu tấn, giảm 33%. Thép cuộn cán nóng ghi nhận 965.000 tấn, giảm 21% so với 5 tháng 2022.

Kết thúc 5 tháng đầu năm, ống thép Hòa Phát đã cung cấp là 266.000 tấn, giảm 14%, sản phẩm hạ nguồn HRC khác là tôn mạ đạt 136.000 tấn, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phía doanh nghiệp cho biết, những con số này phản ánh hai trạng thái khác nhau của thị trường xây dựng đầu năm 2022 và 2023. Nếu như đầu năm 2022, thép xây dựng tiêu thụ cao kỷ lục nhờ nhu cầu thị trường tăng trưởng mạnh thì sang năm 2023, sức cầu yếu khiến thị trường trầm lắng và mức tiêu thụ thép không khả quan.

Hòa Phát hiện có công suất thép thô lớn nhất Việt Nam với 8,5 triệu tấn và đang là đơn vị có công suất sản xuất thép lớn nhất Việt Nam và cũng là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường Đông Nam Á. Tập đoàn cũng là doanh nghiệp thép thuần Việt đầu tiên sản xuất được thép cuộn cán nóng.

Tại thời điểm cuối tháng 4/2023, Hoà Phát vẫn duy trì vị thế “anh cả” khi thép xây dựng và ống thép của doanh nghiệp dẫn đầu thị phần toàn quốc với lần lượt 32,2% và 26,7%. Tôn Hòa Phát nằm trong top 5 thị phần.

Các CTCK nhận định gì về Hòa Phát

Theo chuyên gia của Chứng khoán Đông Á, cổ phiếu HPG nói riêng và cổ phiếu thuộc các nhóm ngành liên quan đến đầu tư công (như xây dựng, vật liệu xây dựng...) đang hút sự quan tâm của nhà đầu tư nhờ hưởng lợi từ nỗ lực của Chính phủ trong giải ngân vốn đầu tư công, bù đắp cho sự chậm lại của khối sản xuất và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Hòa Phát cũng cho thấy tín hiệu đáng mừng khi kết quả kinh doanh quý I/2023 đã ngắt mạch thua lỗ 2 quý liên tiếp với lợi nhuận hơn 380 tỷ đồng, đạt 5% so với kế hoạch năm 2023.

Trong báo cáo gần đây, VNDirect nhận định vẫn còn quá sớm để đánh giá thị trường BĐS liệu sớm “rã đông” khi hiệu quả thực tế triển khai các chính sách vẫn còn bỏ ngỏ và nhiều điểm nghẽn chưa được giải quyết triệt để. Nhu cầu ảm đạm kéo dài của lĩnh vực xây dựng dân dụng nội địa sẽ tác động đáng kể đối với nhu cầu vật liệu xây dựng, dự báo tổng nhu cầu thép trong nước vẫn sẽ tăng trưởng âm một chữ số vào năm 2023.

Câu chuyện thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong năm 2023 được kỳ vọng là cú hích cho sự tăng trưởng nhu cầu sắt thép phục vụ xây dựng nhưng thực tế gần như chỉ có Hòa Phát là cái tên được hưởng lợi rõ rệt trong nhóm thép, các doanh nghiệp còn lại chủ yếu hoạt động trong mảng tôn mạ. Liều “dopping” mang tên đầu tư công vì thế sẽ không thể lan tỏa tới toàn bộ các doanh nghiệp ngành thép như kỳ vọng.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá, ngành thép đang trong giai đoạn khó khăn khi 1) Giá thép đứng trước áp lực giảm giá do nhu cầu giảm trên toàn cầu trong môi trường lãi suất và lạm phát cao; 2) Sản lượng kém tích cực khi các nút thắt về nguồn cung bất động sản chưa được giải quyết và giải ngân vốn đầu tư công khó có thể tạo tác động lớn khi chiếm tỷ trọng tiêu thụ nhỏ trong toàn tiêu thụ ngành

VCBS cho rằng, Hòa Phát sẽ chịu ảnh hưởng lớn bởi ngành kinh doanh kém tích cực, đặc biệt kết quả kinh doanh trong quý 2/2023 có thể chịu ảnh hưởng xấu bởi trích lập hàng tồn kho khi giá thép đang có đà giảm mạnh. VCBS khuyến nghị TRUNG LẬP với HPG với giá mục tiêu 18.000 đồng/cổ phiếu do rủi ro giảm giá bán thép vẫn còn hiện hữu trong thời gian tới và sản lượng tiêu thụ suy yếu.

Trong khi đó, chứng khoán Mirae Asset (MAS) dự phóng trong nửa cuối năm 2023, HPG sẽ mở lại tối thiểu 2 lò cao khi đã bán hết hàng tồn kho giá cao và thị trường xây dựng dần hồi phục thông qua các chính sách rã băng thị bất động sản và đầu tư công.

Kỳ vọng những tín hiệu tích cực hơn từ thị trường xây dựng, đầu tư công và xuất khẩu, MAS dự phóng tổng sản lượng 2023 của Hòa Phát đạt 7,03 triệu tấn (giảm 11,1% so với cùng kỳ). Trong đó, mảng tôn mạ, ống thép và HRC bán thương mại đóng góp sản lượng lần lượt là 885.647 tấn (giảm 12% so với cùng kỳ) và 2,47 triệu tấn (giảm 6% so với cùng kỳ), chiếm 47% tổng sản lượng của HPG trong năm 2023.

Hơn 55 triệu cổ phiếu HPG được sang tay trong phiên 7/6

Sản lượng thép xây dựng và phôi thép dự kiến đạt 3,6 triệu tấn (giảm 14% so với cùng kỳ). Trên giả định giá thép xây dựng về mức 16,7 triệu/tấn (giảm 2,9% so với cùng kỳ), MASVN dự phóng doanh thu và lợi nhuận ròng của Hòa Phát năm 2023 lần lượt đạt 125.938 (giảm 10,9% so với cùng kỳ) và 9.618 tỷ (tăng 13,9% so với cùng kỳ).

Hòa Phát đề xuất đầu tư 4 dự án tại KKT Nam Phú Yên, cổ phiếu HPG lập tức "nổi sóng"

Phiên giao dịch cuối tuần, cổ phiếu HPG bất ngờ "dậy sóng" khi lực mua ồ ạt giúp giá tăng 2,8% và khớp lệnh hơn ...

Khối ngoại giải ngân có phần nhỏ giọt phiên 25/5, HPG tiếp tục bị bán mạnh

Phiên giao dịch ngày 25/5, khối ngoại iếp tục trạng thái mua vào nhỏ giọt và bán ròng hàng trăm tỷ đồng, trong đó tâm ...

Khối ngoại manh tay "xả hàng" tuần từ 22 - 26/5, HPG cùng VND là tâm điểm

Phiên giao dịch ngày 27/5, trong bối cảnh thị trường sụt giảm, giao dịch khối ngoại cũng không mấy tích cực khi mạnh tay bán ...

Đức Anh