Hơn 2 năm lên sàn, Chè Nghệ An (CNA) vẫn chưa hết ‘chát’

Cập nhật: 16:04 | 16/04/2024 Theo dõi KTCK trên

Hơn 2 năm xuất hiện trên sàn, Công ty CP Tổng công ty Chè Nghệ An (UPCoM: CAN) vẫn đang trong tình cảnh lỗ chồng lỗ.

Chè Nghệ An vừa công bố tài liệu ĐHCĐ thường niên 2024, trong đó đề ra mục tiêu doanh thu khá đột phá. Cụ thể, CNA đặt kế hoạch doanh thu đạt 20 tỷ đồng, tăng 61% so với năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đạt 500.000 USD. Về lợi nhuận, Công ty dè dặt đặt mục tiêu hòa vốn trong năm 2024.

Nhìn lại trước đó 1 năm, ĐHCĐ thường niên 2023 Công ty cũng đặt mục tiêu hòa vốn nhưng rồi không thể thực hiện. Báo cáo tài chính kiểm toán 2023 mới công bố cho thấy, CAN chỉ ghi nhận 12,4 tỷ đồng doanh thu, đạt 74% so với kế hoạch năm và chỉ bằng 96% so với cùng kỳ. Về lợi nhuận, mục tiêu hòa vốn đã trở nên bất khả thi khi Công ty lỗ 866 triệu đồng, đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp thua lỗ, với mức lỗ lũy kế hơn 3,8 tỷ đồng.

Điểm sáng trong năm 2023 đó là dòng tiền kinh doanh ở mức dương 1,47 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ bị âm 2,3 tỷ đồng. Cả năm, Công ty trả được hơn 16,2 tỷ đồng nợ gốc vay, trong khi chỉ vay thêm 592,1 triệu đồng. Nợ phải trả ở 31/12/2023 đang là hơn 19,4 tỷ đồng.

Chè Nghệ An đặt mục tiêu huề vốn lần đầu tiên kể từ khi niêm yết trên sàn UPCoM
Chè Nghệ An đặt mục tiêu huề vốn lần đầu tiên kể từ khi niêm yết trên sàn UPCoM

Chè Nghệ An nhận định năm 2024 vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức về thị trường tiêu thụ, nguy cơ tăng chi phí sản xuất do giá nguyên, nhiên liệu luôn biến động. Trong khi đó Công ty mới chuyển qua mô hình cổ phần nên còn nhiều bất cập, cần thiết phải tổ chức lại bộ máy ở các Chi nhánh xí nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Theo nhận định của doanh nghiệp, 2 thị trường lớn của chè Việt Nam nói chung và của Công ty nói riêng vẫn là Pakistan (thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam, cũng là thị trường có mức giá chè xuất khẩu trung bình cao) và Đài Loan (Trung Quốc). Do đó nhiệm vụ năm 2024 là nhanh chóng củng cố và thiết lập lại mối quan hệ với các nhà nhập khẩu chè tại 2 thị trường này, kết hợp da dạng hóa cơ cấu sản phẩm, đa dạng hóa phương thức tiêu thụ.

Ngổn ngang hậu cổ phần hóa

Ngoài vấn đề tập trung sản xuất, Chè Nghệ An còn phải giải quyết nhiều nội dung lớn hậu cổ phần hóa. Trong đó, năm thứ hai liên tiếp báo cáo tài chính của Công ty đã nhận ý kiến kiểm toán ngoại trừ, liên quan nhiều khoản mục phải thu ngắn hạn.

Tại báo cáo tài chính 2023, Công ty TNHH Kiểm toán Nhân Tâm Việt nêu ra hàng loạt cơ sở của ý kiến kiểm toán ngoại trừ. Trong đó, tổ chức kiểm toán cho biết chưa thu thập đầy đủ thư xác nhận với toàn bộ số dư khoản mục phải thu, phải trả trong ngắn hạn tại thời điểm 31/12/2022 và 31/12/2023.

Tại 31/12/2023, số dư nợ phải thu quá hạn thanh toán của Công ty là hơn 4,1 tỷ đồng. Đây là các khoản nợ phải thu chưa được Công ty xem xét trích lập dự phòng. Kiểm toán không thể thu thập được bằng chứng để đánh giá khả năng thu hồi các khoản này.

Ngoài ra, kiểm toán cũng cho biết Công ty ghi nhận thiếu khấu hao tài sản cố định hơn 9,9 tỷ đồng, phân bổ thiếu chi phí trả trước ngắn hạn hơn 759 triệu đồng, và dài hạn hơn 1,23 tỷ đồng.

Bên cạnh ý kiến ngoại trừ, tổ chức kiểm toán cũng nêu ‘vấn đề cần nhấn mạnh’ và ‘vấn đề khác’ cho báo cáo tài chính 2023 của CNA.

Giải trình về ý kiến kiểm toán, Chè Nghệ An cho rằng do quá trình cổ phần hóa kéo dài, Công ty vẫn đang trong quá trình ổn định, sắp xếp tổ chức, chi nhánh nên hoạt động kinh doanh năm 2023 không đạt kế hoạch đề ra. Công ty cũng khẳng định rằng số liệu trên báo cáo tài chính là chính xác, phản ánh trung thực và hợp lý về tình hình tài chính Công ty.

Chè Nghệ An được cổ phần hóa từ Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển chè Nghệ An (100% vốn Nhà nước), theo Quyết định 2306/QĐ-UBND ngày 6/7/2021 của UBND tỉnh Nghệ An, và có ngày giao dịch đầu tiên vào 9/12/2021.

Hiện tại, UBND tỉnh Nghệ An vẫn là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 51%. Tiếp đến là Công ty TNHH Mía đường Nghệ An (27,64%) và Công ty CP Cấp nước Nghệ An (10,11%).

Cao Thái