Hoạt động giám sát phải được triển khai thiết thực, hiệu quả, làm đến nơi đến chốn

Cập nhật: 15:13 | 17/02/2022 Theo dõi KTCK trên

Tiếp tục phiên họp thứ 8, sáng 17/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét Báo cáo kết quả bước đầu việc thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”.

Báo cáo sát tại phiên họp cho biết ngay sau khi Luật Quy hoạch được ban hành, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 5/2/2018 về triển khai thi hành Luật Quy hoạch (Nghị quyết số 11/NQ-CP), giao nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh khẩn trương tổ chức lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030.

1015-quoc-hoi-1
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận phiên họp - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Ngày 19/8/2021, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch để thúc đẩy tiến độ lập quy hoạch. Trên cơ sở đánh giá khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Quy hoạch, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 27/9/2021 về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 và gia hạn tiến độ hoàn thành lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đến ngày 31/12/2022.

Về kết quả lập, thẩm định và quyết định phê duyệt các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030, đến thời điểm hiện nay, trong các quy hoạch cấp quốc gia (bao gồm quy hoạch tổng thể, quy hoạch không gian biển, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành) thì chỉ mới có quy hoạch sử dụng đất và 4/38 quy hoạch ngành được phê duyệt (14/38 quy hoạch ngành quốc gia đã lập xong, lấy ý kiến, trình thẩm định trong đó có 3 quy hoạch đã được tổ chức thẩm định xong; 1 quy hoạch đang trình thẩm định).

Đối với quy hoạch vùng, đến thời điểm hiện nay chưa có quy hoạch vùng nào được phê duyệt. Trong số này, mới chỉ có quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức lập quy hoạch theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Luật Quy hoạch và đã được Hội đồng thẩm định thông qua. Quy hoạch 5 vùng còn lại vẫn chưa xong nhiệm vụ lập quy hoạch. Theo báo cáo của Chính phủ, quy hoạch của 5 vùng dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 12/2022.

Đối với quy hoạch tỉnh, đến nay, 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành lập, trình thẩm định và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh. TPHCM sẽ trình nhiệm vụ lập quy hoạch để thẩm định trong tháng 2/2022. Trên cơ sở nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang triển khai thực hiện.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết trong năm 2022, Quốc hội thực hiện 4 chuyên đề giám sát, trong đó có 2 cuộc giám sát tối cao của Quốc hội (việc chấp hành chính sách pháp luật quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực cho đến nay và vấn đề thực hành tiết kiệm chống lãng phí).

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ công tác giám sát năm 2022 được đặc biệt quan tâm. Không chỉ cơ quan của Quốc hội vào cuộc mà cả 63 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố, 63 HĐND các cấp tham gia chuyên đề giám sát và Kiểm toán Nhà nước cũng vào cuộc.

"Tinh thần hoạt động giám sát phải được triển khai thiết thực, hiệu quả; giám sát phải làm đến nơi đến chốn, có kết luận rõ ràng, quy rõ và xác định trách nhiệm, xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân. Suy cho cùng công tác giám sát của Quốc hội để đảm bảo xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ.

Liên quan đến giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành", Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần có văn bản hỏa tốc gửi tất cả các đầu mối, các bộ, ngành và địa phương trong kế hoạch giám sát đã xác định để đôn đốc thực hiện việc gửi báo cáo vì đây là dữ liệu đầu vào của đoàn giám sát.

1033-quoc-hoi-2
Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Tại phiên họp, đa số ý kiến các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao với Báo cáo bước đầu việc thực hiện giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành" của đoàn giám sát.

Một số ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trong quá trình giám sát, cần quan tâm đánh giá việc xây dựng vận hành hệ thống thông tin và dữ liệu cho công tác quy hoạch quốc gia; việc điều chỉnh quy hoạch trong thực hiện quy hoạch; triển khai những mảng quy hoạch hiện có được lập trước khi Luật Quy hoạch có hiệu lực cũng cần có đánh giá đầy đủ; ….

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội Ủy ban Thường vụ cơ bản nhất trí với dự kiến kế hoạch triển khai của đoàn giám sát trong thời gian tới, đồng thời yêu cầu nghiên cứu kỹ kế hoạch làm việc, nội dung làm việc với bộ, ngành và các địa phương. Trong đó, lưu ý hình thức khảo sát làm việc với với các địa phương.

Sau khi giám sát phải làm rõ được các nội dung như: Danh mục văn bản pháp luật và thời hạn ban hành theo quy định của luật; đối chiếu danh mục hệ thống quy hoạch thực tế đã làm, chất lượng và tiến độ cụ thể ra sao; đánh giá chất lượng và tiến độ quy hoạch; thời gian giao nhiệm vụ, lập, thẩm định, phê duyệt, công bố và thời gian triển khai thực hiện…

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng nêu rõ cần đánh giá chung về thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch tác động đến sự phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước; đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan; chỉ rõ trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm từng nhận xét của đoàn giám sát và đưa ra kiến nghị sát với những nội dung đã phân tích.

Nguyễn Hoàng

CTTĐT Chính phủ