Hoa Sen (HSG) tăng trưởng nhờ xuất khẩu, lãi kỷ lục hơn 4.300 tỷ niên độ 2020-2021

Cập nhật: 11:46 | 29/10/2021 Theo dõi KTCK trên

Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) cho biết thị trường xuất khẩu là động lực chính giúp tập đoàn đạt kết quả lợi nhuận khả quan trong niên độ tài chính vừa qua.

4244-hoa-sen-2
Hoa Sen (HSG) tăng trưởng nhờ xuất khẩu, lãi kỷ lục hơn 4.300 tỷ niên độ 2020-2021.

Cụ thể, Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) vừa công bố ước tính kết quả kinh doanh hợp nhất niên độ tài chính 2020-2021 (từ ngày 1/10/2020 đến ngày 30/9/2021).

Theo đó, sản lượng tiêu thụ ước đạt hơn 2,25 triệu tấn, tăng 39% so với niên độ trước. doanh thu 48.727 tỷ đồng, tăng 77%. Lợi nhuận sau thuế cao kỷ lục 4.313 tỷ, cao gấp 3,74 lần niên độ trước và vượt 188% kế hoạch mà đại hội cổ đông đề ra.

Riêng quý IV (từ ngày 1/7/2021 đến ngày 30/9/2021), sản lượng tiêu thụ ước đạt gần 600.000 tấn, doanh thu khoảng 15.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 940 tỷ đồng, lần lượt tăng 9%, 89% và 109% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đại diện Hoa Sen cho biết dịch COVID-19 hoành hành tại Việt Nam đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trong năm 2021. Doanh thu và lợi nhuận của Hoa Sen tăng trưởng cao là nhờ đẩy mạnh thị trường xuất khẩu.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong 9 tháng đầu năm nay, Hoa Sen đã bán ra hơn 1,4 triệu tấn tôn mạ, dẫn đầu với 36,2% thị phần. Đứng thứ 2, 3 và 4 lần lượt là Nam Kim, Đông Á và Hòa Phát.

Với sản phẩm ống thép, Hoa Sen tiêu thụ hơn 334.000 tấn trong 9 tháng, thị phần đạt 16,4%, chỉ sau mức 24,4% của Tập đoàn Hòa Phát.

Trong bối cảnh Trung Quốc giảm sản xuất thép do lo ngại về môi trường cũng như thiếu hụt năng lượng, Chứng khoán VNDirect cho rằng sản lượng thép tại Trung Quốc đi xuống có thể gián tiếp làm giảm áp lực cạnh tranh đối với sản phẩm xuất khẩu của Hoa Sen và Nam Kim. Do đó, hai doanh nghiệp tôn mạ hàng đầu Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhẹ.

Còn theo dự báo của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) về ngành thép trong 3 tháng cuối năm 2021, giá thép trên thế giới dự kiến tiếp tục giữ ở mức như hiện tại cho đến năm 2022.

Về xuất khẩu thép, VCBS lạc quan vào triển vọng xuất khẩu thép của Việt Nam bởi Trung Quốc đang giảm dần sản lượng xuất khẩu, gây ra thiếu hụt cho các đối tác thường xuyên nhập khẩu thép từ Trung Quốc và mở ra cơ hội cho các quốc gia xung quang thâm nhập vào thị trường này. Thêm vào đó, biện pháp tự vệ quota tại châu Âu khiến cho các quốc gia đang xuất khẩu lớn vào châu Âu trong thời gian ngắn khó tăng thêm sản lượng xuất vào thị trường này khi nhu cầu tăng đột biến. Do đó, tạo cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.

Triển vọng tiêu thụ thép nội địa cũng tích cực khi kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công cho năm 2020 – 2021 ở mức cao lịch sử so với trung bình 3 năm trước đó, tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm nay thấp hơn hẳn so với các năm trước đó cùng thời kỳ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Do đó, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng.

Chứng khoán phiên sáng 29/10: VN-Index vượt ngưỡng tâm lý 1.440 điểm, nhóm BĐS hút mạnh dòng tiền

Thị trường chứng khoán trong nước phiên sáng 29/10/2021, thị trường mở cửa mới tâm lý rất tích cực, VN-Index chính thức vượt ngưỡng ...

Tin tức doanh nghiệp nổi bật ngày 29/10/2021: KHG, NBB, SIP, HUT, BCM, SFI

Cập nhật kết quả kinh doanh quý 3/2021, tình hình hoạt động, thông tin phát hành cổ phiếu, thông tin trả cổ tức và ...

Tin tức chứng khoán mới nhất 9h00’ hôm nay 29/10/2021: TDH, BII, L18, TTF, KOS, NTL, BCG

Thông tin giao dịch khối lượng lớn cổ phiếu như: TDH, BII, L18, TTF, KOS, NTL, BCG,… được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng ...

Thu Thủy

Tin liên quan