Hòa Phát (HPG) rộng cửa bước vào thị trường khó tính bậc nhất thế giới
Hòa Phát chính thức được xuất khẩu thép hộp vào Mỹ mà không bị áp thuế chống bán phá giá, sau khi chứng minh sử dụng thép cuộn cán nóng có nguồn gốc Việt Nam, mở ra cơ hội lớn tại thị trường khó tính này.
Một tin vui cho ngành thép Việt Nam, từ ngày 5/5/2025, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã chính thức được xuất khẩu thép hộp (LWRPT) vào thị trường Mỹ mà không bị áp thuế chống bán phá giá, theo thông báo kết luận cuối cùng từ Bộ Thương mại Mỹ (DOC).

Đây là kết quả từ quá trình rà soát hành chính kéo dài nhiều tháng, liên quan đến vụ điều tra chống lẩn tránh thuế bán phá giá và chống trợ cấp đối với thép hộp nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ. Hòa Phát – một trong những doanh nghiệp lớn nhất ngành thép Việt – đã chủ động tham gia quá trình rà soát và cung cấp đầy đủ bằng chứng cho thấy toàn bộ thép nền (HRC) dùng sản xuất sản phẩm xuất khẩu đều có nguồn gốc trong nước.
DOC kết luận, trong giai đoạn rà soát (2022–2023), Hòa Phát sử dụng nguyên liệu HRC được sản xuất tại Khu liên hợp thép Hòa Phát Dung Quất – đáp ứng đúng tiêu chí về xuất xứ. Nhờ vậy, sản phẩm ống thép hộp của doanh nghiệp này không bị áp thuế chống bán phá giá và được phép tham gia quy trình tự chứng nhận xuất xứ trong các lô hàng sau này.
Đây được xem là bước ngoặt quan trọng, giúp Hòa Phát khôi phục thị phần tại Mỹ – một trong những thị trường khó tính và thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại khắt khe. Đáng nói, vào năm 2022, chính doanh nghiệp này từng chịu mức thuế cao sau khi Mỹ nghi ngờ có hành vi lẩn tránh xuất xứ Trung Quốc trong một số lô hàng.
“Chúng tôi luôn minh bạch về dữ liệu, tuân thủ nghiêm ngặt quy định xuất xứ và sử dụng hoàn toàn nguyên liệu trong nước với chất lượng cao”, đại diện Hòa Phát cho biết.
Nguy cơ phòng vệ thương mại ngày càng lớn
Theo Bộ Công Thương, xu hướng các quốc gia nhập khẩu tăng cường bảo hộ thương mại đang ngày càng rõ rệt. Các biện pháp phòng vệ như tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống lẩn tránh… sẽ tiếp tục được áp dụng rộng rãi và khó dự đoán hơn.
Một số nhóm hàng có nguy cơ cao bị điều tra PVTM trong thời gian tới gồm: thép, gỗ, đá nhân tạo, vật liệu xây dựng, máy móc, pin năng lượng mặt trời, xe điện, lốp xe...
Doanh nghiệp được khuyến cáo thường xuyên theo dõi danh sách cảnh báo sớm của Bộ Công Thương và trao đổi chặt chẽ với đối tác nhập khẩu để phòng ngừa rủi ro.