Hòa Phát đặt mục tiêu kinh doanh thận trọng năm 2022

Cập nhật: 13:42 | 24/05/2022 Theo dõi KTCK trên

Ngày 24/5, Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2022. Tại buổi họp, HPG đưa đến cho các cổ đông thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh năm nay.

Lên kế hoạch kinh doanh 2022 thận trọng

Theo chia sẻ của ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hòa Phát, cuộc họp thường niên năm nay muộn hơn so với mọi năm là do doanh nghiệp muốn họp trực tiếp thay vì trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp giai đoạn đầu năm. Số lượng cổ đông của Hòa Phát là 160.000, cao nhất trong số các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán.

4159-hoa-phat
Hòa Phát đặt mục tiêu kinh doanh thận trọng năm 2022. Ảnh: Internet

Kế hoạch kinh doanh năm nay, HPG dự kiến doanh thu 160.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế từ 25.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng. Như vậy, mục tiêu kinh doanh năm nay ghi nhận tăng trưởng gần 7% về mặt doanh thu nhưng giảm từ 13% đến 27,5% về lợi nhuận.

Trước nhiều ý kiến cho rằng công ty đặt kế hoạch lợi nhuận thấp, ông Long cho rằng các cổ đông sẽ thấy được những khó khăn của ngành thép sau kết quả kinh doanh quý II, quý III và cả năm nên ban lãnh đạo công ty phải đặt ra mục tiêu thận trọng.

Tuy nhiên, về dài hạn, vị Chủ tịch đồng thời cũng là cổ đông lớn nhất tự tin Hòa Phát sẽ không ngừng lại, sẽ liên tục tiến lên. Tập đoàn đang triển khai dự án Dung Quất 2 và đồng thời nghiên cứu về Hòa Phát 3 với công suất 6,5 triệu tấn. Như vậy, tổng công suất của Hòa Phát sẽ nâng lên 21 triệu tấn, ngang với nhu cầu tiêu thụ thép hiện tại của Việt Nam.

Năm 2021, tập đoàn đạt 149.680 tỷ đồng doanh thu, tăng 66% so với 2020; lãi sau thuế đạt 34.521 tỷ đồng, gấp 2,6 lần. Về phương án chia cổ tức 2021, HĐQT đề xuất trả tỷ lệ 35% gồm 5% bằng tiền mặt và 30% bằng cổ phiếu. Thời gian thực hiện quý II và III.

Trước thắc mắc cổ đông về công ty có lượng tiền mặt cao (hơn 40.000 tỷ đồng - PV) nhưng cổ tức thấp, Chủ tịch Hòa Phát cho biết công ty không thể chia cao hơn vì công ty đang cần rất nhiều vốn để đầu tư trong thời gian tới nên không thể tăng thêm, đặc biệt là dự án Dung Quất 2.

Theo đó, dự án với công suất 6,5 triệu tấn HRC cần tới khoảng 75.000 - 80.000 tỷ đồng. Các ngân hàng cho vay 35.000 tỷ đồng còn lại Hòa Phát phải thu xếp. Doanh nghiệp cần khoảng 30.000 tỷ đồng tiền không để kinh doanh để đáp ứng các nhu cầu trả nợ, mua nguyên vật liệu...Vì vậy, với lượng tiền mặt đang có, sau khi chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5% thì thậm chí Hòa Phát phải tăng thêm vay nợ.

Chia sẻ thêm, Giám đốc Tài chính Phạm Thị Kim Oanh cho biết lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính công ty mẹ là hơn 17.000 tỷ đồng, chia ở mức tối đa là 38%. Phần vốn của công ty mẹ quá thấp nếu so với các công ty thành viên. Vì vậy, mức cổ tức tối đa có thể chia là 35%.

Báo lãi quý I/2022 tăng 17%

Quý I/2022, HPG ghi nhận doanh thu 44.400 tỷ đồng, tăng 41%; lợi nhuận sau thuế 8.200 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất gang thép và các sản phẩm thép đóng góp 90% vào kết quả chung của Tập đoàn.

Tập đoàn Hòa Phát hiện có công suất thép thô trên 8 triệu tấn/năm, tương đương khoảng 700.000 tấn/tháng. Quý I, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất thép như than luyện coke, quặng sắt tăng cao. Tuy nhiên các nhà máy của Hòa Phát luôn hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường. Hòa Phát đã sản xuất 2,16 triệu tấn thép thô, tăng 8% so với cùng kỳ.

Sản lượng bán hàng thép xây dựng thành phẩm, phôi thép và thép cuộn cán nóng đạt 2,17 triệu tấn, tăng 12% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, thép xây dựng thành phẩm 1,34 triệu tấn, tăng 57%. Thép cuộn cán nóng đạt 763.000 tấn, tăng 15%. Các sản phẩm hạ nguồn HRC như ống thép, tôn mạ lần lượt là 207.000 tấn và 105.000 tấn, tương ứng tăng 13% và 43% so với cùng kỳ 2021.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Hòa Phát duy trì mức sản lượng phù hợp, tiết kiệm chi phí nhằm tối ưu giá thành khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Với lĩnh vực bất động sản, các khu công nghiệp của Hòa Phát như Phố Nối A, Yên Mỹ II tiếp tục được đầu tư mở rộng, tỷ lệ lấp đầy đạt 100% diện tích đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Tập đoàn cũng tích cực nghiên cứu, triển khai một số dự án bất động sản khu đô thị có tính thanh khoản cao tại một số tỉnh, thành phố.

Về lĩnh vực điện máy gia dụng, ngoài tủ lạnh, tủ đông và điều hòa không khí, Hòa Phát bắt đầu cung cấp máy làm mát không khí từ quý I và đang đầu tư xây dựng thêm hai nhà máy sản xuất mới tại tỉnh Hà Nam và Bà Rịa - Vũng Tàu. Sản phẩm chính của các nhà máy này là máy lọc nước, máy lọc không khí, tủ mát… Dự kiến quý III/2022, những sản phẩm điện gia dụng đầu tiên sẽ ra mắt thị trường.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/4 cổ phiếu HPG đứng tại mức 36.750 đồng/ cổ phiếu.

Hoà Phát (HPG) bị phạt do vi phạm quy định về số lượng thành viên độc lập trong HĐQT

Ngày 11/05/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Tập đoàn ...

Hòa Phát (HPG) lọt Top 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới của Forbes

Trong số các doanh nghiệp đến từ Việt Nam có tên trong Global 2.000 năm 2022 của Forbes. Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) có ...

Hòa Phát (HPG): Thép đóng góp 90% doanh thu quý 1

Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) vừa công bố kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm 2022, theo đó đạt 44.400 tỷ đồng doanh ...

Hoàng Đức

Tin cũ hơn
Xem thêm