Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có thể hoạt động từ tháng 6/2023

Cập nhật: 14:54 | 09/05/2023 Theo dõi KTCK trên

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đánh giá cao những nỗ lực của HNX và VSD trong việc đã gấp rút xây dựng hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong khoảng thời gian ngắn, trong bối cảnh các vấn đề về thị trường TPDN đang “nóng”...

Huy động được 139,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, khối lượng huy động trái phiếu Chính phủ (TPCP) đến hết ngày 26/4/2023 đạt 139.683 tỷ đồng, bằng khoảng 35% kế hoạch năm 2023 (400.000 tỷ đồng). Trên cơ sở đánh giá khả năng thu, chi, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương, Bộ Tài chính đã giao Kho bạc Nhà nước kế hoạch phát hành TPCP quý I/2023 là 108.300 tỷ đồng và quý II/2023 là 120.000 tỷ đồng.

Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có thể hoạt động từ tháng 6/2023
Bộ Tài chính sẽ điều hành lãi suất phát hành TPCP phù hợp với tình hình thị trường và công tác điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước

Kết quả, khối lượng phát hành trong quý I/2023 đạt 104.873 tỷ đồng, bằng 96,8% kế hoạch quý I/2023; trong quý II/2023 đã phát hành đạt 34.810 tỷ đồng, bằng 29% kế hoạch của quý II/2023.

TPCP phát hành có kỳ hạn từ 5-30 năm, tập trung chủ yếu vào loại kỳ hạn 10 năm trở lên, chiếm 88% tổng khối lượng TPCP phát hành. Kỳ hạn phát hành bình quân là 12,26 năm, phù hợp với mục tiêu 9-11 năm đề ra tại Nghị quyết của Quốc hội; thời gian đáo hạn bình quân của danh mục TPCP là 9,18 năm; lãi suất phát hành bình quân là 3,93%/năm.

Với kết quả này, Bộ Tài chính cho biết, thời gian tới sẽ huy động vốn với khối lượng phù hợp nhu cầu nhà đầu tư, tình hình thị trường và trong phạm vi kế hoạch quý, năm được phê duyệt; thực hiện đấu thầu thường xuyên hàng tuần để duy trì tình hình thị trường.

Cơ quan này cũng sẽ điều hành lãi suất phát hành TPCP phù hợp với tình hình thị trường và công tác điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, việc phát hành đảm bảo đa dạng, linh hoạt các loại kỳ hạn để đáp ứng đủ nhu cầu vốn của ngân sách trung ương, đảm bảo hài hòa nghĩa vụ trả nợ giữa các năm, phù hợp với chỉ tiêu về kỳ hạn phát hành được Quốc hội quy định và giảm rủi ro đảo nợ của ngân sách trung ương.

Đưa hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vào hoạt động

Cùng với thị trường TPCP, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã có sự phát triển tương đối nhanh trong những năm gần đây và đạt được một số kết quả nhất định, chiếm khoảng 12,6% GDP năm 2022.

Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển nhanh, thị trường đã giảm sút về thanh khoản. Năm 2022, phát hành TPDN riêng lẻ giảm 44,9% so với năm trước, đạt 337 nghìn tỷ đồng, và quý 1/2023 chỉ đạt hơn 25 nghìn tỷ đồng.

Về kế hoạch phát triển thị trường trong năm 2023, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, HNX và Trung tâm Lưu lý chứng khoán Việt Nam (VSD) đang hoàn thiện những bước cuối cùng để có thể đưa hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ vào hoạt động trong tháng 6/2023 đáp ứng yêu cầu tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và Nghị định 65/2022/NĐ-CP.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính đánh giá, thị trường TPDN còn một số yếu tố nội tại cần khắc phục về cơ cấu và chất lượng nhà đầu tư; có hiện tượng lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật doanh nghiệp để phát hành TPDN với khối lượng lớn.

Theo ông Dương, tính phụ thuộc lẫn nhau giữa thị trường tín dụng, trái phiếu, bất động sản ở mức cao, dẫn đến khi một thị trường gặp khó, sẽ kéo theo các thị trường khác khó theo. Vì vậy, cần thúc đẩy hoạt động của các nhà đầu tư tổ chức, giảm nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp và tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ, tính tuân thủ và đạo đức nghề nghiệp của một số doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ.

Các cơ quan quản lý sẽ tiếp tục triển khai một số giải pháp nhằm bình ổn thị trường, nâng tính thanh khoản và nâng cao hiệu quả giám sát để minh bạch thị trường và sẽ thực thi các biện pháp để các doanh nghiệp nâng cao tính công khai minh bạch trong huy động và sử dụng vốn, chủ động cung cấp thông tin cho nhà đầu tư.

Cùng với đó, cơ quan quản lý đã và đang làm việc trực tiếp với doanh nghiệp có dư nợ TPDN đến hạn lớn, yêu cầu các doanh nghiệp có trách nhiệm đến cùng thanh toán đầy đủ nghĩa vụ trái phiếu cho nhà đầu tư; nâng cao hiệu quả quản lý giám sát.

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đánh giá cao những nỗ lực của HNX và VSD trong việc đã gấp rút xây dựng hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ trong khoảng thời gian ngắn, trong bối cảnh các vấn đề về thị trường TPDN đang “nóng”.

Nhấn mạnh thị trường TPCP và TPDN có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước, ông Phạm Hồng Sơn cho rằng tất cả các bên liên quan gồm các cơ quan quản lý, cơ quan vận hành và thành viên thị trường cần đồng tâm hiệp lực xây dựng và phát triển thị trường này.

Đằng sau món 'nợ xấu' 800 tỷ trái phiếu của Tập đoàn Thái Tuấn

Năm 2021, dòng tiền thuần kinh doanh của Tập đoàn Thái Tuấn âm nặng hơn 2.300 tỷ đồng, phản ánh sự loay hoay trong việc ...

Nhận định chứng khoán ngày 9/5/2023: Xu hướng thị trường phái sinh

Các chuyên gia phân tích và công ty chứng khoán đưa ra nhận định về thị trường phái sinh cho ngày giao dịch 9/5/2023. Tạp ...

Thị trường chứng khoán ngày 9/5/2023: Thông tin trước giờ mở cửa

Đầu tuần thuận lợi, VN-Index "ngát xanh"; FLC Stone tổ chức ĐHĐCĐ bất thường 2023 lần 2 bất thành; Phát Đạt tiếp tục lùi hạn ...

Anh Khôi