Hé lộ mức giá "đẹp" để xuống tiền mua cổ phiếu VNM
Lợi nhuận quý 1/2025 của VNM giảm sâu do tiêu thụ nội địa suy yếu, nhưng triển vọng trung – dài hạn được đánh giá tích cực nhờ chiến lược cải tổ phân phối, mở rộng sản phẩm cao cấp và tiềm năng phục hồi từ tiêu dùng.
Sau giai đoạn điều chỉnh mạnh kể từ tháng 4/2025, Công ty CP Sữa Việt Nam (VNM) đang thu hút sự chú ý trở lại của giới đầu tư khi xuất hiện các tín hiệu phục hồi về kỹ thuật và chiến lược tái cấu trúc doanh nghiệp dần phát huy hiệu quả. Theo báo cáo của RongViet Securities, Vinamilk được đánh giá tích cực nhờ chiến lược tái cấu trúc phân phối, mở rộng sản phẩm cao cấp.

Tái cấu trúc kênh phân phối, chờ tín hiệu phục hồi ngắn hạn
VNM ghi nhận doanh thu thuần quý 1/2025 đạt 12.935 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm mạnh 29%, còn 1.568 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính là sự sụt giảm trong tiêu thụ nội địa khoảng 13%, khi công ty chủ động tái cấu trúc hệ thống phân phối và điều chỉnh tồn kho tại một số danh mục. Mặc dù vậy, mảng xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhờ thúc đẩy kênh HORECA và các dòng sản phẩm cao cấp, đặc biệt là nhóm sữa dinh dưỡng.
Biên lợi nhuận gộp trong kỳ vẫn chịu áp lực từ giá nguyên vật liệu, chi phí bao bì và vận hành, khiến lợi nhuận gộp giảm. Tuy nhiên, theo RongViet, các yếu tố bất lợi này nhiều khả năng chỉ mang tính thời điểm và VNM đang bước vào chu kỳ cải tổ với kỳ vọng tạo nền hồi phục từ quý 2/2025.

Trên phương diện kỹ thuật, VNM đã có tín hiệu tích cực khi phiên 27/6/2025 vượt vùng giá 57 với thanh khoản tốt, cho thấy khả năng hình thành đáy kỹ thuật. Hiện vùng hỗ trợ mạnh quanh 56.000 đồng/cp, còn vùng kháng cự tiếp theo ở 64.000 đồng/cp. Diễn biến này mở ra cơ hội tích lũy trở lại với nhà đầu tư trung hạn.
Chiến lược thương hiệu và thị phần giữ vững tiềm năng dài hạn
Trong trung – dài hạn, VNM vẫn giữ vị thế đầu ngành sữa với thị phần hơn 50%, cùng hệ thống phân phối phủ rộng toàn quốc. Chiến lược mới hướng đến nâng cao độ phủ thương hiệu và tối ưu hóa hiệu quả từng phân khúc. Các thị trường lớn như Hà Nội và TP.HCM đang ghi nhận mức tăng trưởng doanh số vượt trung bình ngành, đặc biệt ở nhóm sữa cao cấp và sản phẩm bồi bổ sức khỏe.
Mảng sữa bột – từng là điểm nghẽn – được kỳ vọng cải thiện nhờ điều chỉnh lại mức giá phù hợp và tập trung nhiều hơn vào hoạt động truyền thông và tiếp thị. Ngoài ra, VNM cũng đẩy mạnh phát triển các dòng sản phẩm chuyên biệt cho người tiêu dùng trung niên, người cao tuổi – nhóm khách hàng đang mở rộng nhanh theo xu hướng dân số già hóa.
Với mô hình tài chính lành mạnh, biên lợi nhuận ổn định và cơ cấu sản phẩm đa dạng, VNM được đánh giá là cổ phiếu phù hợp cho đầu tư trung – dài hạn trong danh mục phòng thủ.
Khuyến nghị đầu tư
RongViet Securities khuyến nghị CHỜ MUA với giá mục tiêu ngắn hạn 1 là 60.000 đồng/cp (tiềm năng tăng 4,3%–6,2%) và mục tiêu ngắn hạn 2 là 64.000 đồng/cp (tương ứng 11,3%–13,3%). Mức giá giải ngân phù hợp được xác định khi cổ phiếu giảm về dưới 54.300 đồng/cp.