Hành trình hơn 30 năm 'lèo lái' DIC Corp của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thiện Tuấn

Cập nhật: 11:32 | 01/03/2023 Theo dõi KTCK trên

Hơn 30 năm qua, thương hiệu DIC Corp gắn liền với tên tuổi của doanh nhân Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT. Ông Tuấn đảm trách cương vị Chủ tịch DIC Corp từ những năm đầu thành lập, cho đến thời điểm lên sàn, ông Tuấn vẫn còn là đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Hành trình hơn 30 năm 'lèo lái' DIC Corp của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thiện Tuấn
Ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT DIC Corp.

Trên thị trường chứng khoán, Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, HOSE: DIG) từ lâu đã luôn nằm trong danh mục theo dõi sát sao của các nhà đầu tư, đặc biệt trở thành chủ đề bàn tán trên mọi diễn đàn chứng khoán lớn khi có chu kỳ tăng giá rất mạnh vào cuối năm 2021.

Giai đoạn nửa cuối 2021, cổ phiếu của DIC Corp bất ngờ tăng giá "dựng đứng" từ khoảng 24.000 đồng/cp lên gần 100.000 đồng/cp, tức gấp 4 lần chỉ trong vài tháng ngắn ngủi. Tuy nhiên, sau hồi "thăng hoa" là lúc cổ phiếu này chuyển trạng thái sang thoái trào, tốc độ sụt giảm chóng mặt, làm "hoa mắt" các cổ đông.

Ngoài sự ủng hộ từ các hội nhóm đầu tư cổ phiếu trên mạng xã hội, bản thân DIC Corp cũng "hút khách" bởi sức mạnh nội tại, với lợi thế sẵn có là cựu thành viên của Bộ Xây dựng, đã tích góp cho mình được quỹ đất rộng lớn, trải dài từ Bắc chí Nam, tiêu biểu là dự án khu đô thị sinh thái Đại Phước (Nhơn Trạch, Đồng Nai) quy mô 464,6ha; hay như dự án khu du lịch sinh thái Ba Sao (Kim Bảng, Hà Nam) quy mô 750ha... Có thời điểm, ước tính quỹ đất của DIC Corp lên tới 19 triệu m2.

Hơn 30 năm qua, thương hiệu DIC Corp gắn liền với tên tuổi của doanh nhân Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT. Ông Tuấn đảm trách cương vị Chủ tịch DIC Corp từ những năm đầu thành lập, cho đến thời điểm lên sàn, ông Tuấn vẫn còn là đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Về hành trình thành danh của người đứng đầu DIC Corp, theo tìm hiểu, ông Tuấn bắt đầu sự nghiệp từ năm 21 tuổi, là cán bộ làm việc tại phòng tổ chức - lao động, Xí nghiệp 101 thuộc Công ty Xây dựng cấp thoát nước số 1 của Bộ Xây dựng.

Đến năm 1981, ông làm việc tại Công ty Xây dựng Dầu khí và lần lượt được thăng tiến lên các vị trí phó phòng, trưởng phòng. Sau 10 năm làm việc, ông trở thành Giám đốc lần đầu vào năm 31 tuổi khi công tác tại Xí nghiệp Xây dựng đời sống cũng thuộc Công ty Xây dựng Dầu khí.

Năm 1990, Bộ Xây Dựng quyết định thành lập Nhà nghỉ để kinh doanh dịch vụ du lịch, và quan trọng là công tác điều dưỡng cho nhân viên ngành xây dựng tại Vũng Tàu. Khi đó, ông Nguyễn Thiện Tuấn được bổ nhiệm làm người đứng đầu của đơn vị này, đây cũng chính là tiền thân của DIC Corp ngày nay.

Đến năm 2008, doanh nghiệp được chuyển đổi sang mô hình cổ phần hóa với vốn điều lệ 370 tỷ đồng và chính thức được đổi tên thành Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng - DIC Corp, hoạt động tập trung vào lĩnh vực bất động sản, xây dựng. Trong đó, Nhà nước thông qua Bộ Xây dựng chiếm tỷ lệ chi phối (65,06%), theo sau là cổ đông chiến lược Vina Capital (7,84%), còn lại được bán ưu đãi cho người lao động (2,91%) và bán đấu giá công khai (24,19%).

Năm 2009, trước khi niêm yết trên sàn, DIC Corp đã thực hiện việc phát hành cổ phần ra công chúng để tăng vốn điều lệ lên mức 600 tỷ đồng. Thời điểm này, ông Tuấn với vai trò là Chủ tịch HĐQT vẫn là đại diện phần vốn nhà nước nắm giữ hơn 19,5 triệu cổ phần, tương đương 32,5% vốn điều lệ, nhưng cá nhân ông chỉ sở hữu hơn 4.700 cổ phần.

Đến tháng 11/2017, Bộ Xây dựng đã thoái toàn bộ vốn khỏi DIC Corp. Kể từ khi thoái hết vốn nhà nước, ông Tuấn cùng gia đình bắt đầu gom mua số lượng lớn cổ phiếu của công ty. Sau nhiều thương vụ mua bán đan xen, hiện tại, ông Tuấn đang sở hữu hơn 46,8 triệu cổ phiếu của DIC Corp, tương ứng 7,68% cổ phần tại doanh nghiệp. Dù thị giá cổ phiếu thời gian qua liên tiếp giảm sâu, song lô cổ phiếu của Chủ tịch DIC Corp vẫn có giá lên đến hơn 630 tỷ đồng.

Hành trình hơn 30 năm 'lèo lái' DIC Corp của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thiện Tuấn
Hai người con của ông Tuấn: ông Nguyễn Hùng Cường và bà Nguyễn Thị Thanh Huyền đều là Phó chủ tịch HĐQT của DIC Corp.

Vợ ông, bà Lê Thị Hà Thành cũng nắm giữ cho mình khoảng 800.000 cổ phiếu. Trong gia đình ông Tuấn, người sở hữu số cổ phiếu DIC Corp nhiều nhất là ông Nguyễn Hùng Cường - Phó chủ tịch HĐQT, đang có gần 54 triệu đơn vị, tức 8,85% lượng cổ phiếu lưu hành của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, con gái của ông Tuấn, và cũng là Phó chủ tịch HĐQT DIC Corp, đang sở hữu hơn 18,1 triệu cổ phiếu (2,98%).

Về tình hình hoạt động, sau khi Bộ Xây Dựng thoái vốn, kết quả kinh doanh của DIC Corp chứng kiến sự chuyển biến tích cực. Ngay trong năm 2017, doanh thu của DIC Corp tăng hơn 40% so với năm trước, đạt gần 1.600 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng gấp 3 lần lên con số 200 tỷ đồng.

Doanh nghiệp giữ đà tăng trưởng ấn tượng cho đến hết năm 2018. Những năm sau đó, tốc độ tăng đã chậm lại đáng kể, phần lớn được cho là chịu tác động của dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt 2022 là năm DIC Corp suy giảm mạnh nhất, với doanh thu giảm 26% về còn 1.900 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế "bốc hơi" 84% xuống 200 tỷ đồng.

Với kết quả này, công ty mới chỉ thực hiện được 38% kế hoạch doanh thu và 1/10 mục tiêu lợi nhuận đề ra tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên hồi tháng 4/2022.

Đáng chú ý, trước đó tại ĐHĐCĐ bất thường diễn ra vào ngày 12/10/2022, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thiện Tuấn vẫn tự tin khẳng định với cổ đông sẽ hoàn thành kế hoạch lãi trước thuế năm 2022 bất chấp tình hình chung và nhóm bất động sản nói riêng đang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, kết quả thực tế lại hoàn toàn trái ngược.

Không chỉ lợi nhuận lao dốc, DIC Corp còn gặp vấn đề lớn với dòng tiền. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2022 tiếp tục âm hơn 2.500 tỷ đồng. Con số này cùng kỳ năm 2021 mới ở mức âm hơn 800 tỷ đồng.

Thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của DIC Corp đã giảm 12,5% so với đầu năm xuống 14.743 tỷ đồng. Trong đó khoản mục tiền và tương đương tiền giảm 75,4% xuống còn 246 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng 26,6% lên 4.347 tỷ đồng. Các khoản phải thu dài hạn giảm 42,1% xuống còn 2.381 tỷ đồng. Ngược lại, hàng tồn kho tăng 54,1% lên 5.923 tỷ đồng.

Về phần nguồn vốn, nợ phải trả của DIC Corp cũng giảm gần 24% so với thời điểm đầu năm xuống còn gần 7.000 tỷ đồng. Nợ dài hạn ở mức 3.054 tỷ đồng trong đó vay nợ tài chính dài hạn chiếm 2.840 tỷ đồng, giảm gần 34% so với cùng kỳ, phần lớn tới từ việc mua lại 1.600 tỷ đồng trái phiếu thuộc 2 lô DIGH2124002 và DIGH2124003 phát hành vào năm 2021.

Thanh tra Chính phủ vừa công bố quyết định thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty Đầu tư phát triển DIC.

Đoàn thanh tra sẽ bao gồm 9 thành viên, do lãnh đạo Cục giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực III (Cục III) làm trưởng đoàn.

Đoàn thanh tra có trách nhiệm thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân liên quan trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty đầu tư phát triển DIC.

Thời hạn thanh tra là 30 ngày làm việc (không kể ngày nghỉ, ngày lễ) kể từ ngày công bố quyết định thanh tra. Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ủy ban quản lý vốn cùng các đơn vị liên quan có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu, đồng thời cử cán bộ làm đầu mối, phối hợp làm việc với đoàn thanh tra.

Thanh Phong

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm