Hàng hóa - Giá cả

Hàng triệu tấn ‘vàng đen’ từ Nga vừa đổ bộ Việt Nam trong quý 1: Giá giảm 30%, Việt Nam nhập khẩu đứng thứ 5 thế giới

Hoàng Anh 22/04/2025 06:27

Mặt hàng này từ Nga chứng kiến mức giá giảm đến 30%.

Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, nhập khẩu than về Việt Nam trong tháng 3 đạt hơn 6,5 triệu tấn với kim ngạch hơn 647 triệu USD, tăng 13,4% về lượng và tăng 6% về trị giá so với tháng 2. Lũy kế trong 3 tháng đầu năm nước ta đã nhập khẩu hơn 17,2 triệu tấn than các loại, kim ngạch đạt hơn 1,8 tỷ USD, tăng 16,7% về lượng nhưng giảm 7,7% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

ba.png

Xét về thị trường, Indonesia là nhà cung cấp than lớn nhất cho Việt Nam kể từ đầu năm đến nay với hơn 6,9 triệu tấn, kim ngạch đạt hơn 579 triệu USD, tăng 30% về lượng và tăng 15% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá bình quân 82 USD/tấn, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước.

Đứng thứ 2 trong số các nhà cung cấp than cho Việt Nam là Úc với hơn 5,3 triệu tấn, trị giá hơn 693 triệu USD, tăng 26% về lượng nhưng giảm 6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá nhập khẩu giảm 25% so với cùng kỳ, đạt 129 USD/tấn.

c11.png

Đáng chú ý, than từ Nga cũng đang đổ bộ Việt Nam với mức giá giảm mạnh so với năm trước. Cụ thể nước ta đã nhập khẩu từ Nga hơn 1,44 triệu tấn than trong 3 tháng đầu năm, tương đương hơn 206 triệu USD, tăng 2% về lượng nhưng giảm mạnh 28% về kim ngạch. Giá bình quân cũng giảm 30% so với cùng kỳ năm trước, đạt 142 USD/tấn.

Than là một trong mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Nga. Trong nhiều thập kỷ, Nga đã xuất khẩu các loại nhiên liệu hóa thạch khác nhau bao gồm dầu mỏ, khí đốt và than đá sang châu Âu. Sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra vào đầu năm 2022, Nga đã chuyển hướng, tăng cường vận chuyển than đến các quốc gia châu Á như Ấn Độ, Bangladesh, Việt Nam, Trung Quốc...

Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguồn than nhập khẩu. Khoảng 51 triệu tấn than đã được nhập khẩu về thị trường nội địa trong năm 2023, trị giá khoảng 7,1 tỷ USD, tăng tới 61,4% về lượng so với năm 2022 và tăng 0,7% về trị giá. Chủng loại than nhập khẩu chủ yếu là than antraxit và bán antraxit, bitum và á bitum dùng cho sản xuất điện.

Bộ Công Thương cho biết, nhu cầu nhập khẩu nguyên, nhiên liệu của Việt Nam là rất lớn. Việt Nam trở thành nước nhập khẩu than lớn thứ 5 thế giới vào năm 2024. Trong giai đoạn 2025 - 2030, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu than lên tới 60 - 100 triệu tấn/năm.

Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mới ban hành nêu rõ, Việt Nam định hướng xuất nhập khẩu than phù hợp với nhu cầu thị trường và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ đảm bảo đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng than trong nước, đặc biệt là than cho sản xuất điện, trong đó có xem xét đến việc dự trữ than.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã điều chỉnh tăng triển vọng nhu cầu than trong bốn báo cáo thường niên gần đây nhất. Trong báo cáo vào tháng 12/2024, IEA dự kiến nhu cầu toàn cầu sẽ tăng 1% đến năm 2027. Đối với Trung Quốc, IEA dự kiến nhu cầu than của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng 1,3% đến năm 2027, sửa đổi kỳ vọng trước đó về nhu cầu than của nước này sẽ đạt đỉnh vào năm 2023.

Giá than toàn cầu đang ở mức thấp nhất trong bốn năm qua, tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trong tương lai do đầu tư suy giảm và nhu cầu tiêu thụ vẫn cao.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Hàng triệu tấn ‘vàng đen’ từ Nga vừa đổ bộ Việt Nam trong quý 1: Giá giảm 30%, Việt Nam nhập khẩu đứng thứ 5 thế giới
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO