Hãng phim truyện I trước “cơn sốt” Đào, Phở và Piano: SCIC thoái vốn bất thành, chi phí cao “ăn mòn” lợi nhuận

Cập nhật: 06:40 | 22/02/2024 Theo dõi KTCK trên

Đã rất lâu sau thành công của “Chuyện của Pao” và “Sống trong sợ hãi”, Hãng phim truyện I mới gây tiếng vang trở lại trên thị trường điện ảnh Việt Nam. Việc bộ phim “Đào, Phở và Piano” bất ngờ trở thành “hiện tượng phòng vé” những ngày gần đây là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh nhà làm phim đang phải đối mặt với không ít khó khăn.

“Hiện tượng” có 1-0-2 tại phòng vé Việt

Những ngày gần đây, “Đào, Phở và Piano” đang là cái tên được khán giả màn ảnh rộng săn đón nồng nhiệt. Mặc dù không được quảng cáo rầm rộ nhưng sau 10 ngày công chiếu, bộ phim này liên tục “cháy vé”, đến nỗi Trung tâm Chiếu phim Quốc gia - nơi duy nhất chiếu phim ở thời điểm hiện tại - phải tăng tần suất chiếu mà vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu của khán giả. Thậm chí, lượng truy cập lớn đã khiến website của đơn vị này “tê liệt”. Không thể đặt vé online, rất đông khán giả đã chấp nhận xếp hàng tại rạp để mua trực tiếp.

Hãng phim truyện I trước “cơn sốt” Đào, Phở và Piano: SCIC thoái vốn bất thành, chi phí cao “ăn mòn” lợi nhuận
Ngày làm việc trong tuần, khán giả vẫn xếp hàng dài để mua vé "Đào, Phở và Piano"

Sức hút của “Đào, Phở và Piano” đã khiến hai doanh nghiệp điện ảnh tư nhân là Beta Media và Cinestar chủ động liên hệ với Cục Điện ảnh bày tỏ nguyện vọng được chiếu phim với mục đích phi lợi nhuận. Theo kế hoạch, bộ phim sẽ “ra mắt” 18 cụm rạp của Beta Media từ ngày 21/2 và cụm rạp của Cinestar trong thời gian gần nhất. Đáng nói, ngay sau đăng thông tin sẽ mở chiếu “Đào, Phở và Piano”, chung cảnh ngộ với Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, website của hệ thống rạp Beta Cinema rơi vào tình trạng “thất thủ”. Điều này đã một lần nữa khẳng định sức hút không thể chối cãi của bộ phim này.

“Đào, Phở và Piano” là bộ phim lịch sử được thực hiện bởi đạo diễn Phi Tiến Sơn, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh đặt hàng Công ty CP Phim truyện I sản xuất, tái hiện cuộc chiến 60 ngày đêm (19/12/1946 - 17/2/1947) bảo vệ Thủ đô. Trước khi phát hành vào dịp Tết Nguyên đán, bộ phim này từng đoạt giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 tổ chức hồi tháng 11/2023.

Hãng phim truyện I trước “cơn sốt” Đào, Phở và Piano: SCIC thoái vốn bất thành, chi phí cao “ăn mòn” lợi nhuận
“Đào, Phở và Piano” là một sản phẩm của Hãng phim truyện I

Theo số liệu từ Box Office Vietnam - đơn vị quan sát phòng vé độc lập, chỉ riêng ngày 20/2, bộ phim đã bán được 3.322 vé với 16 suất chiếu, mang về 166 triệu đồng. Tính tới sáng ngày 21/2, doanh số của bộ phim “Đào, Phở và Piano” đạt 510 triệu đồng và được ước tính sẽ vượt mốc 700 triệu đồng trong những ngày tới. Trong bối cảnh dòng chảy phim thương mại, giải trí đang chiếm lĩnh thị trường điện ảnh Việt, khi “đụng độ” với bộ phim “Mai” của Trấn Thành, những con số nói trên vẫn là khá khiêm tốn. Dù vậy, đối với đơn vị sản xuất “Đào, Phở và Piano”, đây được xem là tín hiệu tích cực khi mà hãng phim này đang phải đối mặt với khá nhiều vấn đề.

Theo tìm hiểu, Công ty CP Phim truyện I, có tiền thân là Hãng phim truyện I, thành lập vào ngày 5/3/1990. Năm 2010, đơn vị này chuyển đổi thành công ty cổ phần, với 60% vốn của Nhà nước, là đơn vị cổ phần hóa đầu tiên của ngành điện ảnh. Hiện tại, vốn điều lệ của doanh nghiệp là hơn 14 tỷ đồng, thuộc sở hữu của 3 cổ đông là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), ông Trần Như Hưng – Phụ trách HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc và bà Nguyễn Hồng Phương Lan với tỷ lệ lần lượt là 59,95%, 15,54% và 5,31%.

Hãng phim truyện I trước “cơn sốt” Đào, Phở và Piano: SCIC thoái vốn bất thành, chi phí cao “ăn mòn” lợi nhuận
Đã rất lâu sau “Chuyện của Pao” và “Sống trong sợ hãi”, Hãng phim truyện I mới gây tiếng vang trở lại.

Hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất phim điện ảnh, phim video và các chương trình truyền hình, Hãng phim truyện I được biết tới thông qua các tác phẩm: Chuyện của Pao, Sống trong sợ hãi, Lưới trời, Lính chiến, Phượng cháy, Miền núi và hải đảo, Tình yêu vô tình,... Đáng nói, trong giai đoạn 2020 – 2022, mặc dù giành được không ít giải thưởng ở cả trong và ngoài nước nhưng cả hai phim truyện “Tình yêu vô tình” và “Phượng cháy” lại không thu hút được quá nhiều sự quan tâm từ phía khán giả. Có thể nói, đã rất lâu sau “Chuyện của Pao” và “Sống trong sợ hãi”, Hãng phim truyện I mới gây tiếng vang trở lại.

Chưa có nhà đầu tư nào chịu rót tiền, SCIC tái khởi động thương vụ thoái vốn

Như đã nói ở trên, “cơn sốt Đào, Phở và Piano” bùng nổ trong bối cảnh Hãng phim truyện I gặp phải khá nhiều vấn đề, mà trước hết là việc tìm nhà đầu tư mua lại cổ phần sau khi Nhà nước thoái vốn.

Cần biết, cuối tháng 12/2023, SCIC đã tái khởi động thương vụ thoái vốn Nhà nước tại Hãng phim truyện I. Theo đó, toàn bộ 840.910 cổ phần, tương ứng 59,95% vốn tại doanh nghiệp này đã được chào bán cạnh tranh cho nhà đầu tư trong nước. Tổng số cổ phần được gom lại thành một lô với giá khởi điểm hơn 8,86 tỷ đồng, bước giá 1 triệu đồng/lô cổ phần.

Hãng phim truyện I trước “cơn sốt” Đào, Phở và Piano: SCIC thoái vốn bất thành, chi phí cao “ăn mòn” lợi nhuận
SCIC đã tái khởi động thương vụ thoái vốn Nhà nước tại Hãng phim truyện I

Nhà đầu tư tham gia sẽ phải đặt cọc 10% giá trị lô cổ phần đăng ký mua tính theo giá khởi điểm chào bán cạnh tranh bằng đồng Việt Nam. Thời gian đăng ký và nộp tiền đặt cọc chậm nhất đến ngày 18/12/2023. Được biết, Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (HNX: PSI) là đơn vị tổ chức tư vấn cho thương vụ này.

Về thời gian tổ chức chào bán, SCIC thực hiện chào bán bắt đầu từ 9h ngày 26/12/2023. Thời gian nộp tiền mua cổ phần và hoàn trả tiền cọc đều diễn ra từ 26/12/2023 đến 2/1/2024.

Cần biết, trước đó, phiên đấu giá cổ phần diễn ngày 7/11/2023 mà SCIC thực hiện đã bất thành do đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc (16 giờ 00 phút ngày 31/10/2023) không có nhà đầu tư đăng ký tham gia.

Hãng phim truyện I trước “cơn sốt” Đào, Phở và Piano: SCIC thoái vốn bất thành, chi phí cao “ăn mòn” lợi nhuận
Một phân cảnh trong "Đào, Phở và Piano"

Đáng chú ý, tại bản công bố thông tin về việc chào bán cạnh tranh cổ phần tại Hãng phim truyện I, SCIC nhìn nhận, thương vụ này có diễn ra thành công hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ kỳ vọng của nhà đầu tư, diễn biến của tình hình cung cầu, vốn trên thị trường, nhu cầu cổ phiếu ngành...

Mặt khác, một số rủi ro liên quan đến đặc thù ngành cũng được chỉ rõ. Trước hết, đó là biến động trong mức thù lao nghệ sĩ. Cụ thể, chi phí thù lao của các nghệ sĩ, diễn viên là khoản chiếm tỉ trọng lớn nhất đầu vào. Trong đó, thù lao cho các diễn viên, nghệ sĩ có tên tuổi thường biến động lớn theo xu thế, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng lợi nhuận của công ty.

Do hoạt động trong ngành sản xuất có đặc thù về vòng quay vốn chậm, đồng thời lại có các khách hàng chủ yếu là sở, ban ngành, doanh nghiệp tư nhân nên vấn đề thu hồi nợ, quay vòng vốn ảnh hưởng nhiều đến tình hình tài chính của công ty. Việc trả chậm hoặc chỉ chi trả một phần kinh phí làm phim theo hợp đồng của một số đối tác như hiện nay khiến hãng phim này gặp rủi ro về tài chính, với nguồn quỹ lương hạn hẹp, nên không đủ chi trả 100% lương cho anh em nghệ sĩ và người lao động.

Thu tiền tỷ nhưng chỉ lãi vài chục triệu, thậm chí còn thua lỗ

Về tình hình kinh doanh của Hãng phim truyện I, bản công bố thông tin chào bán cạnh tranh cổ phần cho thấy, trong giai đoạn 2020 – 2022, doanh nghiệp này làm ăn không mấy khá khẩm.

Báo cáo tài chính gần nhất ghi nhận, doanh thu năm 2022 của Hãng phim truyện I đạt 13,1 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với năm 2021. Trong đó, bên cạnh 12,8 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động sản xuất phim, doanh nghiệp còn thu về 300 triệu đồng từ hoạt động cung cấp dịch vụ cho thuê thuế bị quay phim.

Hãng phim truyện I trước “cơn sốt” Đào, Phở và Piano: SCIC thoái vốn bất thành, chi phí cao “ăn mòn” lợi nhuận
Giá vốn hàng bán "cao ngất ngưởng" so với doanh thu của Hãng phim truyện I

Tuy nhiên, giá vốn hàng bán của cả hai hoạt động này đều “cao ngất ngưởng” so với doanh thu. Cụ thể, giá vốn của hoạt động sản xuất phim năm 2022 lên tới 12,2 tỷ đồng, còn hoạt động cung cấp dịch vụ lên tới xấp xỉ 225 triệu đồng. Tổng cộng, giá vốn hàng bán neo ở mức 12,4 tỷ đồng, “ngốn” gần hết doanh thu. Lợi nhuận gộp theo đó chỉ đạt 688 triệu đồng, không đủ để chi trả 1,1 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp.

Rất may, đây là khoản chi phí duy nhất của Hãng phim truyện I và đơn vị này còn thu được gần 475 triệu đồng từ hoạt động tài chính. Nhờ vậy, năm 2022, nhà sản xuất “Đào, Phở và Piano” đã “thoát lỗ” trong gang tấc với mức lãi sau thuế “mỏng manh” 25 triệu đồng.

Dù vậy, kết quả nói trên đã cải thiện rất nhiều so với hai năm trước. Cần biết, do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, năm 2020, Hãng phim truyện I mang về chưa đầy 5 tỷ đồng doanh thu và không kiếm nổi một đồng lợi nhuận. Thậm chí, năm 2021, mặc dù doanh nghiệp này còn lỗ ròng 9,2 triệu đồng. Trong hai năm này, hoạt động tài chính trở thành điểm sáng hiếm hoi trên báo cáo của Hãng phim truyện I. Không ghi nhận chi phí tài chính, doanh nghiệp bảo toàn được doanh thu từ hoạt động này, biến nó trở thành “điểm tựa” để “cầm cự” khi hoạt động kinh doanh cốt lõi kém hiệu quả.

Hãng phim truyện I trước “cơn sốt” Đào, Phở và Piano: SCIC thoái vốn bất thành, chi phí cao “ăn mòn” lợi nhuận
Doanh thu tiền tỷ nhưng Hãng phim truyện I chỉ lãi tiền triệu, không lãi, thậm chí còn thua lỗ

Tuy nhiên, sau cùng, khoản lãi ít ỏi trong năm 2022 chưa đủ để “lấp” lỗ lũy kế của Hãng phim truyện I. Kết quả, tại ngày 31/12/2022, doanh nghiệp báo lỗ lũy kế gần 2 tỷ đồng.

Trên bảng cân đối kế toán, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Hãng phim truyện I đạt 15,1 tỷ đồng, tăng gần 17% so với năm trước. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm đến 10,4 tỷ đồng, chủ yếu từ đối tác là Cục Điện ảnh. Số tiền này bao gồm 10 tỷ đồng phải thu mới phát sinh liên quan đến dự án phim “Đào, Phở và Piano” và 380 triệu đồng phải thu tồn động từ năm trước liên quan đến dự án phim “Cảnh sát biển đảo”.

Hãng phim truyện I trước “cơn sốt” Đào, Phở và Piano: SCIC thoái vốn bất thành, chi phí cao “ăn mòn” lợi nhuận
Chi tiết khoản phải thu của Hãng phim truyện I

Đáng chú ý, trụ sở chính của Hãng phim truyện I tại số 151 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội cũng là do Cục Điện ảnh, còn bản thân doanh nghiệp không sở hữu đất được đứng tên quyền sử dụng, hạch toán trên sổ sách kế toán.

"Đào, Phở và Piano" kể về câu chuyện tình yêu của anh tự vệ (Doãn Quốc Đam thủ vai) và cô tiểu thư Hà thành (Cao Thùy Linh đảm nhận). Họ đã vượt qua gian khó hiểm nguy để tìm lại nhau vào ngày cuối cùng của cuộc chiến (ngày 17/2/1947), khi quân ta rút ra chiến khu bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Phim còn có sự tham gia của những gương mặt quen thuộc như: NSND Trung Hiếu, đạo diễn - NSƯT Trần Lực, NSƯT Nguyệt Hằng, diễn viên Anh Tuấn, ca sĩ Tuấn Hưng...
Thoái vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Sông Hồng (SHG): Bộ Xây dựng bán xong 13,2 triệu cổ phiếu với giá cao gấp 3 lần giá thị trường

Bộ Xây dựng đã bán hết 13,24 triệu cổ phiếu đang nắm giữ tại Tổng Công ty Sông Hồng với giá 10.500 đồng/cp, cao gấp ...

Lộ diện danh sách 73 'ông lớn' trong diện thoái vốn năm 2023 của SCIC

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vừa công bố danh sách thoái vốn đợt 1 năm 2023 gồm 73 ...

SCIC muốn thoái toàn bộ vốn tại Vinacontrol (VNC)

SCIC sẽ bán đấu giá 3,15 triệu cổ phiếu VNC, tương đương 30% vốn điều lệ của Vinacontrol vào ngày 15/1/2024. Đây là toàn bộ ...

Hà Lê