Hàng không năm 2023 sẽ hưởng lợi nhờ lượng khách quốc tế phục hồi mạnh mẽ

Cập nhật: 08:44 | 07/12/2022 Theo dõi KTCK trên

Theo VNDirect, sản lượng khách quốc tế có thể phục hồi về mức 84% trước dịch trong quý II/2023 và đạt 100% trước dịch vào quý IV/2023, giúp tổng sản lượng khách quốc tế tăng 195% so với năm 2022. Qua đó giúp hàng không phục hồi.

Samsung lên kế hoạch nâng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 20 tỷ USD

Thủ tướng Chính phủ: Thị trường chứng khoán có tín hiệu tích cực trở lại

Trong báo cáo "Chiến lược đầu tư 2023: Đầu tư có trách nhiệm - Xây tương lai vững bền" vừa công bố, các chuyên gia từ Chứng khoán VNDirect nhận định hàng không quốc tế sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023.

Nguyên nhân là nhờ việc hầu hết các quốc gia đã dỡ bỏ hạn chế cho du khách và điều này sẽ hỗ trợ cho nhu cầu du lịch quốc tế. Sản lượng khách quốc tế trong quý III/2022 đã tăng 35 lần so với cùng kỳ và phục hồi bằng 50% trước dịch.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

VNDirect dự báo sản lượng khách quốc tế có thể phục hồi về mức 84% trước dịch trong quý II/2023 và đạt 100% trước dịch vào quý IV/2023, giúp tổng sản lượng khách quốc tế tăng 195% so với năm 2022.

Ngoài ra, sản lượng khách nội địa dự báo tăng 231% so với năm 2022 (tăng 30,9% so với mức 2019) và tăng trưởng kép 8,9% giai đoạn 2023-2025.

VNDirect cho hay, do có độ tương quan cao với hàng không quốc tế, bán lẻ hàng không sẽ là ngành hưởng lợi nhất khi sản lượng khách quốc tế phục hồi. Công ty này cho hay, các mô hình bán lẻ hàng không sẽ được hưởng lợi nhờ rào cản gia nhập ngành cao cùng biên lợi nhuận vượt trội.

Với cảng hàng không, tăng trưởng tương đối vững chắc nhưng có thể bị thu hẹp trong năm 2024 do công suất bị hạn chế. Còn với các hãng hàng không, triển vọng tăng trưởng bị cản trở bởi chi phí nhiên liệu cao, biến động tỷ giá và lãi suất tăng.

Dù vậy, VNDirect vẫn ưa thích mô hình hàng không giá rẻ hơn hàng không truyền thống do ít bị biến động trong môi trường tài chính không ổn định cùng chi phí nhiên liệu cao.

VNDirect cũng chỉ ra rằng có ba yếu tố rủi ro ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành, gồm: Giá nhiên liệu cao hơn dự kiến dẫn đến chi phí vận hành của các hãng hàng không cao hơn, có thể làm tăng giá vé và giảm nhu cầu đi lại bằng đường hàng không; Du lịch song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc khó phục hồi như trước đại dịch do chính sách zero COVID, và tỷ giá USD/VND cao hơn dự kiến và lãi suất USD tăng cũng có thể ảnh hưởng đến việc vay vốn đầu tư cơ sở hạ tầng hàng không bằng USD trong thời gian tới.

Cụ thể, VNDirect cho hay, trong bối cảnh thị trường dầu thô vốn đã thắt chặt trên toàn cầu, căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã làm trầm trọng thêm tình trạng này, thúc đẩy giá dầu Brent chạm mức cao nhất kể từ năm 2008.

Hiện tại, có nhiều yếu tố khó lường có thể khiến giá dầu vẫn duy trì ở mức cao. Giá dầu cao hơn dự kiến dẫn đến gia tăng chi phí hoạt động của các hãng hàng không, điều này có thể nâng giá vé và giảm nhu cầu đi lại bằng đường hàng không.

Thứ hai là chính sách Zero COVID của Trung Quốc cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sự phục hồi của ngành hàng không Việt Nam khi Trung Quốc chiếm 35% lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong giai đoạn trước đại dịch. Chừng nào Trung Quốc còn tuân theo chiến lược này thì chừng đó du lịch song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc khó có thể phục hồi về mức trước đại dịch, VNDirect đánh giá.

Bên cạnh việc ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và mở rộng đội bay của các hãng hàng không hiện tại, tỷ giá USD/VND tăng và lãi suất USD tăng cũng có thể ảnh hưởng đến việc vay vốn đầu tư cơ sở hạ tầng hàng không bằng USD trong các giai đoạn tới.

Hoàng Hà (t/h)