Hải Phòng: Trả giá sát nút, doanh nghiệp 30 ngày tuổi trúng lô 'đất vàng' gần 10.000m2

Cập nhật: 10:55 | 30/11/2022 Theo dõi KTCK trên

Công ty CP Đầu tư xây dựng Newland là pháp nhân mới toanh trên thị trường, vừa thành lập ngày 18/10, nghĩa là chỉ 30 ngày tuổi tại thời điểm trúng khu "đất vàng" rộng gần 10.000m2 của TP. Hải Phòng.

Hải Phòng: Trả giá sát nút, doanh nghiệp 30 ngày tuổi trúng lô 'đất vàng' gần 10.000m2

Tổng diện tích đất đấu giá là hơn 9.460m2, có vị trí đắc địa nằm ngay liền kề phố đi bộ Thế Lữ - Tam Bạc, khu phố thương mại dịch vụ giữa trung tâm nội thành Hải Phòng.

Mới đây, Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hồng Bàng (TP. Hải Phòng) đã phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh HP.Auserco tổ chức thành công phiên đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện Dự án phát triển nhà ở, chỉnh trang đô thị tại số 80 phố Hạ Lý, phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng.

Tổng diện tích đất đấu giá là hơn 9.460m2, có vị trí đắc địa nằm ngay liền kề phố đi bộ Thế Lữ - Tam Bạc, khu phố thương mại dịch vụ giữa trung tâm nội thành Hải Phòng.

Mức giá khởi điểm đưa ra là 33,8 triệu đồng/m2, tương ứng tổng giá trị cho cả khu đất là trên 320 tỷ đồng. Phiên đấu giá đã thu hút sự tham gia của 2 nhà đầu tư tổ chức, gồm Công ty CP Đầu tư xây dựng Newland và Công ty TNHH Đức Dương.

Đáng nói, sau một lần trả giá, Công ty Newland đã giành chiến thắng chung cuộc với mức giá cao hơn... 3,1 tỷ đồng so với giá khởi điểm của lô đất, tương đương tăng chưa đầy 1% lên 323 tỷ đồng.

Theo quy định, Công ty Newland có 15 ngày để thực hiện nộp 50% tổng số tiền trúng đấu giá cho cơ quan quản lý nhà nước. Trước đó, doanh nghiệp đã thực hiện đặt cọc 20% tổng giá khởi điểm để đáp ứng thủ tục tham gia đấu giá đất.

Theo tìm hiểu, Công ty CP Đầu tư xây dựng Newland là pháp nhân mới toanh trên thị trường, vừa thành lập ngày 18/10, tức chỉ 30 ngày tuổi tại thời điểm trúng khu "đất vàng" rộng gần 10.000m2 của TP. Hải Phòng.

Công ty Newland có vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Trong đó, Công ty CP Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Việt Phát nắm giữ 90% cổ phần; 10% cổ phần còn lại chia đều cho ông Phạm Khương Duy (SN 1981) và ông Sái Văn Kiên (SN 1996).

Ông Phạm Khương Duy đảm nhiệm cương vị Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty Newland.

Về công ty mẹ, Công ty Việt Phát vốn là cái tên quen thuộc của giới đầu tư chứng khoán. Doanh nghiệp đang niêm yết và giao dịch cổ phiếu trên sàn HOSE với mã VPG.

Không chỉ lĩnh vực bất động sản, VPG được biết đến là tập đoàn đa ngành với nhiều mảng kinh doanh khác nhau, như sản xuất khoáng sản, vận tải, xây dựng và dịch vụ xuất nhập khẩu. Trưởng thành từ khai thác và kinh doanh quặng kim loại, VPG đang sở hữu nhà máy chế biến và phân loại khoáng sản với diện tích gần 80.000m2, tổng sản lượng sản xuất 1,2 triệu tấn/năm, là nhà cung cấp có "số má" trên thị trường.

Gần đây, VPG đã công bố kết quả kinh doanh quý III với nhiều nét tương phản. Trong khi doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.461 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm ngoái, thì lợi nhuận sau thuế bất ngờ giảm mạnh 85% xuống còn 14,7 tỷ đồng.

VPG giải trình với cổ đông rằng, nguyên nhân chủ yếu là do chi phí giá vốn mặt hàng quặng tăng quá cao, trong khi giá bán ra lại quá thấp khiến lợi nhuận gộp sụt giảm đến 58% so với quý III/2021. Đây là mảng kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhằm thực hiện chiến lược kinh doanh mặt hàng than nhiệt, VPG buộc phải huy động nhiều vốn hơn nên phát sinh chi phí tài chính (chủ yếu là lãi vay) tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ, từ 9,8 tỷ đồng lên 42,5 tỷ đồng trong quý này.

Việc phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá tăng do biến động thị trường cũng là lý do VPG rơi vào cảnh lợi nhuận giật lùi trong quý vừa qua.

Thời điểm 30/9/2022, VPG chứng kiến nợ phải trả tăng mạnh lên 2.996 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi so với hồi đầu năm. Tổng nợ vay chiếm 1.140 tỷ đồng, tăng thêm 630 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm; khoản phải trả thư tín dụng nhập khẩu với các ngân hàng cũng bật tăng gấp đôi lên 1.190 tỷ đồng.

Để cân đối nguồn vốn, VPG đã tăng vốn điều lệ từ 431 tỷ đồng lên 801 tỷ đồng trong khoảng thời gian này. Nhờ đó, vốn chủ sở hữu cuối quý III đạt 1.543 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ bằng một nửa của tổng các món nợ.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VPG hiện giao dịch trong khoảng 14.000 đồng/cp, là vùng giá thấp nhất trong 21 tháng qua. Xét từ mức đỉnh lập ngày 28/3 (58.650 đồng/cổ phiếu) đến đáy, thị giá của VPG đã chia 4 lần, giảm sâu hơn nhiều lần mức giảm của chỉ số VN-Index trong cùng thời điểm, thổi bay 3.490 tỷ đồng vốn hóa thị trường.

Vân Oanh