Hà Nội đề xuất chi gần 23.000 tỷ đồng từ ngân sách thành phố làm đường Vành đai 4

Cập nhật: 06:33 | 20/05/2022 Theo dõi KTCK trên

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có tờ trình gửi HĐND TP Hà Nội bố trí vốn cho dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 vùng Thủ đô.

4931-hanoi-vanhdai4
Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô đi qua 3 tỉnh, thành phố. (Ảnh minh họa)

Theo tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư Vành đai 4 vùng Thủ đô là hơn 85.800 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ ngân sách thành phố là 22.962 tỷ đồng.

Theo phân kỳ, giai đoạn 2021-2025 dự án này cần hơn 19.000 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 cần hơn 3.800 tỷ đồng.

UBND TP Hà Nội cho biết, trong trường hợp tổng mức đầu tư dự án thành phần do thành phố quyết định đầu tư có điều chỉnh tăng thì phần vốn tăng thêm sẽ đảm bảo bố trí từ nguồn ngân sách thành phố.

Tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô có chiều dài 112,8 km (gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long). Trong đó, đoạn qua Hà Nội 58,2 km, qua Hưng Yên 19,3 km, qua Bắc Ninh 25,6 km và tuyến nối 9,7 km.

Quy mô đường gồm 4 làn xe cao tốc, tốc độ 80km/h; có 8 nút giao liên thông hoàn chỉnh cắt ngang với đường hiện trạng và các lối ra vào cao tốc. Dự kiến 65% tuyến đi trên cao.

Tại địa bàn Hà Nội, tuyến đường này đi qua địa phần của 7 quận, huyện, gồm: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín.

Dự án được chia thành ba nhóm dự án với 7 dự án thành phần. Trong đó, nhóm 1 gồm 3 dự án thành phần giải phóng mặt bằng ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên. Nhóm 2 gồm 3 dự án thành phần đầu tư xây dựng đường song hành trên địa bàn 3 địa phương. Nhóm 3 là dự án thành phần đầu tư xây dựng cao tốc theo phương thức đối tác công tư loại hợp đồng BOT.

Đối với dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết khó khăn lớn nhất của dự án là công tác giải phóng mặt bằng, với nhóm dự án 1 là chìa khóa mở cho dự án 2, 3. Hiện nay, quy mô giải phóng mặt bằng cho cả 3 tỉnh, thành phố là 1.341 ha; chiếm 19.000 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng, dưới 25%.

"Chắc chắn việc giải phóng mặt bằng không được phép chia nhiều lần vì các thời kỳ bồi thường, hỗ trợ tái định cư khác nhau sẽ tạo ra hiệu ứng bất khả thi. Đây là bài học kinh nghiệm", ông Tuấn nhấn mạnh.

Trước đó, tại phiên họp ngày 12/5 về dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị các địa phương bổ sung vào nghị quyết của HĐND tỉnh, thành phố về tổng số vốn bố trí, tiến độ giải ngân, phân kỳ theo từng năm và cam kết bố trí phần tăng thêm trong trường hợp phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án.

Theo chương trình làm việc, ngày 20/5/2022, HĐND TP Hà Nội họp chuyên đề xem xét, quyết định về việc bố trí, cân đối vốn cho dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 vùng Thủ đô.

Giải phóng mặt bằng - vấn đề gây trở ngại tại các dự án vành đai

Mới đây, tại buổi Tọa đàm trực tuyến với Chính phủ, đại diện của Hà Nội và TP HCM đã nêu ra vấn đề vướng ...

Thu hút nguồn vốn xã hội đầu tư dự án Vành đai 4 – vùng Thủ đô như thế nào?

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô sẽ được đầu tư theo hình thức đầu tư công ...

TP Hà Nội đề xuất đầu tư vành đai 4 theo phương thức đối tác công tư PPP

Chiều 28/4, tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 6, Uỷ ban Kinh tế thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự ...

Thảo Nguyễn

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm