Chính sách - Đầu tư

Hà Nội đầu tư hơn 500 tỷ đồng phát triển cụm công nghiệp làng nghề làm gỗ phía Tây

Tuấn Anh 23/04/2025 09:35

Cụm công nghiệp làng nghề có tổng vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng, định hướng phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao.

Định hướng phát triển công nghiệp làng nghề theo hướng xanh, sạch và hiện đại

UBND Thành phố Hà Nội vừa phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề Canh Nậu – Giai đoạn 2 tại xã Lam Sơn, huyện Thạch Thất với quy mô 17,22 ha. Đây là dự án được định hướng phát triển theo mô hình công nghiệp sạch, áp dụng công nghệ kỹ thuật cao, thân thiện môi trường và có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 502 tỷ đồng.

cụm công nghiệp làng nghề Canh Nậu
Cụm công nghiệp làng nghề Canh Nậu đang chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2

Theo Quyết định, dự án sẽ triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ bao gồm trạm xử lý nước thải tập trung sử dụng công nghệ xử lý hiện đại, hệ thống thu gom nước thải, hệ thống thoát nước mặt, điểm tập kết và xử lý chất thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt, hệ thống chiếu sáng, cây xanh… Việc đầu tư tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy và không bố trí đơn vị lưu trú, trung tâm thương mại trong phạm vi cụm công nghiệp.

Chủ đầu tư dự án là Công ty CP Tập đoàn Long Biên, với định hướng phát triển cụm công nghiệp phục vụ chủ yếu cho các ngành chế biến lâm sản, sản xuất và kinh doanh đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ cao cấp – các ngành nghề truyền thống của khu vực Canh Nậu, đồng thời mở rộng cho một số ngành phù hợp với quy định pháp luật và định hướng phát triển bền vững.

Tạo điều kiện di dời cơ sở làng nghề ra khu vực sản xuất tập trung

Một trong những mục tiêu chính của dự án là tạo quỹ đất công nghiệp dành riêng để di dời các cơ sở sản xuất trong làng nghề ra khỏi khu dân cư, giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường và áp lực hạ tầng đô thị. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ sản xuất cá thể trong làng nghề có thể đăng ký tham gia vào cụm công nghiệp mới này, với điều kiện đáp ứng tiêu chí sản xuất công nghiệp sạch, sử dụng công nghệ hiện đại, tự động hóa và có phương án xử lý môi trường đầy đủ.

Dự án có thời hạn hoạt động 50 năm kể từ ngày được UBND Thành phố phê duyệt thành lập và được yêu cầu khớp nối hạ tầng kỹ thuật với Cụm công nghiệp Canh Nậu – Giai đoạn 1, đảm bảo sự đồng bộ về kỹ thuật, hạ tầng giao thông và hệ thống xử lý môi trường giữa các giai đoạn.

Cụm công nghiệp sẽ không được phép chuyển nhượng, huy động vốn trái quy định pháp luật và chỉ được triển khai sau khi hoàn thành đầy đủ thủ tục về đất đai, đầu tư, quy hoạch, xây dựng, môi trường… Chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về tính trung thực, hợp pháp của hồ sơ, cũng như bố trí đủ nguồn vốn (bao gồm vốn chủ sở hữu, vốn vay, vốn huy động hợp pháp) để triển khai đúng tiến độ trong vòng 24 tháng.

Quản lý chặt chẽ, phân công rõ ràng trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng

Theo phân công nhiệm vụ quản lý, Sở Công Thương Hà Nội sẽ là cơ quan đầu mối tham mưu UBND Thành phố thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về cụm công nghiệp. UBND huyện Thạch Thất được giao tổ chức quản lý cụ thể tại địa bàn, giám sát việc triển khai dự án, đảm bảo tuân thủ pháp luật và các chỉ đạo điều hành của Thành phố.

Ngoài ra, các sở ngành khác như: Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Công an TP, Chi cục Thuế Khu vực I… cũng được phân công phối hợp, hướng dẫn chủ đầu tư trong việc hoàn thiện thủ tục pháp lý và kỹ thuật để triển khai dự án hiệu quả, đúng tiến độ.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Hà Nội đầu tư hơn 500 tỷ đồng phát triển cụm công nghiệp làng nghề làm gỗ phía Tây
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO