Gửi ngân hàng 3 tỷ USD tiền nhàn rỗi, EVN hưởng lợi thế nào từ xu hướng lãi suất tăng?

Cập nhật: 16:06 | 09/12/2022 Theo dõi KTCK trên

EVN đang được mệnh danh là “ông vua tiền mặt” khi có tới 75.400 tỷ đồng (hơn 3 tỷ USD) gửi ngân hàng ngắn hạn và 32.900 tỷ đồng tiền mặt. Như vậy, tổng tiền các loại lên đến 108.000 tỷ đồng.

Liên tục thua lỗ nhưng EVN cũng có hàng trăm tỷ đồng gửi ngân hàng lấy lãi
Liên tục thua lỗ nhưng EVN cũng có hàng trăm tỷ đồng gửi ngân hàng

Theo công bố mới đây của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trước bối cảnh khó khăn hiện nay khi giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện tăng đột biến làm cho chi phí sản xuất điện và mua điện của Tập đoàn tăng rất cao, nếu căn cứ theo kế hoạch vận hành hệ thống điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt từ đầu năm thì kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của EVN có thể lỗ lên tới 64.805 tỷ đồng.

Để giảm chi phí, EVN đã phải tiết kiệm 10% các chi phí thường xuyên; cắt giảm 20 - 30% chi phí sửa chữa tài sản cố định; tạm chi lương cho CBCNV bằng 80% mức lương bình quân năm 2020...

Theo tính toán, tổng các giải pháp giảm lỗ nêu trên đạt khoảng 33.445 tỷ đồng, tuy nhiên vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện đầu vào tăng quá lớn, kết quả sản xuất kinh doanh 10 tháng năm 2022 của công ty mẹ EVN lỗ khoảng 15.758 tỷ đồng dự kiến ước cả năm 2022 có thể lỗ ở mức khoảng 31.360 tỷ đồng.

“Trong bối cảnh tình hình tài chính như vậy sẽ dẫn tới nguy cơ có rất nhiều khó khăn trong năm 2022 và các năm tiếp theo trong một số vấn đề”, EVN cho biết.

Trước hết là khó khăn trong việc không cân đối được dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện và do đó ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung cấp điện.

Vấn đề thứ hai là trong vài năm gần đây, chi phí sửa chữa lớn đã phải cắt giảm chi phí theo định mức từ 10-30% và việc sửa chữa tài sản tiếp tục bị cắt giảm sẽ ảnh hưởng lớn đến an toàn vận hành hệ thống điện các năm tới.

Thứ ba là khó khăn trong việc huy động vốn, cân đối nguồn vốn để đầu tư các dự án điện, sửa chữa bảo dưỡng các công trình điện để đảm bảo cung ứng điện.

Theo các dự báo mới nhất của các tổ chức quốc tế, khả năng giá nhiên liệu thế giới năm 2023 chưa có xu hướng giảm xuống ở mức bình quân năm 2021. Do đó, dự kiến năm 2023, EVN vẫn tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn về sản xuất kinh doanh và cân bằng tài chính.

Dù khó khăn, thua lỗ là vậy nhưng theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 của EVN, doanh nghiệp này đang có lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng là hơn 108.000 tỷ đồng.

Cụ thể, tiền mặt và tiền gửi của EVN tại ngày cuối quý II là 32.889 tỷ đồng, khoản tiền gửi ngắn hạn là 75.436 tỷ đồng. Tổng tiền mặt và tiền gửi hơn 108.000 tỷ đồng. Trong gần 33.000 tỷ đồng tiền mặt thì có hơn 23.000 tỷ đồng là tiền gửi không kỳ hạn. Tổng tài sản của Tập đoàn trên 673.157 tỷ đồng, giảm hơn 32.200 tỷ đồng so với đầu năm 2022. Như vậy, tiền mặt và tiền gửi chiếm 16% tổng tài sản của EVN.

Nói về vấn đề doanh nghiệp giữ tiền mặt và tiền tài khoản ngân hàng, một chuyên gia tài chính cho biết, đây là điều rất bình thường. Tuy nhiên, có trường hợp một số doanh nghiệp Nhà nước cầm tiền nhưng để đảm bảo bảo toàn vốn lại mang tiền đi gửi thay vì đầu tư sinh lời, điều này là không phù hợp. Bên cạnh đó, không loại trừ việc có doanh nghiệp mang tiền gửi ngân hàng lãi cao, thỏa thuận “đi đêm” lãi suất gây méo mó cho thị trường.

Quang Đăng

Tin cũ hơn
Xem thêm