Góc nhìn của Agriseco về sự kiện ngân hàng Silicon Valley (SVB) phá sản

Cập nhật: 06:03 | 16/03/2023 Theo dõi KTCK trên

Theo CTCP Chứng khoán Agribank (Agriseco), mặc dù thu hút được một lượng vốn khổng lồ trong năm 2022, tuy nhiên các chính sách quản lý thanh khoản không phù hợp là nguyên nhân chính dẫn tới sự sụp đổ nhanh chóng của Ngân hàng Silicon Valley (SVB).

Vừa qua, thị trường tài chính thế giới đã chao đảo trước sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) chỉ trong vòng 48 tiếng sau cuộc họp với các nhà đầu tư, trở thành ngân hàng có quy mô phá sản lớn thứ 2 trong lịch sử thị trường tài chính toàn cầu (sau Washington Mutual năm 2008). Một số ý kiến lo ngại sự kiện này có thể dẫn tới hiệu ứng dây chuyền tới các ngân hàng khác tại Mỹ và thế giới.

Được biết, Ngân hàng Silicon Valley (Silicon Valley Bank, “SVB”) là 1 NHTMCP tư nhân trực thuộc SVB Financial Group (NYSE: SIVB) có trụ sở chính tại Santa Clara, California. Tính tới cuối năm 2022, ngân hàng có tổng tài sản 209 tỷ USD, chiếm trên dưới 1% quy mô tài sản toàn hệ thống ngân hàng Mỹ. Trong đó bao gồm 175 tỷ USD tiền gửi khách hàng và 15,5 tỷ USD vốn chủ sở hữu. Để so sánh nhanh, Lehman Brothers vào thời điểm tuyên bố phá sản năm 2008, có quy mô tài sản 639 tỷ USD (tương đương gần 900 tỷ USD hiện tại, đã điều chỉnh lạm phát), và chiếm tới 6% quy mô nợ và tài sản của hệ thống ngân hàng Mỹ lúc bấy giờ.

Hình minh họa
Hình minh họa

Tệp khách hàng chủ đạo của SVB là các start-up, quỹ đầu tư mạo hiểm (venture capital), công ty công nghệ và công ty chăm sóc sức khoẻ (chiếm gần 50%). Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự đổ vỡ của SVB.

Quá trình tăng trưởng của SVB gắn liền với thời kỳ “tiền rẻ”

Covid-19 đã khiến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp phần lớn bị ngưng trệ, song nhờ việc áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, bằng cách ban hành nhiều gói nới lỏng định lượng (QE), hoạt động sản xuất kinh doanh nhìn chung đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Quy mô tài sản của FED đã tăng mạnh từ mức 4,3 tỷ USD (tháng 3/2020) lên gần 9 tỷ USD (giữa năm 2022).

Cũng trong giai đoạn này, số lượng deal và quy mô deal được thực hiện bởi các quỹ đầu tư mạo hiểm và các start-up tăng mạnh tại Mỹ (trung bình giá trị 80 tới gần 100 tỷ USD và 4.000-5.000 deal thực hiện hàng quý, so với giai đoạn trước chỉ khoảng 3.000 deal được thực hiện với quy mô trên dưới 40 tỷ USD mỗi quý). Trong đó, hơn ¾ số vốn được các quỹ này rót vào ngành công nghệ.

Với việc thu hút được một lượng vốn dồi dào, các NHTM có tệp khách hàng từ các công ty start-up, công nghệ như SVB cũng được hưởng lợi khi tiếp nhận một khoản tiền gửi lớn từ các khách hàng tiềm năng này. Chỉ trong 2 năm (2019-2021), quy mô tiền gửi của khách hàng tại SVB tăng gấp hơn 3 lần, từ 56,6 tỷ USD lên 175,4 tỷ USD.

Sự sụp đổ của SVB

Mặc dù thu hút được một lượng vốn khổng lồ trong năm 2022, tuy nhiên các chính sách quản lý thanh khoản không phù hợp là nguyên nhân chính dẫn tới sự sụp đổ nhanh chóng của SVB. Các điểm nhấn quan trọng bao gồm:

Tỷ trọng phân bổ đầu tư vào các tài sản trung - dài hạn quá lớn nhưng lại được tài trợ bởi nguồn vốn có tính ngắn hạn (tiền gửi khách hàng). Dữ liệu báo cáo tài chính năm 2022 của SVB cho thấy, SVB phân bổ khoảng 117 tỷ USD vào các chứng khoán nắm giữ tới ngày đáo hạn (HTM) và chứng khoán sẵn sàng để bán (AFS), cho vay 74 tỷ USD và chỉ gửi 12 tỷ USD tại tổ chức tài chính.

Nhưng đáng chú ý hơn, trong 117 tỷ USD chứng khoán, chỉ 1,1 tỷ USD là các chứng khoán có thời gian đáo hạn dưới 1 năm. Như vậy, khoảng 116 tỷ USD – tương đương 66% quy mô tiền gửi khách hàng (mang tính ngắn hạn) đã được sử dụng để đầu tư vào tài sản có kỳ hạn dài, tạo ra rủi ro chênh lệch kỳ hạn.

Lãi suất điều hành tăng mạnh trong năm 2022 khiến giá trị các trái phiếu nắm giữ giảm đi đáng kể. Theo chuẩn mực kế toán quốc tế, các khoản chứng khoán trên khoản mục “Held-to-Maturity/HTM” sẽ không cần phải ghi lãi/lỗ ước tính trên vốn chủ sở hữu. Chỉ các chứng khoán trên khoản mục “Available-for-Sale/AFS” mới cần phải hạch toán lãi/lỗ ước tính vào vốn chủ sở hữu. Tính tới 31/12/2022, ước tính các giá trị lãi/lỗ của danh mục HTM và AFS của SVB như sau:

Góc nhìn của Agriseco về sự kiện ngân hàng Silicon Valley (SVB) phá sản

Với cơ cấu tài sản của SVB tập trung phần lớn vào các trái phiếu kỳ hạn dài và chỉ để hơn 12 tỷ USD tiền mặt, khi khách hàng rút tiền với quy mô lớn, nguy cơ mất khả năng thanh toán xuất hiện do số dư tiền gửi không đủ để thanh toán cho khách hàng. Thực tế, điều này đã xuất hiện trong ngày 09/03, khi các khách hàng rút 42 tỷ USD, dẫn tới số dư tiền mặt của SVB bị âm 900 triệu USD vào cuối ngày, qua đó FDIC phải đóng cửa ngân hàng và tiến hành xử lý tài sản từ trưa 10/03.

Lãi suất điều hành tăng mạnh trong năm 2022 khiến việc huy động vốn của các start-up, quỹ đầu tư mạo hiểm trở nên khó khăn hơn đáng kể, thể hiện qua biểu đồ về quy mô deal đầu tư và số lượng deal đầu tư. Điều này dẫn tới nhu cầu rút tiền tại các ngân hàng gia tăng đáng kể, và thực tế tại SVB, quy mô tiền gửi khách hàng đã có sự sụt giảm kể từ Q1/2022 chứ không phải tới giai đoạn gần đây mới bộc lộ. Và tới ngày 08/03, để có tiền trả cho khách hàng, SVB đã thực hiện bán 21 tỷ USD tài sản AFS và hạch toán lỗ 1,8 tỷ USD. Đồng thời, để bù đắp khoản lỗ này, SVB cũng thực hiện cuộc gọi vốn với tổng quy mô 2,25 tỷ USD, song đã bị hủy bỏ sau khi giá cổ phiếu giảm 60% trong ngày 09/03.

Như vậy, có thể thấy vấn đề chính của SVB nằm ở khả năng quản trị rủi ro thanh khoản khi SVB đã sử dụng tiền gửi của khách hàng (có tính chất ngắn hạn) để đầu tư phần lớn vào các chứng khoán có kỳ hạn dài. Theo đó, ngay khi các khách hàng đồng loạt thực hiện rút tiền khỏi ngân hàng, kết hợp yếu tố môi trường lãi suất cao dẫn tới suy giảm giá trị các khoản trái phiếu nắm giữ, SVB đã bị mất khả năng thanh toán và phải tạm ngừng hoạt động để FDIC xử lý tài sản.

Đánh giá tác động

Với thị trường quốc tế

Ngay sau khi SVB tuyên bố đóng cửa, FDIC đã tiến hành vào cuộc và bảo vệ các khách hàng gửi tiền tại SVB. Ngày 10/03, FDIC tuyên bố sẽ trả tiền cho người gửi tiền đến giới hạn bảo hiểm tiền gửi (khoảng 250.000 USD). Sau đó, ngày 12/03, sau khi Signature Bank New York (SBNY) cũng tuyên bố đóng cửa và FDIC phải tiến hành can thiệp, FED, FDIC và Bộ Tài chính Hoa Kỳ cùng ban hành gói hỗ trợ trị giá 25 tỷ USD cho các ngân hàng nhằm hỗ trợ các khách hàng gửi tiền và tuyên bố sẽ trả toàn bộ số tiền mà các khách hàng đã gửi tại 2 ngân hàng này. Trước mắt, Agriseco Research đánh giá những bước đi của FED, FDIC và Bộ Tài chính là kịp thời để lấy lại lòng tin của khách hàng. Mặc dù vậy, việc rút tiền hàng loạt của các khách hàng có thể tạo ra hiệu ứng domino tại các ngân hàng của Mỹ, tuy nhiên chúng tôi cho rằng hiệu ứng này có thể chỉ xảy ra tại một số ngân hàng cỡ trung và nhỏ, và khó xảy ra tại các ngân hàng lớn, do các yếu tố sau:

Bản chất của 2 sự kiện khác nhau. Ở sự kiện SVB, vấn đề nằm ở việc quản trị rủi ro thanh khoản không hiệu quả, khi ngân hàng lấy vốn ngắn hạn đầu tư trung – dài hạn với tỷ lệ quá cao (66%), dẫn tới mất khả năng thanh toán khi hiện tượng “bank run” xuất hiện. Trong khi đó, sự kiện Lehman Brothers nằm ở vấn đề chất lượng tài sản dưới chuẩn và các ngân hàng thời điểm đó chấp nhận rủi ro đầu tư rất cao. Cần lưu ý, các chứng khoán mà SVB nắm giữ đều rất an toàn do được Chính phủ hoặc tổ chức do Chính phủ tài trợ (Fannie Mae, Freddie Mac, Ginnie Mae) phát hành/bảo lãnh. Đây cũng có thể là một lý do khiến SVB dễ dàng được tiếp cận các gói cứu trợ khẩn cấp từ FED, trong khi Lehman Brothers thì không.

Quy mô về tài sản của SVB so với toàn hệ thống ngành ngân hàng Mỹ tương đối nhỏ, chỉ đạt gần 1%, và quy mô khoản nợ cũng chỉ chiếm khoảng 0,9% hệ thống. Nếu nhìn lại Lehman Brothers vào năm 2008, thì tỷ lệ này lớn hơn đáng kể: Quy mô tài sản và nguồn vốn của Lehman Brothers chiếm lần lượt gần 6% và 6,2% toàn hệ thống. Bên cạnh đó, Lehman vào năm 2008 xếp thứ 4 về quy mô ngân hàng thời điểm đó, trong khi SVB chỉ xếp thứ 16. Như vậy, mức độ lan tỏa của 2 sự kiện này sẽ có sự khác biệt đáng kể.

Tệp khách hàng khác nhau: Khách hàng của SVB tập trung phần đông vào start-up, công ty công nghệ, tiền điện tử - là những nhóm khách hàng có nhu cầu vốn cao để phát triển hoạt động, trong khi tại Lehman Brothers thì tệp khách hàng đa dạng hơn đáng kể.

Với thị trường Việt Nam

Đối với thị trường Việt Nam, Agriseco Research nhận định tác động tới thị trường Việt Nam cũng sẽ nghiêng nhiều về yếu tố tâm lý nhà đầu tư (nếu có), tuy nhiên chúng tôi cho rằng mức độ ảnh hưởng về ngắn hạn sẽ không quá lớn. Một số nguyên nhân gồm có:

Kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2007-2008 có diễn biến xấu hơn đáng kể so với thời điểm hiện tại. Năm 2007-2008, môi trường lạm phát, lãi suất và tỷ giá của Việt Nam đều ở mức cao trong lịch sử. Mặt bằng lãi suất ghi nhận ở vùng cao khoảng 20%/năm (lãi suất điều hành khi đó khoảng 12%-14%/năm), trong khi tỷ giá thì có sự chênh lệch rất lớn giữa thị trường chính thức và thị trường chợ đen. Bên cạnh đó, áp lực về giá hàng hóa như giá xăng dầu leo thang, tình trạng đầu cơ lương thực cũng khiến giá gạo tăng 20-40% từ tháng 04 đến tháng 06/2008. Trong khi đó, hiện tại các áp lực về lạm phát, tỷ giá và lãi suất đã phần nào giảm nhiệt, thông qua các Quyết định và Nghị quyết được Chính phủ ban hành, sẽ giúp dòng vốn tín dụng của các ngân hàng, đầu tư của các doanh nghiệp phần nào được khơi thông.

Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn của các NHTM cổ phần hiện nay dược giới hạn ở mức 34%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ vốn ngắn hạn đầu tư trung – dài hạn của các NHTM của Mỹ (đơn cử như SVB ghi nhận tỷ lệ 66% trong năm 2022). Bên cạnh đó, chúng tôi ước tính tỷ trọng giá trị trái phiếu chính phủ (thường có kỳ hạn dài) của các NHTM hiện nay chỉ chiếm từ 2% - 13% tổng tài sản. Điều này sẽ giúp các NHTM Việt Nam giảm thiểu rủi ro chênh lệch kỳ hạn và đáp ứng được các yêu cầu về thanh khoản.

Xem chi tiết báo cáo của Agriseco tại đây >>>>

Agriseco: Đầu tư công 2023 và những cơ hội trên thị trường chứng khoán

Theo CTCP Chứng khoán Agribank (Agriseco), việc tập trung đẩy mạnh đầu tư công kỳ vọng sẽ tạo ra các tác động lan tỏa đến ...

Agriseco Research chỉ ra cơ hội và rủi ro cho thị trường chứng khoán tháng 3?

Agriseco Research kỳ vọng yếu tố đầu tư công và đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều khả năng sẽ trở thành nhân tố chính ...

Chứng khoán Agribank (Agriseco) báo cáo triển vọng lợi nhuận các ngành Q1/2023

Theo Chứng khoán Agribank (Agriseco), lợi nhuận trong Q1/2023 có thể suy giảm do: Mức nền cao của cùng kỳ năm ngoái khi sốt đất ...

Nguyễn Hoàng