Xu hướng - Nhận định

Góc nhìn chuyên gia: Mỹ tăng mức thuế đối ứng với Trung Quốc lên 125% tiềm ẩn những rủi ro gì?

Cao Thái 10/04/2025 09:02

Nhà đầu tư nên chọn cổ phiếu tốt, chiết khấu sâu thay vì cố bắt đáy; chấp nhận giảm ngắn hạn để đón phục hồi khi thị trường ổn định.

Khó xác định phiên ‘tạo đáy’

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang trải qua nhịp sụt giảm mạnh bởi chính sách Thuế quan của Mỹ. Chỉ trong vòng 4 phiên giao dịch từ khi Tổng thống Trump công bố mức thuế, VN-Index đã đánh mất 224 điểm, tương ứng giảm gần 17%.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng phân tích & Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Agribank (AGR)
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng phân tích & Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Agribank

Trao đổi với Kinh tế Chứng khoán Việt Nam, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng phân tích & Nghiên cứu CTCK Agribank (AGR) cho rằng, đây là mức giảm rất mạnh của thị trường trong thời gian ngắn, nhiều cổ phiếu cũng đã giảm sàn liên tục nhiều phiên giao dịch. Tuy nhiên sẽ rất khó để xác định chính xác phiên tạo đáy của thị trường bởi những biến động trong ngắn hạn phụ thuộc nhiều vào tâm lý hành vi của nhà đầu tư. Thay vào đó, có thể xác định vùng đáy của thị trường dựa vào mặt bằng định giá. Hiện tại, VN-Index đang giao dịch với P/E 10,8x, gần với mức P/E thấp nhất sau nhịp sụt giảm do đại dịch Covid năm 2020 và cuộc khủng hoảng trái phiếu năm 2022.

“Bởi vậy tôi cho rằng thị trường đang tiến đến vùng đáy xét về định giá. Trong bối cảnh bất định như hiện nay cộng hưởng với hiệu ứng call margin diễn ra trên diện rộng, VN-Index có thể tiếp tục biến động mạnh với các phiên giao dịch mà biên độ điểm số trong phiên sẽ rất lớn”, ông Khoa nhận định.

Trong bối cảnh bất định như hiện nay, theo ông Nguyễn Anh Khoa, nhà đầu tư cần bình tĩnh để đưa ra hướng xử lý cho danh mục hiện tại và đánh giá kỹ lưỡng trước khi lựa chọn cổ phiếu giải ngân mới. Ngoài ra nhà đầu tư cũng không nên kỳ vọng mua được đúng đáy của cổ phiếu, thay vào đó nên tìm ra các cổ phiếu tốt có mức chiết khấu sâu đưa định giá về vùng hấp dẫn, chấp nhận việc cổ phiếu đó có thể tiếp tục giảm thêm nhưng sẽ nhanh chóng phục hồi khi thị trường bình ổn trở lại.

Nhịp giảm mạnh của thị trường sẽ mở ra cơ hội cho nhà đầu tư mua được những cổ phiếu tốt ở vùng giá chiết khấu. Trong đó, ưu tiên các cổ phiếu bluechips không bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan nhưng cũng giảm mạnh cùng với đà giảm chung của thị trường.

Góc nhìn trung dài hạn, triển vọng của một số nhóm ngành vốn được xem là động lực của nền kinh tế và duy trì tăng trưởng trong dài hạn như nhóm ngành xuất khẩu (Thủy sản, Dệt may, Đồ gỗ), ngành Cảng biển, ngành KCN sẽ giảm đi sức hấp dẫn. Ngược lại, các nhóm ngành không bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan và xu hướng bảo hộ như ngành Ngân hàng, BĐS, Xây dựng, Bán lẻ, Công nghệ sẽ được đẩy mạnh để thay thế động lực tăng trưởng cũ.

Diễn biến thị trường sau mỗi sự kiện ‘thiên nga đen’

Theo phân tích của chuyên gia Nguyễn Anh Khoa, TTCK Việt Nam sau những lần giảm sâu bởi một sự kiện “thiên nga đen” thường xuất hiện nhịp phục hồi kỹ thuật và giao dịch giằng co cho đến khi thị trường có đủ thời gian và dữ kiện để đánh giá về mức độ tác động. Mỗi nhịp sụt giảm diễn ra bởi nguyên nhân khác nhau và trong bối cảnh khác nhau. Ở lần giảm sâu này, nguyên nhân đến từ mức thuế 46% cao hơn nhiều kỳ vọng của thị trường, qua đó ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư. TTCK có thể chiết khấu sâu trong ngắn hạn, bất chấp các nhóm ngành có ảnh hưởng trực tiếp bởi thuế quan hay không.

chungkhoan.jpg
Nhà đầu tư cần bình tĩnh, không nên kỳ vọng bắt đáy cổ phiếu

Giống như giai đoạn 2018-2019 khi thương chiến 1.0 bắt đầu, TTCK toàn cầu đã giảm mạnh khoảng 20% bao gồm cả TTCK Việt Nam, mặc dù Việt Nam là quốc gia hưởng lợi trong giai đoạn đó. Vậy nên hiệu ứng tâm lý tiêu cực trong giai đoạn hiện tại có thể còn lớn hơn nhiều bởi Việt Nam là một trong các quốc gia chịu tác động lớn nhất. Tuy nhiên, mặt bằng định giá hiện tại lại thấp hơn nhiều so với giai đoạn thương chiến 1.0 diễn ra. Nên mức độ sụt giảm có thể mạnh trong ngắn hạn nhưng sẽ có nhịp phục hồi rất nhanh sau đó.

Ngoài ra, khả năng phục hồi của thị trường sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến đàm phán của Chính phủ 2 nước về mức thuế áp dụng. Trong kịch bản tích cực, mức thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể được điều chỉnh giảm về khoảng 20% hoặc thấp hơn. Cơ sở cho kịch bản là có khi Tổng thống Trump vẫn để ngỏ khả năng đàm phán và sẵn sàng hạ mức thuế nếu có một đề nghị đủ sức hấp dẫn.

Mỹ áp thuế 125% lên Trung Quốc, TTCK Việt Nam tiềm ẩn rủi ro nào?

Theo chuyên gia Nguyễn Anh Khoa, việc Mỹ hoãn áp thuế 90 ngày lên tất cả các quốc gia giúp cởi bỏ tâm lý cho nhà đầu tư trên khắp các thị trường trên thế giới. Tại Mỹ, TTCK nước này đã trải qua phiên giao dịch bùng nổ với chỉ số S&P tăng 9,52%, Dowjones tăng 7,87% và Nasdaq Composite tăng 12,16%, đây là mức tăng mạnh nhất trong 25 năm trở lại đây kể từ thời bong bóng Dot-com.

"Tôi cho rằng thông tin hoãn áp thuế trên cũng sẽ giúp TTCK Việt Nam phục hồi mạnh mẽ bởi áp lực tâm lý lớn đã được cởi bỏ, đồng thời nền định giá của thị trường và nhiều cổ phiếu đã về vùng hấp dẫn", ông Khoa phân tích.

Chiến tranh thương mại Mỹ–Trung còn tiềm ẩn rủi ro nếu Mỹ áp thuế 125%, Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, đẩy hàng giá rẻ sang Việt Nam cạnh tranh trực tiếp.

Mặc dù hoãn áp thuế đối với các quốc gia khác nhưng Mỹ đã tăng mức thuế đối với Trung Quốc lên 125% và mức thuế trên sẽ được áp dụng ngay lập tức. Ông Khoa nhận định, cuộc chiến thương mại, trong đó việc leo thang áp thuế quan thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế và TTCK Việt Nam. Trong đó có rủi ro về việc Trung Quốc có thể phá giá đồng Nhân dân tệ và chuyển hướng thị trường xuất khẩu để giảm tác động từ thuế quan của Mỹ.

Khi đó, hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc sẽ cạnh tranh trực tiếp với các quốc gia khác như Việt Nam, ảnh hưởng đến khả năng cạnh của các doanh nghiệp nội địa.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Góc nhìn chuyên gia: Mỹ tăng mức thuế đối ứng với Trung Quốc lên 125% tiềm ẩn những rủi ro gì?
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO