Giống quả đặc sản rớt giá suốt 4 năm trời, nông dân Thái Nguyên tìm ra "công thức đặc biệt" giúp thu về hàng trăm triệu đồng/vụ
Nhờ áp dụng các mô hình sản xuất sáng tạo, nhiều nông dân Tràng Xá đã vượt qua khó khăn và nâng cao hiệu quả kinh tế trên chính mảnh đất quê hương.
Tìm hướng đi mới trên chính mảnh vườn quê hương
Khoảng 4 năm trở lại đây, giá cả bấp bênh và thời tiết không thuận lợi đã khiến người trồng bưởi Diễn ở xã Tràng Xá (huyện Võ Nhai, Thái Nguyên) gặp không ít khó khăn. Thay vì chặt bỏ để chuyển sang cây trồng khác, nhiều nông dân nơi đây đã chủ động tìm kiếm giải pháp mới, sáng tạo trên chính những vườn bưởi Diễn để duy trì thu nhập và giữ vững diện tích canh tác.

Gần 10 năm trước, ông Nguyễn Văn Tôn (ở xóm Là Đông) đã đưa 150 cây bưởi Diễn về trồng trên đất vườn của gia đình. Sau 3 năm chăm sóc, vườn bưởi bắt đầu cho quả, đạt chất lượng tốt. Đỉnh điểm là năm 2019, mỗi cây bưởi mang lại cho gia đình ông Tôn lợi nhuận lên đến 2 triệu đồng – thời kỳ hoàng kim của bưởi Diễn Tràng Xá.
Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, khi phong trào trồng bưởi lan rộng, sản lượng tăng mạnh nhưng thị trường tiêu thụ lại bấp bênh. Giá bán bưởi xuống thấp, chỉ còn trung bình 2.000 đồng/quả. Gia đình ông Tôn và nhiều hộ dân khác rơi vào cảnh thu không đủ bù chi.
Không cam chịu thất bại, ông Tôn đã có quyết định táo bạo. Thay vì phá bỏ, ông giữ lại vườn bưởi đồng thời tận dụng khoảng trống để trồng xen canh 150 cây mít làm cây công trình và thêm cây bí đỏ. Nhờ đó, chỉ sau 3 năm, ông thu được lứa mít đầu tiên với giá 500.000 đồng/cây, cùng với đó là khoản thu nhập ổn định khoảng 20 triệu đồng mỗi năm từ bí đỏ.
“Những gốc bưởi nhiều năm tuổi, gốc to, rễ khỏe, bỏ đi thì rất lãng phí. Tôi trồng xen thêm cây khác để vừa duy trì thu nhập, vừa giữ được bóng mát, màu xanh cho khu vườn,” ông Tôn chia sẻ.
Ghép chanh tứ quý vào bưởi Diễn – Sáng kiến mang lại hiệu quả kinh tế cao
Không dừng lại ở trồng xen canh, nhiều nông dân xã Tràng Xá còn chủ động tìm tòi mô hình ghép giống cây ăn quả khác lên thân bưởi Diễn. Một trong những người tiên phong là anh Lương Viết Đức, xóm Cầu Nhọ.

Nhận thấy mô hình ghép chanh tứ quý vào cây bưởi mang lại giá trị kinh tế cao ở huyện Hàm Yên (Tuyên Quang), năm 2023, anh Đức đã mạnh dạn áp dụng. Anh thuê người ghép 20.000 mắt chanh tứ quý vào 1.000 cây bưởi Diễn, trong đó 300 cây là của gia đình, còn lại liên kết cùng bà con trong vùng.
Dự kiến cuối năm 2024 có thể thu lứa chanh đầu tiên, nhưng do ảnh hưởng của bão, việc thu hoạch lùi lại sang năm 2025. Dù vậy, chỉ từ đầu năm nay, mỗi cây ghép đã cho thu hoạch từ 10 – 20 kg quả, với giá bán trên 20.000 đồng/kg. Nếu thời tiết thuận lợi, sản lượng có thể lên tới 3 tạ quả mỗi cây, mang lại lợi nhuận khoảng 6 triệu đồng/cây sau khi trừ chi phí.
Anh Đức cho biết: “Phương pháp này không chỉ giúp tận dụng gốc bưởi Diễn mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu thị trường hiện nay.”
Giữ lại màu xanh vườn bưởi, phát triển kinh tế bền vững
Mô hình xen canh cây ăn quả, trồng cây công trình và ghép giống cây có múi trên thân bưởi Diễn đang ngày càng được bà con Tràng Xá nhân rộng. Theo ông Nông Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Tràng Xá, dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng người dân địa phương vẫn kiên trì giữ gìn vườn bưởi Diễn, một phần không nhỏ nhờ những giải pháp sáng tạo nói trên.
Đến nay, tổng diện tích bưởi toàn xã vẫn duy trì khoảng 285 ha, chỉ giảm nhẹ so với giai đoạn đỉnh cao năm 2018 – 2019. Năm 2024, bình quân một héc-ta bưởi mang lại thu nhập từ 100 – 150 triệu đồng, cho thấy hiệu quả kinh tế vẫn được đảm bảo nếu biết áp dụng các mô hình canh tác linh hoạt.
Những vườn bưởi Diễn xanh mướt tiếp tục được gìn giữ, không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường và duy trì bản sắc nông nghiệp truyền