Góc nhìn

Giới phân tích nói gì về đà hồi phục của chứng khoán Việt Nam?

Đức Anh 11/04/2025 12:41

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang phục hồi ấn tượng sau cú điều chỉnh mạnh, với dòng tiền trở lại. Giới phân tích đánh giá, đà tăng hiện tại là hợp lý, nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro từ căng thẳng thương mại Mỹ–Trung.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục duy trì đà phục hồi ấn tượng trong phiên sáng ngày 11/4, khi sắc xanh lan tỏa rộng khắp và củng cố thêm niềm tin cho nhà đầu tư sau cú đảo chiều bất ngờ trước đó. VN-Index bứt phá mạnh mẽ, tăng 28,53 điểm tương đương 2,44% lên mức 1.196,87 điểm. Thanh khoản toàn sàn bùng nổ, đạt hơn 17.443 tỷ đồng chỉ trong nửa phiên, với hơn 770 triệu cổ phiếu được sang tay – minh chứng rõ nét cho sự trở lại đầy khí thế của dòng tiền.

vnindex_2025-04-11_10-31-39.png
Diễn biến chỉ số VN-Index

Trong khi đó, HNX-Index cũng giữ được sắc xanh khi tăng 0,5% lên 209,36 điểm, dù sàn UPCoM ghi nhận điều chỉnh nhẹ, giảm 0,56 điểm về mức 92,28 điểm.

Theo bộ phận phân tích của Chứng khoán Pinetree, diễn biến hồi phục của thị trường là hoàn toàn dễ hiểu khi các yếu tố tiêu cực – đặc biệt là thông tin liên quan đến chính sách thuế quan của Mỹ – đã được phản ánh triệt để vào giá cổ phiếu trước đó. Việc Tổng thống Donald Trump bất ngờ công bố hoãn áp thuế trong vòng 90 ngày đối với 75 đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam, không chỉ vượt ngoài dự đoán của giới đầu tư mà còn là cú hích tâm lý cực mạnh trong bối cảnh thị trường vừa trải qua một giai đoạn điều chỉnh dữ dội.

Khác với các lần thị trường lao dốc vì yếu tố khách quan như đại dịch Covid-19 (tháng 3/2020) hay sự kiện Vạn Thịnh Phát (tháng 10/2022), đợt giảm điểm lần này lại bắt nguồn từ yếu tố chính sách – tức là hoàn toàn có thể thay đổi theo quyết định con người. Do đó, sự phục hồi lần này được kỳ vọng sẽ có tốc độ nhanh và mạnh tương đương nhịp điều chỉnh vừa qua.

Pinetree nhận định, sự hưng phấn đang lan rộng khắp thị trường, bao trùm mọi nhóm ngành. Hầu hết cổ phiếu đều đang ở vùng quá bán và đợt hồi phục này nhiều khả năng sẽ kéo dài thêm ít nhất 2-3 phiên nữa. Dòng tiền hiện đang chuyển dịch mạnh về các cổ phiếu đầu ngành có yếu tố cơ bản tốt, thay vì chỉ tập trung vào những mã có "câu chuyện" mang tính đầu cơ. Vùng kháng cự ngắn hạn của thị trường được xác định quanh ngưỡng 1.250–1.270 điểm.

Dù tâm lý nhà đầu tư đã phần nào được cởi trói, rủi ro vẫn chưa hoàn toàn biến mất khi căng thẳng thương mại Mỹ–Trung còn âm ỉ. Vì vậy, Pinetree khuyến nghị nhà đầu tư nên tập trung vào nhóm ngành ít chịu tác động từ xuất khẩu, như ngân hàng, tiêu dùng, đầu tư công và chứng khoán.

Cùng góc nhìn thận trọng, bà Trần Thị Khánh Hiền – Giám đốc Khối phân tích Chứng khoán MB (MBS), cảnh báo rằng việc Mỹ tăng thuế với Trung Quốc có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa sâu rộng đến các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam với độ mở cao sẽ phải đối mặt với không ít thách thức nếu dòng chảy thương mại toàn cầu bị gián đoạn.

Bà Hiền cho rằng, trong ngắn hạn, một số doanh nghiệp Việt có thể hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển đơn hàng khỏi Trung Quố, một hiện tượng từng xuất hiện trong giai đoạn chiến tranh thương mại 2018–2020. Tuy nhiên, về dài hạn, nếu Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ hoặc tăng tốc xuất khẩu hàng tồn kho, áp lực cạnh tranh lên hàng hóa Việt Nam sẽ gia tăng đáng kể, đặc biệt ở các lĩnh vực dệt may, gỗ, điện tử, thép và thực phẩm chế biến.

Về khía cạnh thị trường chứng khoán, dòng vốn ngoại có thể trở nên thận trọng hơn hoặc thậm chí rút ròng nếu căng thẳng thương mại leo thang, ảnh hưởng đến thanh khoản và định giá thị trường. Trong bối cảnh này, kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu cũng có thể bị điều chỉnh giảm nếu phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc.

Dẫu vậy, bà Hiền đánh giá thị trường Việt Nam hiện có định giá hấp dẫn với hệ số P/E dao động quanh mốc 10 lần – thấp hơn trung bình lịch sử và so với nhiều thị trường trong khu vực. Đây chính là cơ hội để các nhà đầu tư trung – dài hạn tích lũy cổ phiếu tốt ở vùng giá chiết khấu. Tuy nhiên, việc đầu tư đòi hỏi sự chọn lọc kỹ lưỡng, kiên nhẫn và luôn theo sát diễn biến chính sách toàn cầu để kịp thời điều chỉnh chiến lược danh mục phù hợp với bối cảnh mới.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Giới phân tích nói gì về đà hồi phục của chứng khoán Việt Nam?
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO