Giãn nợ theo Thông tư 01: Ngân hàng "nuôi con nợ" để thu hồi nợ

Cập nhật: 15:08 | 16/09/2020 Theo dõi KTCK trên

Đẩy mạnh tái cơ cấu, giãn nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN khiến các ngân hàng buộc phải đưa ra những giải pháp tình thế.

0417-thongtu01
Theo Fiin Group, lợi nhuận ròng của các ngân hàng niêm yết sẽ giảm khoảng 11,9% trong năm 2020

Tổng Giám đốc một ngân hàng cổ phần quy mô lớn cho hay, việc tái cơ cấu, giãn nợ cũng như giảm lãi vay mới cho khách hàng buộc nhà băng này phải cắt giảm đến 3.000-4.000 tỷ đồng lợi nhuận. Nhưng nếu không hy sinh lợi nhuận để “chia khó” cùng khách hàng trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19, người thiệt thòi cũng sẽ là ngân hàng. Bởi khi doanh nghiệp khó khăn, mất khả năng trả nợ sẽ khiến nợ xấu tăng, kéo dự phòng rủi ro đi lên và hệ quả là lợi nhuận giảm. Vì thế, việc ngân hàng “nuôi” con nợ để thu hồi nợ được xem là giải pháp phù hợp lúc này.

Theo quy định của Thông tư 01, các ngân hàng được phép cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng đến hết tháng 9/2020. Trong thời gian tái cơ cấu, giãn nợ, ngân hàng không được thu lãi dự thu của khách hàng. Đây cũng là lý do quan trọng khiến lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2020 của nhiều ngân hàng sụt giảm so với cùng kỳ 2019.

Một số ngân hàng cho biết đã hoàn thành gần 50% kế hoạch lợi nhuận đưa ra cho cả năm nay, nhưng cũng không ít nhà băng chỉ mới đạt được khoảng 20-30% do chưa được thu lãi dự thu. Các nhà băng này kỳ vọng lợi nhuận sẽ được cải thiện sau giai đoạn tái cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19, dự kiến là sau tháng 9/2020.

Sau giai đoạn này, khách hàng bắt đầu trả lãi và gốc cho ngân hàng, thay vì ngân hàng phải thoái lãi dự thu hoàn toán 6 tháng qua, nên lợi nhuận ghi nhận mức thấp. Thế nhưng, theo lãnh đạo các ngân hàng, nợ xấu đang có dấu hiệu tăng còn nhiều khách hàng gặp khó do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên buộc ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro. Bức tranh này sẽ rõ nét hơn vào cuối quý III/2020 nếu không gia hạn Thông tư 01.

Tại Sacombank, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nợ xấu 6 tháng đầu năm 2020 tăng 712 tỷ đồng so với hồi đầu năm, tỷ lệ nợ xấu tăng 0,12% so với thời điểm 31/12/2019, hiện ở mức 1,89%. Theo bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank, tình hình dịch bệnh trên thế giới còn diễn tiến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế trong nước, nên dự kiến nợ xấu Ngân hàng có thể tiếp tục tăng.

“Dù vậy, bằng mọi biện pháp từ quản lý chất lượng tín dụng đến công tác giám sát thu hồi nợ, Sacombank sẽ kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới mức 2% trong năm nay. Mục tiêu lợi nhuận năm 2020 của Ngân hàng giảm 20% so với năm 2019 do việc tái cơ cấu, giãn nợ làm giảm khoảng 2.000 tỷ đồng lợi nhuận”, bà Diễm thông tin.

7 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Sacombank ước đạt khoảng 1.600 tỷ đồng, vượt 5% so với tiến độ và hoàn thành 63% kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận bán niên của Sacombank vẫn giảm.

Thực tế cho thấy, để chia sẻ khó khăn cho khách hàng, đồng thời cứu chính mình, các ngân hàng phải đẩy mạnh tái cơ cấu nợ cho khách hàng, tức là phải hy sinh lợi nhuận để kiểm soát được rủi ro. Ngoài Sacombank, các ngân hàng VietinBank và Vietcombank cũng giảm lần lượt 3.000 tỷ đồng và 2.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế để tái cơ cấu nợ cho khách hàng ảnh hưởng dịch.

MSB tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường

Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) vừa thông báo sẽ họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2020 kèm theo tài liệu họp. Cuộc họp dự kiến ...

Nghị định “xoay” chóng mặt, ngân hàng không kịp trở tay

Khi chưa tính toán hết được mức độ thiệt hại liên quan đến vấn đề định đoạt room vốn ngoại của doanh nghiệp, Bộ Tài ...

Lãi suất ngân hàng nào cao nhất tháng 9/2020?

Bước sang tháng 9, các ngân hàng đều có những điều chỉnh tăng giảm khác nhau tại tùy từng kì hạn gửi. Trong đó, mức ...

Linh Đan