Giảm phí dịch vụ ngân hàng – Cơ hội tích cực cho việc giữ chân khách hàng

Cập nhật: 10:40 | 09/10/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN – Việc các NHTM giảm các loại phí giao dịch chuyển tiền, thanh toán và các giao dịch thẻ có tác động rất tích cực đến việc giữ chân khách hàng cũ và khai thác lợi thế cạnh tranh thông qua nguồn tiền gửi không kỳ hạn tại các NHTM...

giam phi dich vu ngan hang co hoi tich cuc cho viec giu chan khach hang

NAPAS không thu phí dịch vụ cho các ngân hàng

giam phi dich vu ngan hang co hoi tich cuc cho viec giu chan khach hang

Sẽ giảm từ 47% - 80% biểu phí dịch vụ ngân hàng

giam phi dich vu ngan hang co hoi tich cuc cho viec giu chan khach hang

Maritime Bank điều chỉnh phí dịch vụ ngân hàng giao dịch tháng 10

Theo đó, nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ thanh toán, thúc đẩy mạnh mẽ thanh toán không dùng tiền mặt, Napas tiếp tục giảm phí dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử cho các giao dịch trên ATM và giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7.

Cụ thể, Napas giảm 13% đối với phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7 đối với tổ chức phát lệnh; giảm tương ứng 70% và 100% phí dịch vụ các giao dịch rút tiền trên ATM cho tổ chức phát hành, tổ chức thanh toán. Và không thu phí dịch vụ (mức thu bằng 0 đồng) tương đương giảm 100% phí dịch vụ chuyển khoản nội bộ và các giao dịch phi tài chính gồm: vấn tin, in sao kê, đổi pin cho tổ chức thành viên Napas.

Không chỉ vậy, từ nay đến cuối năm, Napas cũng tiếp tục triển khai chương trình khuyến mại giảm 50% phí dịch vụ đối với các giao dịch trên ATM và các giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng 24/7, áp dụng cho tất cả các tổ chức thành viên Napas.

Việc Napas chủ động giảm phí dịch vụ giao dịch chuyển tiền và giao dịch ATM được hầu hết các NHTM đánh giá là phù hợp và hỗ trợ tốt cho các TCTD trong bối cảnh các ngân hàng vừa phải cố gắng tiết giảm chi phí hoạt động, song vẫn phải gia tăng khuyến mại giảm phí dịch vụ để giữ chân, hỗ trợ khách hàng trong mùa kinh doanh cuối năm.

giam phi dich vu ngan hang co hoi tich cuc cho viec giu chan khach hang
Ảnh minh họa

Ở phía Techcombank, việc Napas giảm phí dịch vụ cũng mang đến các hiệu ứng tương tự. Theo đó, từ đầu năm 2019 ngân hàng này đã thực hiện miễn nhiều loại phí giao dịch chuyển tiền trong và ngoài hệ thống kết hợp với chương trình hoàn tiền 1% cho khách hàng thanh toán bằng thẻ ghi nợ. Nay được Napas hỗ trợ giảm các loại phí, đơn vị này sẽ có cơ sở để tiếp tục các chương trình khuyến mại, gia tăng tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn trong cơ cấu huy động.

Theo ghi nhận của Napas, sau một tuần đơn vị này giảm các loại phí dịch vụ cho các NHTM, hiện đã có hơn 10 ngân hàng áp dụng giảm các loại phí giao dịch chuyển tiền và giao dịch ATM cho khách hàng. Cụ thể, các ngân hàng Techcombank và SeABank hiện đã miễn phí chuyển tiền liên ngân hàng. VPBank đã miễn phí chuyển tiền qua internet banking; TPBank, BaoVietBank, KienlongBank đã miễn phí chuyển tiền nội mạng thông qua ATM; ACB, Sacombank miễn phí chuyển tiền nội mạng nếu chuyển cùng tỉnh mở tài khoản.

Từ góc độ thị trường có thể thấy thời điểm hiện nay là thời điểm các doanh nghiệp, người dân bắt đầu tập trung luân chuyển dòng vốn phục vụ các đơn hàng sản xuất – kinh doanh dịp cuối năm. Vì vậy, việc các NHTM giảm các loại phí giao dịch chuyển tiền, thanh toán và các giao dịch thẻ trong những tháng này có tác động rất tích cực đến việc giữ chân khách hàng cũ và khai thác lợi thế cạnh tranh thông qua nguồn tiền gửi không kỳ hạn tại các NHTM.

Quan sát cho thấy, hiện nay chiến lược sử dụng các hình thức khuyến mại, ưu đãi về mức phí giao dịch đang được hàng loạt các NHTM như: Techcombank, Vietcombank, VPBank, MB, ACB… áp dụng để gia tăng tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn. Hiện làn sóng miễn, giảm các loại phí dịch vụ bắt đầu có sự lan tỏa khá nhanh tại nhóm các NHTMCP.

Chính vì vậy, từ phía người sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng thì trong các tháng tới áp lực về chi phí giao dịch sẽ được giảm nhẹ. Nhất là khi các NHTM có nhiều dư địa để cắt giảm chi phí hoạt động, bởi hiện nay ngoài “phần quà” đến từ Napas, Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) cũng đã giảm mạnh phí cung cấp báo cáo thông tin tín dụng và NHNN cũng đã giảm 0,25% các mức lãi suất điều hành.

Trong khi đó, CIC cũng vừa quyết định giảm giá các sản phẩm thông tin tín dụng. Giá các sản phẩm thông tin tín dụng có mức giảm trung bình 15% so với hiện hành. Đây là lần thứ 2 trong năm nay, CIC thực hiện giảm giá sản phẩm dịch vụ.

Đặc biệt, CIC vẫn tiếp tục duy trì chính sách ưu đãi với một số tổ chức như: Quỹ Tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô khi áp dụng mức giá bằng 20% so với mức giá sản phẩm tương ứng cung cấp cho tổ chức tín dụng; Ngân hàng Chính sách xã hội được áp dụng mức giá bằng 50% so với mức giá sản phẩm dịch vụ tương ứng cung cấp cho tổ chức tín dụng.

Theo CIC, động thái giảm giá này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm chi phí đầu vào, giúp ngân hàng đẩy mạnh hơn việc tra soát thông tin tín dụng của khách hàng vay nhằm hỗ trợ hoạt động tín dụng, quản trị rủi ro tín dụng, quản trị danh mục khách hàng vay, góp phần giảm rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

Hồi giữa tháng 9, Ngân hàng Nhà nước cũng điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành để tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ nền kinh tế và thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng, trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương các nước liên tục cắt giảm lãi suất.

Theo các chuyên gia, việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành và CIC, Napas điều chỉnh giảm phí dịch vụ giúp các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí đầu vào, từ đó có thêm cơ hội giảm lãi suất cho vay.

Thu Hoài