Giải quyết tranh chấp tín dụng bằng trọng tài: Vẫn còn chờ

Cập nhật: 11:40 | 22/08/2018 Theo dõi KTCK trên

Việc giải quyết bằng trọng tài là phù hợp với các tranh chấp tín dụng hiện đại vì về cơ bản các tranh chấp này là không phức tạp. Trong khi đó, ưu thế của phương pháp giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, đó là nhanh, gọn và kín đáo...  

van con cho
Nhiều ngân hàng cũng rất muốn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.

Trong một Hội thảo của Hiệp hội Ngân hàng vừa tổ chức tại TP.HCM liên quan đến nội dung lựa chọn giải pháp giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng. Đại diện ngân hàng ACB nói rằng, ông biết và rất quan tâm đến hình thức hòa giải trọng tài từ nhiều kênh. Trong quá trình xử lý nợ tại ACB, đại diện ngân hàng này cũng muốn đưa giải pháp này vào các hợp đồng tín dụng như một công cụ hữu ích cho quá trình xử lý nợ phát sinh trong tương lai. Tuy nhiên, giải pháp trọng tài mới chỉ dừng lại ở lý thuyết, khi áp dụng vào thực tế còn rất nhiều vướng mắc, nếu không nói là khó thực thi. Thế nên, đến thời điểm này, phần lớn các ngân hàng vẫn phải chọn kênh truyền thống là tòa án để giải quyết các sự vụ tranh chấp tín dụng.

Đại diện ACB đưa ra một thực trạng, quy định luật pháp phải đưa điều khoản trọng tài vào ngay từ đầu khi ký hợp đồng tín dụng và hợp đồng bảo đảm, đến khi có tranh chấp xảy ra, khi đó trọng tài mới có thể tham gia hòa giải. Trong khi, hợp đồng tín dụng được bộ phận pháp chế của từng ngân hàng soạn thảo sẵn, đảm bảo đúng với quy trình NHNN. Tín dụng viên không thể tự ý đưa bất kỳ điều khoản nào vào khi lập hợp đồng tín dụng. Một yếu tố nữa là phí trọng tài cũng cao hơn so với tòa án nên việc lựa chọn giải pháp trọng tài cũng không thể do một hai người có thể quyết định.

Đại diện của Eximbank (chi nhánh quận 4 - TP.HCM) nói rằng, đối với bộ phận xử lý nợ thì ai cũng hiểu trọng tài là giải pháp tốt và hiệu quả trong việc giải quyết tranh chấp. Thế nhưng, ngoài việc khó đưa điều khoản trọng tài vào ngay từ thời điểm lập hợp đồng tín dụng thì quy định của trọng tài là không giải quyết các sự vụ liên quan đến cá nhân. Trong khi đó, nhiều hợp đồng tín dụng của ngân hàng ký kết với cá nhân, khoản vay nhỏ lẻ… Hay các trường hợp khách hàng ký hợp đồng tín dụng nhưng không phải là chủ tài sản trên hợp đồng bảo đảm. Sự lắt léo trong từng khâu khiến nhu cầu của các bên chưa thể gặp nhau.

Thừa nhận điều này, ông Đỗ Văn Đại - Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Phó giám đốc thường trực Trung tâm hòa giải Việt Nam (VMC) cho hay, qua khảo sát trên 100 lãnh đạo tài chính trong và ngoài nước thì có đến 70% DN muốn lựa chọn hình thức hòa giải trọng tài để giải quyết tranh chấp thay vì đưa nhau ra tòa. Những người được khảo sát cũng đồng ý phương thức trọng tài hòa giải là hữu ích cho ngân hàng. Thế nhưng điểm đáng tiếc là tới nay vẫn không có nhiều ngân hàng lựa chọn giải pháp này để giải quyết tranh chấp tín dụng.

Theo số liệu thống kê trong khoảng thời gian từ tháng 10/2016 đến hết tháng 9/2017, có đến 10.000 vụ việc thương mại tại tòa án cấp cơ sở. Trong đó, 35,75% số vụ tranh chấp tại tòa liên quan đến đầu tư, tài chính; 20% liên quan đến hàng hóa, dịch vụ. Ngược lại, tại VIAC, tỷ lệ thống kê là 44% sự vụ rơi vào các vụ việc hàng hóa; 20% lĩnh vực xây dựng; còn lĩnh vực tài chính thì chưa tới 1%. Ông Đỗ Văn Đại thẳng thắn nhìn nhận, lý do lớn nhất mà 2 bên vẫn chưa gặp được nhau phải kể đến các quy định về Luật Thương mại và cả Trung tâm trọng tài cũng đang còn nhiều nhược điểm.

Thực tế, nhận thấy rằng việc giải quyết bằng trọng tài là phù hợp với các tranh chấp tín dụng hiện đại vì về cơ bản các tranh chấp này là không phức tạp. Trong khi đó, ưu thế của phương pháp giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, đó là nhanh, gọn và kín đáo. Điều này rất có ý nghĩa với hoạt động của ngân hàng, đáp ứng được tính bảo mật của khách hàng. Một đặc trưng nữa của việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là phán quyết trọng tài là chung thẩm. Trong khi nếu giải quyết tranh chấp tại tòa án, bản án sơ thẩm có thể bị phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm...

Hiện nay, Luật Trọng tài quy định “Hết thời hạn thi hành phán quyết trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài theo quy định tại Điều 69 của luật này, bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài”.

Trong một diễn biến mới nhất, Tổ chức Tài chính IFC mới đây đã có văn bản đến NHNN trình bày về những vướng mắc liên quan đến nội dung soạn thảo hợp đồng tín dụng có yếu tố trọng tài và đã được NHNN tiếp thu ý kiến và sẽ tiến hành sửa đổi quy trình lập hợp đồng trong thời gian sớm nhất.

Quỳnh Vũ

Theo Thoibaonganhang.vn