Giải mã những dấu hiệu cơ thể kêu cứu vì thiếu dinh dưỡng ở trẻ nhỏ
Dinh dưỡng không đầy đủ có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, gây lo âu, đau xương và cả nguy cơ béo phì ở trẻ.
Vì sao dinh dưỡng lại quan trọng với trẻ nhỏ?
Dinh dưỡng đóng vai trò nền tảng trong quá trình phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ. Trong giai đoạn đang lớn, cơ thể trẻ cần được cung cấp đầy đủ vi chất và khoáng chất thiết yếu để đạt được các cột mốc phát triển. Tuy nhiên, không ít trẻ hiện nay đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng do chế độ ăn không cân đối hoặc khả năng hấp thu kém.

Thiếu hụt dinh dưỡng xảy ra khi cơ thể không tiếp nhận đủ chất từ thức ăn, hoặc khi hệ tiêu hóa không thể hấp thụ chúng hiệu quả. Tình trạng này kéo dài có thể gây ra nhiều hệ lụy đến sức khỏe như mệt mỏi, kém miễn dịch, thậm chí ảnh hưởng đến sự phát triển trí não và hệ xương khớp.
Ba mẹ cần quan sát những biểu hiện bất thường ở trẻ để phát hiện kịp thời và điều chỉnh chế độ ăn uống hoặc bổ sung theo hướng dẫn của bác sĩ. Dưới đây là những dấu hiệu phổ biến cho thấy trẻ có thể đang bị thiếu hụt một hoặc nhiều dưỡng chất quan trọng.
Những biểu hiện thường gặp khi trẻ thiếu dinh dưỡng
1. Trẻ hay mệt mỏi, khó tập trung
Một trong những dấu hiệu sớm của việc thiếu sắt là cảm giác mệt mỏi kéo dài, hay quên, khó tập trung, đôi khi kèm theo hiện tượng gọi là “sương mù não”. Trẻ thường không có đủ năng lượng để học tập hoặc tham gia các hoạt động thể chất. Ngoài thịt nạc và rau xanh, các loại hạt và trái cây khô là nguồn cung cấp sắt tốt.
2. Hệ miễn dịch suy yếu, dễ mắc bệnh
Trẻ thường xuyên bị cảm, cúm, viêm họng hoặc các bệnh nhiễm trùng nhẹ khác có thể đang thiếu kẽm hoặc vitamin D – hai vi chất thiết yếu để duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh. Kẽm có nhiều trong hải sản như tôm, cua, hàu, trong khi vitamin D được tổng hợp từ ánh nắng mặt trời và có trong lòng đỏ trứng, cá hồi, nấm...
Việc biếng ăn cũng là biểu hiện thường thấy ở trẻ thiếu kẽm. Khi vị giác bị ảnh hưởng, trẻ mất cảm giác ngon miệng, dẫn đến vòng luẩn quẩn thiếu chất – kém ăn – càng thiếu chất.
3. Biểu hiện trên da và tóc
Khô da, tóc xơ xác, dễ gãy rụng có thể là dấu hiệu cơ thể trẻ thiếu hụt các vitamin tan trong chất béo như A, D, E và K. Những vitamin này không chỉ giúp da và tóc khỏe mạnh mà còn hỗ trợ thị lực, đông máu và hệ miễn dịch. Chế độ ăn có thêm dầu cá, sữa béo, bơ và rau củ màu vàng, cam là lựa chọn phù hợp.
4. Trẻ hay lo âu, dễ cáu gắt
Trạng thái tâm lý cũng phản ánh phần nào tình trạng dinh dưỡng của trẻ. Khi thiếu các vi chất cần thiết cho hoạt động não bộ, trẻ có thể dễ cáu gắt, hay lo âu hoặc xuất hiện các biểu hiện trầm cảm nhẹ. Protein chất lượng cao từ thịt, cá, trứng... cung cấp axit amin thiết yếu giúp cân bằng thần kinh và tâm trạng.
5. Đau nhức xương, chậm lớn
Không chỉ canxi, vitamin D cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển xương. Thiếu vitamin D khiến trẻ dễ bị đau xương, co rút cơ, chậm lớn và nguy cơ còi xương. Đây là một trong những thiếu hụt phổ biến nhất ở trẻ em hiện nay, nhất là ở những bé ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
6. Béo phì nhưng vẫn thiếu vi chất
Một nghịch lý phổ biến là trẻ có cân nặng vượt chuẩn nhưng vẫn thiếu dinh dưỡng. Việc ăn nhiều thực phẩm giàu năng lượng nhưng ít dưỡng chất (như đồ chiên rán, thức ăn nhanh) khiến trẻ thường xuyên đói, dẫn đến ăn nhiều hơn nhưng không cung cấp đủ vi chất cần thiết. Đây là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến béo phì, rối loạn chuyển hóa.
Làm gì khi trẻ có dấu hiệu thiếu hụt dinh dưỡng?
Khi nghi ngờ trẻ có dấu hiệu thiếu vi chất, phụ huynh nên đưa con đi khám dinh dưỡng để được đánh giá tình trạng cơ thể và có hướng bổ sung phù hợp. Việc tự ý dùng các loại thực phẩm chức năng mà không có chỉ định y tế có thể gây phản tác dụng, đặc biệt nếu liều lượng không đúng hoặc kéo dài thời gian sử dụng.
Điều quan trọng hơn cả là thiết lập cho trẻ một chế độ ăn cân đối, đa dạng nhóm thực phẩm, ưu tiên rau xanh, đạm chất lượng và các sản phẩm từ sữa. Đồng thời, khuyến khích trẻ vận động và duy trì giấc ngủ đủ, giúp quá trình trao đổi chất và hấp thụ dưỡng chất diễn ra hiệu quả hơn.