Giá xăng tiếp tục tăng, doanh nghiệp gọi xe làm gì để giữ chân tài xế?

Cập nhật: 11:40 | 14/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 cũng như vấn đề giá xăng liên tục tăng cao trong thời gian qua đã gây ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp gọi xe công nghệ đầu ngành, đặc biệt là trong vấn đề giữ chân các tài xế.

Áp lực từ giá nhiên liệu liên tục tăng

Trong hai năm đại dịch, các hãng xe công nghệ chịu ảnh hưởng lớn do nhu cầu đi lại sụt giảm. Thị trường dần phục hồi thì các doanh nghiệp này lại phải đối mặt với một vấn đề mới mang tên “giá nhiên liệu tăng”. Trước áp lực, đã có những đơn vị đầu tiên trên thị trường gọi xe thông báo tăng giá cước.

3840-doanh-nghiep-goi-xe
Ảnh minh họa.

Ở kỳ điều hành ngày 13/6, giá xăng E5RON92 tăng thêm 880 đồng/lít, từ mức 30.230 đồng/lít lên mức 31.110 đồng/lít. Xăng RON95-III tăng 800 đồng/lít, từ mức 31.570 đồng/lít lên mức 32.270 đồng/lít.

Dầu diesel tăng 2.630 đồng/lít, từ mức giá hiện nay 26.390 đồng/lít lên mức 29.020 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 2.490 đồng/lít, từ mức 25.340 đồng/lít tăng lên mức 27.830 đồng/lít. Dầu mazut giảm 550 đồng/ký, từ mức 20.900 đồng/ký xuống còn 20.350 đồng/ký.

Đầu tháng tháng 3, Grab là đơn vị đầu tiên đã thông báo tới các tài xế rằng công ty công nghệ này sẽ bắt đầu tăng cước phí dịch vụ từ ngày tại gần như tất cả các địa phương. Ngay sau đó, cả Gojek và Be cùng một số đơn vị khác cũng tiếp bước Grab, tăng giá cước cho các dịch vụ gọi xe hai bánh và 4 bánh. Dù vậy, mức tăng giá cước này được dự báo vẫn sẽ khó bắt kịp đà tăng của giá nhiên liệu.

Theo ông Tạ Long Hỷ, Phó Tổng Giám đốc thường trực Taxi Vinasun - Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM, việc tăng giá nhằm đảm bảo hài hòa về quyền lợi trong hoạt động kinh doanh và đảm bảo thu nhập cho người lao động.

Làm gì để giữ chân tài xế?

Trước những khó khăn kể trên, không ít tài xế công nghệ đã bỏ việc để tìm kiếm công việc khác. Điều này khiến các hãng xe phải tìm cách để giữ chân tài xế của mình.

Thực tế, ngoài việc tăng giá cước, một số hãng xe công nghệ đã thực hiện những điều chỉnh, đồng thời đưa ra những mức đãi ngộ mới để giữ chân người lao động.

Đơn cử như BeGroup quyết định hỗ trợ giảm chiết khấu 10% cho các tài xế beCar thân thiết tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, cũng như bổ sung nâng mức các chương trình hỗ trợ thu nhập lên đến 2 triệu đồng/tuần cho các tài xế của Be nói chung.

Theo Be, việc giảm chiết khấu với tài xế và không tăng giá cước là nỗ lực của hãng xe, nhằm san sẻ với đối tác, khách hàng trong bối cảnh chi phí xăng dầu tăng vọt trong thời gian qua.

Trong khi đó, phía Grab cũng tung ra nhiều chương trình ưu đãi giúp tài xế có thể yên tâm hơn khi làm việc tại công ty. Như từ tháng 6, Grab đã tiếp tục triển khai chương trình thưởng khi hoàn thành chuyến xe GrabCar trong khung giờ cao điểm. Theo miêu tả từ Grab, đây là chương trình được triển khai nhằm giúp các đối tác có cơ hội gia tăng thu nhập cùng công ty.

Ngoài ra, rất nhiều đơn vị khác cũng tung ra những chính sách mới, có thể là các chương trình ưu đãi hoặc các gói bảo hiểm,… nhằm mục đích giữ chân tài xế. Có thể nói, trong bối cảnh giá nhiên liệu liên tục tăng như hiện nay, các hãng gọi xe công nghệ đang nỗ lực để cân đối giữa việc tăng lợi nhuận và đảm bảo nguồn thu cho người lao động.

Giải pháp nào cho doanh nghiệp gọi xe trong nghịch cảnh?

Khi các hãng gọi xe không còn tạo được nhiều lợi nhuận từ gọi xe, hoặc thậm chí là lỗ nặng, thì họ hướng đến giải pháp là đa dạng hóa nguồn thu và không tập trung quá nhiều vào gọi xe thuần túy. Hay nói cách khác, những ứng dụng gọi xe lại phát triển ở các mảng không phải gọi xe.

Chẳng hạn ở Việt Nam, nhắc đến Grab hay Gojek là người ta nghĩ đến gọi xe. Thế nhưng trên thực tế, với Grab, từ hơn 2 năm nay gọi xe chỉ chiếm chưa đến một nửa tổng giá trị giao dịch. Vậy nên các hãng này đã chuyển mình thành các siêu ứng dụng, cung cấp rất nhiều dịch vụ khác nhau, ngoài gọi xe còn có giao đồ ăn, đi chợ hộ, bán vé sự kiện, giải trí cho đến đặt phòng du lịch.

Hoặc Uber ở Mỹ cũng tham gia vào nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống, từ giao đồ ăn đến thương mại điện tử. Hiện tại giao hàng chiếm một nửa tổng số lượt đặt trước của Uber trong quý 1 năm 2022.

Grab lỗ nặng hơn trong quý II/2021 bất chấp doanh thu tăng gấp đôi

Grab vừa công bố kết quả kinh doanh trong quý kết thúc vào 30/6/2021 (tức quý II/2021), mặc dù doanh thu tăng gấp đôi song ...

Gojek sắp ra mắt dịch vụ gọi xe ô tô tại Việt Nam

Hãng gọi xe công nghệ Gojek chuẩn bị ra mắt dịch vụ "4 bánh" và thanh toán không dùng tiền mặt.

Grab chiếm lĩnh thị phần gọi xe tại Việt Nam

TBCKVN - Grab chiếm tới 73% thị phần gọi xe qua ứng dụng tại Việt Nam, gấp gần 5 lần so với đối thủ đứng ...

Đức Chiến