Giá xăng tăng "chóng mặt", người dân đau đầu đối mặt với hàng loạt chi phí

Cập nhật: 11:39 | 06/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Sau nhiều phiên điều chỉnh tăng liên tiếp khiến cho đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, dự báo thời gian tới giá xăng tiếp tục tăng, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Mẫu xe máy giá rẻ, tiết kiệm xăng nhất ở Việt Nam hiện nay

Giá xăng dầu hôm nay 6/6/2022: Bật tăng mạnh

Những mẫu xe máy tiết kiệm xăng giá rẻ tầm 20 triệu đồng năm 2022

Theo các chuyên gia kinh tế, vốn dĩ là một nền kinh tế thị trường, Việt Nam khó có thể lạm dụng các biện pháp can thiệp quá mạnh của Nhà nước vào giá cả của xăng, dầu để duy trì giá xăng, dầu thấp hơn các nước xung quanh. Chúng ta đã từng chứng kiến nhiều lần xăng, dầu thẩm lậu qua biên giới khi Việt Nam cố gắng duy trì giá xăng, dầu thấp hơn giá thị trường chung. Đó là điểm bất hợp lý khi Nhà nước phải bỏ ra rất nhiều tiền, chấp nhận hụt thu khoản ngân sách rất lớn bằng việc cắt, giảm các loại thuế, phí liên quan để không ít cá nhân trong, ngoài nước trục lợi.

0753-xangtang
Ảnh minh họa

Xăng, dầu là mặt hàng phổ thông, là chi phí đầu vào của nhiều loại hàng hóa, nhưng chiếm phần rất nhỏ trong tổng chi phí sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu (trừ một số mặt hàng thực phẩm đặc biệt như hải sản đánh bắt xa bờ...). Ngược lại, xăng, dầu lại chiếm số tuyệt đối rất cao trong chi tiêu của người giàu (đi xe ô tô, chạy máy phát điện...) và là chi phí đầu vào của nhiều mặt hàng công nghiệp không phải là hàng thiết yếu, trong đó có những mặt hàng cao cấp phục vụ tầng lớp giàu trong xã hội.

Do vậy, nếu Nhà nước cố gắng duy trì mức giá xăng, dầu quá thấp thì người nghèo được hưởng lợi rất ít, còn tầng lớp giàu lại được hưởng lợi hơn rất nhiều. Đó là sự bất hợp lý trong phân bổ nguồn lực.

Giá xăng, dầu tăng không chỉ kéo theo chi phí sản xuất, kinh doanh hàng hóa tăng ở Việt Nam mà nó còn là vấn đề chung của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Khi Nhà nước duy trì giá xăng, dầu quá thấp, chi phí đầu vào sản xuất hàng hóa cũng sẽ thấp hơn các nước có cùng trình độ phát triển, dẫn tới giá cả hàng hóa thấp hơn. Điều này khiến cho hàng Việt Nam có nguy cơ bị kiện bán phá giá, bị áp mức thuế suất cao bất thường từ các thị trường lớn. Giá xăng, dầu thấp, trong trường hợp này lại gây hại rất lớn cho doanh nghiệp, người dân.

Do vậy, duy trì điều hành giá xăng, dầu theo thị trường có sự điều tiết nhẹ từ các biện pháp như nước ta đang thực hiện, quả thực là cách hợp lý nhất.

Xăng dầu trong nước tăng khiến cho mọi hoạt động đều khéo lên theo. Một số người dân chia sẻ:

Chị Dương Thị Minh Nguyệt- một người dân chia sẻ, chị thường đi xe máy vượt 35km từ nhà (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) để di chuyển đến chỗ làm ở một công ty tư nhân tại quận Hoàn Kiếm. Đọc được thông tin về việc giá xăng có thể tăng cao trong những ngày tới, chị tỏ ra lo ngại. "Giờ chấm công của mình là 8h30, mỗi ngày đi làm, tôi mất khoảng 1 tiếng đi xe từ nhà đến công ty. Đổ xăng trung bình 2-3 ngày/1 lần, có khi hôm trước hôm sau phải đổ vì công việc cần đi khảo sát thị trường, cửa hàng khá nhiều. Chi phí trung bình cho việc đi lại hiện tại là 1.500.000 đồng/tháng. Lạm phát nên mọi giá nguyên vật liệu đều tăng, giá xăng tăng thì nhiều, giảm thì ít, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu rất lớn. Với tình trạng giá xăng vẫn tiếp tục tăng như này thì rất khó cho những người đi làm xa như mình", chị Nguyệt than thở.

Anh Phạm Minh Đức (23 tuổi), đang sinh sống trên địa bàn phường Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: Cuối tháng 5 này, anh hết hạn hợp đồng thuê phòng trọ. Giờ anh muốn gia hạn hợp đồng thì được chủ trọ thông báo, giá phòng trọ đã tăng từ 2.000.000 đồng lên 2.300.000 đồng với căn phòng rộng 10m2. Bước vào mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điều hoà tăng cao, giá xăng tăng cùng các chi phí khác khiến anh đã phải "bóp ví" chi tiêu.

Xăng dầu là chi phí đầu vào của hầu hết ngành sản xuất hàng hoá và dịch vụ nên khi xăng tăng có tác động rất lớn đến mặt bằng giá cả thị trường. Nhiều gia đình đã sớm có kế hoạch mua ôtô ngay sau khi cuộc sống bước vào giai đoạn bình thường mới, nhưng kế hoạch vẫn chưa thể thực hiện do lo ngại nhiều chi phí phát sinh trong bối cảnh giá xăng dầu không có dấu hiệu giảm.

Sau nhiều phiên điều chỉnh xăng dầu, người dân dường như đã dự đoán được và có sự chuẩn bị về mặt tâm thế, “thắt chặt” trong chi tiêu. Một số hộ gia đình quyết định cắt giảm những khoản chi không cần thiết như: Du lịch gia đình, mua sắm quần áo, mua thực phẩm. Thay vào đó, sẽ thay đổi phương tiện đi lại, mua sắm thực phẩm, trang thiết bị đã lên kế hoạch sẵn từ trước.

Lạm phát leo thang, vẫn đang tìm cách giảm thuế xăng dầu

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước bình quân tăng 27,26% và tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài giá xăng dầu tăng cao, từ đầu năm đến nay giá gas cũng tăng gần 27%. Hiện xăng RON95 ở mức 31.570 đồng/lít. Tỷ trọng thuế chiếm 38% nên 1 lít xăng đang "cõng" hơn 11.700 đồng tiền thuế.

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân (đại biểu Quốc hội), hiện tại, thuế bảo vệ môi trường đã được giảm 50%, vẫn còn 50% nữa có thể sử dụng nếu diễn biến giá cả leo thang mạnh hơn. Ngoài ra, mức thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào xăng dầu là 10% vẫn chưa được sử dụng. “Bởi xăng dầu không còn là mặt hàng đặc biệt nữa mà là mặt hàng thiết yếu. Không có lý do gì chúng ta lại đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng. Các nước Thái Lan, Hàn Quốc, Ba Lan, Ấn Độ… cũng đã giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu”- PGS.TS Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, có thể xem xét giảm thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu. Hiện trong cơ cấu giá xăng, dầu cơ sở, mỗi lít xăng, dầu bán ra đang chịu 4 loại thuế gồm thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Ngoài các khoản thuế nêu trên, mỗi lít xăng còn phải cộng thêm chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, mức trích lập quỹ bình ổn và lợi nhuận của DN.

Bộ Tài chính cho biết, đang lấy ý kiến về phương án giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng động cơ không pha chì. Cụ thể, dự thảo đã đề xuất xin ý kiến phương án giảm thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với xăng động cơ không pha chì từ 20% xuống còn 12% nhằm góp phần giảm chi phí nhập khẩu xăng và đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu.

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội lo ngại giá xăng đã vượt 31.000 đồng và còn có thể tăng thêm nếu giá thế giới vẫn xu hướng đi lên, sẽ ảnh hưởng tới tiêu dùng, phục hồi kinh tế và lạm phát. Nguy cơ hơn nữa, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho các DN để hồi phục sau dịch bệnh mà Chính phủ vừa ban hành có thể bị vô hiệu hóa vì lạm phát.

Việc Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu xăng được các chuyên gia đánh giá là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, mức thuế nên giảm sâu hơn nữa mới thực sự phát huy hiệu quả. Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo nhận xét, việc giảm thuế MFN từ 20% xuống 12% vẫn chưa thực sự tạo sức hút cho các đơn vị kinh doanh xăng dầu tìm kiếm các thị trường mới.

Trước những khó khăn của người dân, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của toàn bộ cửa hàng kinh doanh, bán lẻ xăng dầu trên địa bàn Thành phố Hà Nội trước mỗi phiên điều chỉnh giá.

Đồng thời, xử lý nghiêm hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, các hành vi cố ý găm hàng chờ tăng giá, ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Thu Uyên (Tổng hợp)