Giá xăng dầu hôm nay 3/4/2024: Thế giới tăng cao, có thể tiến tới mức 100 USD/thùng

Cập nhật: 05:28 | 03/04/2024 Theo dõi KTCK trên

Ttrên thị trường thế giới, giá xăng dầu tăng nhẹ khi các dữ liệu kinh tế mới nhất tại Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đều ở mức tích cực, vượt dự báo của thị trường. Giá xăng dầu đi lên do nguồn cung có khả năng thắt chặt hơn và triển vọng nhu cầu cải thiện.

Giá xăng dầu hôm nay 1/4/2024: Xu hướng leo cao khi Nga tuyên bố cắt giảm sản lượng

Giá xăng dầu hôm nay 2/4/2024: Trượt dốc nhẹ

Cụ thể, giá dầu thô Brent đạt 87,42 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 83,87 USD/thùng. Trong đó, giá dầu thô WTI đang ở mức cao nhất trong vòng 5 tháng trở lại đây. Đà tăng của giá dầu thô hiện đang được củng cố khi dữ liệu cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp tại Mỹ trong tháng 3/2024 được mở rộng với tốc độ tăng mạnh nhất trong vòng 18 tháng trở lại đây.

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet

Theo dữ liệu chính thức được Chính phủ Trung Quốc công bố cho thấy, hoạt động sản xuất công nghiệp tại nước này trong tháng 3/2024 lần đầu tiên ghi nhận sự tăng trưởng trong vòng 6 tháng gần nhất. Giới đầu tư kỳ vọng các hoạt động kinh tế tại Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tăng trưởng tích cực sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng nhiên liệu trong thời gian tới.

Hiện tại, Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Ông Bob Yawger - Giám đốc phụ trách mảng giao dịch năng lượng tại hãng chứng khoán Mizuho (Nhật Bản) nhấn mạnh đã bước vào mùa cao điểm sử dụng nhiên liệu kết hợp với các căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu phức tạp.

Hãng tin Reuters dẫn lời một số nguồn tin cho biết Saudi Arabia - quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn hàng đầu thế giới có thể nâng giá bán chính thức đối với các lô hàng dầu thô giao tháng 5/2024.

Nhiều ý kiến cho rằng khả năng OPEC+ sẽ gia hạn cắt giảm nguồn cung đến hết năm 2024. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết các công ty dầu sẽ tập trung vào việc giảm sản lượng thay vì xuất khẩu trong quý II/2024. Bên cạnh đó, triển vọng nhu cầu cải thiện cũng hỗ trợ giá dầu đi lên.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu thô của nước này đã giảm 6% trong tháng 1/2024 và Mỹ là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao dữ liệu kinh tế Mỹ cho thấy Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Các nhà phân tích của Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) cho biết nhu cầu dầu tại châu Âu trong tháng 2 tăng mạnh hơn dự kiến và tăng 100.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái. Giá dầu đã kết thúc quý I/2024 ở mức khá cao. Từ đầu năm đến nay, giá dầu Brent và dầu WTI đều đã tăng hơn 12%.

Trong nước, chiều ngày 28/3, giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh theo diễn biến của thị trường thế giới. Theo đó, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg và không trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel và dầu hỏa.

Không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut. Theo đó, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:

Đối với mặt hàng xăng, giá xăng E5RON92 giao dịch ở mức 23.625 đồng/lít và xăng RON95-III giao dịch ở mức 24.816 đồng/lít.

Đối với mặt hàng dầu, giá dầu diesel 0.05S ở mức 20.693 đồng/lít và dầu hỏa giao dịch ở mức 20.879 đồng/lít). Trong khi đó, giá dầu mazut 180CST 3.5S ở mức 17.145 đồng/kg.

Bộ Công thương bảo lưu quan điểm doanh nghiệp đầu mối quyết định giá bán xăng dầu

Cụ thể, Bộ Công thương đề xuất nhà nước không điều hành giá xăng dầu mà công bố giá thế giới bình quân 15 ngày và một số chi phí cố định như tỷ giá ngoại tệ, các loại thuế, phí, chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp (DN).

Dựa trên các dữ liệu đó, các DN đầu mối sẽ tự đưa ra giá bán tối đa và giá bán lẻ tới người tiêu dùng không được cao hơn mức tối đa này. Thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối có trách nhiệm công bố giá bán lẻ trên trang thông tin điện tử của DN hoặc trên các phương tiện thông tin giá bán lẻ ngay sau khi điều chỉnh giá, niêm yết công khai tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Nhà nước công bố giá thế giới bình quân 7 ngày/lần (dự thảo 1 là 15 ngày/lần). Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu căn cứ các yếu tố cố định như thuế và được quyền cộng thêm khoản chi phí kinh doanh cùng lợi nhuận định mức đã được quy định tại nghị định để công bố giá bán lẻ xăng dầu ra thị trường. Giá này không được vượt quá giá được tính toán theo công thức đã quy định trong nghị định.

Riêng với chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp được đưa vào trong công thức tính giá bán xăng dầu tối đa, sẽ có 2 phương án tính.

Phương án 1: Tính các chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức được quy định theo giá trị tuyệt đối. Hiện các khoản chi phí từ khâu tạo nguồn, phân phối trong nước và lợi nhuận định mức của thương nhân đầu mối (bao gồm hoa hồng đại lý, chiết khấu tới khâu bán lẻ) khoảng từ 1.800 - 2.500 đồng/lít tùy từng loại.

Phương án 2: Theo đề xuất tại dự thảo 1, các chi phí, lợi nhuận tính theo tỷ lệ phần trăm khi giá xăng dầu thế giới càng tăng cao, tỷ lệ chi phí và lợi nhuận định mức sẽ giảm theo hướng tỷ lệ nghịch.

Ngoài ra, các DN cũng cho rằng ưu điểm của việc tự tính toán chi phí sẽ bỏ quy định giá vùng 1 và vùng 2 là tốt cho người tiêu dùng. Hiện nay, có đến 46 tỉnh thành đang mua xăng dầu theo giá vùng 2, do phải cộng thêm chi phí vận chuyển, nên cao hơn vùng 1 (gần kho, gần cảng, gần nhà máy lọc dầu…) từ 500 - 600 đồng/lít.

Tuy nhiên, các quy định này cũng lỗi thời nên trong thực tế, người dân tại "thủ phủ" xăng dầu, có nhà máy lọc dầu như Thanh Hóa, lại phải mua xăng dầu bằng giá của vùng 2, theo quy định cũ được áp trước đây.

Thanh Hằng

Tin cũ hơn
Xem thêm