Gia vị "quốc dân" trong bữa cơm của người Việt: Dùng sai cách, coi chừng hại cả nhà
Nước mắm là loại gia vị truyền thống trong bữa ăn người Việt, nhưng nếu dùng sai cách có thể gây mất chất và ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tầm quan trọng của gia vị nước mắm trong ẩm thực Việt
Nước mắm được xem là loại gia vị truyền thống có vai trò làm nên linh hồn của nhiều món ăn Việt. Không chỉ đơn thuần làm tăng vị mặn, nước mắm còn góp phần tạo nên hương thơm đặc trưng, giúp món ăn đậm đà, tròn vị. Nhiều người thậm chí cho rằng một bữa ăn thiếu nước mắm là một bữa ăn không trọn vẹn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng sử dụng nước mắm đúng cách. Một số thói quen tưởng chừng vô hại lại vô tình làm mất đi chất lượng, hương vị và giá trị dinh dưỡng của loại gia vị truyền thống này.
Dưới đây là những sai lầm phổ biến khi sử dụng nước mắm mà người nội trợ Việt cần đặc biệt lưu ý:
Những thói quen sai lầm khi dùng nước mắm trong chế biến món ăn
1. Nêm nước mắm khi thức ăn đang sôi
Đây là lỗi phổ biến nhất trong các gia đình Việt. Nước mắm chứa nhiều axit amin có nguồn gốc từ cá – yếu tố tạo nên vị ngọt và giá trị dinh dưỡng của sản phẩm. Tuy nhiên, khi nấu ăn ở nhiệt độ cao, các axit amin này sẽ bị phân hủy, khiến nước mắm mất vị ngọt tự nhiên và bay mất hương thơm đặc trưng. Vì vậy, nên nêm nước mắm vào lúc món ăn gần chín, khi nhiệt độ đã hạ xuống.
2. Dùng nhiều nước mắm khi nấu ăn cho trẻ nhỏ
Với thói quen ăn đậm đà, nhiều người lớn thường có xu hướng nêm nước mắm cho trẻ nhỏ từ sớm. Tuy nhiên, chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo không nên nêm muối hay nước mắm cho trẻ dưới 1 tuổi, vì thực phẩm tự nhiên đã đủ lượng natri cần thiết. Ăn mặn quá sớm sẽ làm tăng nguy cơ suy thận, cao huyết áp và các bệnh lý tim mạch sau này.
3. Chấm chung bát nước mắm
Việc dùng chung một bát nước mắm trong bữa ăn – dù tại nhà hay ngoài hàng – có thể làm lây lan vi khuẩn, trong đó có vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) gây bệnh dạ dày. Tốt nhất, mỗi người nên có bát nước chấm riêng để đảm bảo vệ sinh và an toàn thực phẩm.
4. Để dành nước mắm thừa cho bữa ăn sau
Nhiều người có thói quen giữ lại bát nước chấm thừa để dùng tiếp trong bữa sau nhằm tiết kiệm. Tuy nhiên, nước mắm sau khi chấm đồ ăn (đặc biệt là đồ luộc, thịt, rau...) rất dễ bị nhiễm khuẩn. Nếu tiếp tục sử dụng, nguy cơ gây hại cho sức khỏe là rất cao. Do đó, nên chỉ rót lượng vừa đủ và bỏ đi phần thừa sau bữa ăn.
5. Mở nắp chai nước mắm, để gần bếp nấu
Nước mắm tiếp xúc với không khí quá lâu sẽ dễ bị bay hơi, mất mùi và nhiễm tạp khuẩn. Việc đặt chai nước mắm gần bếp cũng làm sản phẩm bị tác động bởi nhiệt và ánh sáng, gây oxy hóa, làm nước mắm đổi màu và giảm chất lượng. Hãy luôn đậy kín nắp và bảo quản ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lượng muối khuyến nghị mỗi người trưởng thành nên tiêu thụ không quá 5g/ngày. Trong khi đó, nhiều người Việt vẫn duy trì khẩu vị mặn, khiến mức tiêu thụ natri cao gấp đôi, thậm chí gấp ba khuyến nghị. Do vậy, việc sử dụng các loại gia vị mặn như nước mắm cần được điều chỉnh phù hợp để đảm bảo sức khỏe.