Giá vàng trong nước điều chỉnh tăng nhẹ phiên cuối tuần

Cập nhật: 10:06 | 02/07/2022 Theo dõi KTCK trên

Giá vàng hôm nay tại thị trường trong nước tăng nhẹ từ 30.000 - 50.000 đồng/lượng tại các hệ thống cửa hàng. Trên thế giới, giá vàng tăng

Giá vàng hôm nay 1/7/2022: Vàng nằm đáy 2 tuần

Vàng trong nước "tụt" giá phiên cuối tuần

Giá vàng hôm nay 2/7/2022: Vàng giao dịch ở mức thấp

Cụ thể, Tập đoàn Doji điều chỉnh giá vàng SJC đứng yên (mua vào) và tăng 30.000 đồng/lượng (bán ra). Cùng lúc đó, giá mua và giá bán cùng tăng 50.000 đồng/lượng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn.

Hiện, giá trần mua vào của vàng miếng SJC ở mốc 68,20 triệu đồng/lượng và giá trần bán ra của vàng miếng SJC ở mốc 68,82 triệu đồng/lượng. Vàng nữ trang SJC trong sáng nay, giá vàng 24K, vàng nữ trang SJC loại 18K và loại 14K đồng loạt đứng yên ở cả hai chiều mua vào và bán ra.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong phiên giao dịch sáng ngày 2/7, giá vàng giao ngay ổn định ở 1.813 USD/ounce vào lúc 6h18 (giờ Việt Nam), theo Kitco. Trong khi giá vàng giao tháng 8 tăng 0,31% lên 1.812,9 USD.

Giá vàng đã giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (1/7), vì đồng USD mạnh và triển vọng lãi suất cao hơn làm giảm nhu cầu đối với tài sản an toàn. Trong phiên có thời điểm giá giảm xuống dưới ngưỡng 1.800 USD/ounce.

Ông Chris Gaffney của Ngân hàng TIAA cho biết đồng USD là nhân tố lớn nhất gây áp lực lên vàng, với bức tranh lớn hơn là lãi suất tăng. Các nhà đầu tư dường như cũng thích sự an toàn của đồng USD hơn, trong bối cảnh lo ngại suy thoái ngày càng gia tăng, với mức tăng của đồng bạc xanh khiến vàng đắt hơn đối với người mua ở nước ngoài.

Tại thời điểm khảo sát, chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ trong rổ tiền tệ, tăng 0,4% lên 104,88.

Theo ông Ajay Kedia, giám đốc Kedia Commodities ở Mumbai, điều này sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến nhu cầu, mặc dù quý III thường ghi nhận ​​lượng mua vàng vật chất mạnh mẽ nhờ các lễ hội. Các đại lý vàng vật chất ở Ấn Độ đã giảm giá mạnh trong tuần này do nhu cầu vẫn yếu, với việc tăng thuế có thể sự sụt giảm trở nên tồi tệ hơn.

Lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đạt mức cao kỷ lục khác trong tháng 6, củng cố trường hợp tăng lãi suất nhanh chóng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bắt đầu từ tháng này.

Tại Mỹ, lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế hàng đầu thế giới ghi nhận ​​mức tăng trưởng yếu hơn dự kiến ​​trong tháng 6.

Trên các thị trường kim loại khác, giá bạc giao ngay giảm 2,4% xuống 19,76 USD và đã giảm khoảng 6,5% trong tuần này. Đây là mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 1/2022 của bạc. Giá bạch kim giao ngay giảm 1% xuống 885,01 USD/ounce, đây là lần giảm thứ 4 liên tiếp trong tuần. Trong khi đó, giá palladium tăng 1,2% lên 1.959,73 USD, tăng khoảng 4,5% trong tuần này.

Vàng không có "điềm lành" trong ngắn hạn

Nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao của hãng tin Reuters cho biết, giá vàng giao ngay đã giảm xuống dưới ngưỡng hỗ trợ 1.800 USD/ounce và có thể dẫn đến đà giảm xuống 1.784 USD/ounce.

Stephen Innes, đối tác quản lý của công ty quản lý tài sản SPI Asset Management (Thụy Sỹ) cũng nhận định, giá kim loại quý đã bắt đầu đi xuống từ siêu chu kỳ giảm phát hàng hóa do các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và đồng USD vẫn mạnh, bất chấp lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ hạ thấp.

Đồng bạc xanh mạnh, hướng tới các “đỉnh” cao trong hai thập niên tiếp tục khiến vàng trở nên kém hấp dẫn hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác. Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm chạm mức thấp nhất kể từ ngày 6/6.

Dữ liệu mới của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, tốc độ tăng lạm phát của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã giảm nhẹ trong tháng 5/2022 sau khi đạt mức cao kỷ lục trong hơn 40 năm qua. Điều này có thể khiến Fed tiến hành thêm một đợt tăng lãi suất mạnh vào tháng tới.

Kim loại quý đã để mất hơn 8% giá trị trong quý II/2022, ghi nhận quý giao dịch tồi tệ nhất kể từ quý I/2021. Riêng tháng 6/2022, vàng đã giảm hơn 2% và là tháng sụt giảm thứ ba liên tiếp.

Trong vài tuần qua, vàng vẫn bị mắc kẹt trong biên độ giao dịch hẹp ở mức thấp 1.800 USD/ounce.

Dù được coi là hàng rào chống lạm phát, mối quan hệ giữa vàng và áp lực giá hầu như không thay đổi trong hai năm qua. Mặt khác, lạm phát của Mỹ đã liên tục tăng trong 9 tháng qua trong khi nền kinh tế lớn nhất thế giới liên tục gặp khó khăn.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã giảm khoảng 1,6% trong quý I/2022 so với mức tăng 6,9% trong quý IV/2021.

Số liệu GDP đã củng cố đồn đoán của thị trường rằng, Mỹ đang đứng trước một cuộc suy thoái kinh tế. Với mức giảm 1,6% trong quý I/2022, về mặt kỹ thuật, nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái nếu không tăng trưởng trở lại vào cuối quý thứ hai, kết thúc vào ngày 30/6.

Trong khi đó, phát biểu tại một sự kiện của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) được truyền trực tiếp từ Bồ Đào Nha, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho hay, Fed đang cố gắng đối phó với lạm phát. Fed không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục tăng lãi suất để đạt được điều này, mặc dù không có gì đảm bảo cơ quan này có thể giúp nền kinh tế “hạ cánh mềm”.

Theo nhiều nhà kinh tế, Fed đã để lãi suất quá thấp trong thời gian quá dài. Fed đã giữ lãi suất ở mức từ 0% đến 0,25% trong hai năm trong giai đoạn dịch bệnh và chỉ tăng lãi suất trong năm nay vào tháng 3/2022. Tiếp đó, Fed tháng 6/2022 đã tăng phạm vi lãi suất cơ bản lên 1,5-1,75%.

Fed cho hay sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi lạm phát, hiện ở mức cao nhất trong 40 năm là hơn 8%, quay trở lại mục tiêu 2% mỗi năm. Tuy nhiên, động thái tăng lãi suất như vậy có thể không phải là "điềm báo" tốt cho vàng.

Mặc dù vậy, một số nhà kinh doanh vàng vẫn nhìn ra lý do để lạc quan về triển vọng trong ngắn hạn của kim loại quý này.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.

Minh Phương