Giá vàng tăng “chóng mặt”, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an mạnh tay với hành vi đầu cơ, găm hàng
Trước bối cảnh giá vàng trong nước tăng "bất thường", Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an mạnh tay với các hành vi găm hàng, trục lợi, thao túng thị trường.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025 diễn ra sáng 6/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo quyết liệt liên quan đến thị trường vàng. Thủ tướng nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh khó khăn, thách thức toàn cầu gia tăng, thị trường vàng Việt Nam cần được kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tiền tệ.

Theo Thủ tướng, cần khẩn trương sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, đồng thời giao Bộ Công an xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, thao túng giá, buôn lậu vàng, trốn thuế. Thủ tướng khẳng định rõ: "Tinh thần găm hàng, đội giá là buôn lậu là tội phạm chứ không chỉ vấn đề kinh tế. Trốn thuế phải khắc phục bằng được. Không khắc phục được thì phải xử lý hình sự. Trốn thuế không những khắc phục mà còn xử lý theo tinh thần Nghị quyết 68".
Chỉ đạo được đưa ra trong bối cảnh giá vàng trong nước liên tục phá đỉnh. Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá vàng tháng 4/2025 tăng tới 10,54% so với tháng trước và 37,14% so với cùng kỳ năm 2024. Bình quân 4 tháng đầu năm, giá vàng đã tăng 32,85%.
Dữ liệu từ Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cho thấy, từ ngày 1/4 đến 6/5, giá mua vào vàng miếng SJC tăng từ 99,5 triệu lên 120,8 triệu đồng/lượng, trong khi giá bán ra tăng từ 101,8 triệu lên 122,8 triệu đồng/lượng. Mỗi lượng vàng miếng đã tăng khoảng 21 triệu đồng chỉ trong hơn một tháng, và hiện cao hơn giá vàng thế giới gần 17 triệu đồng/lượng.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), giá vàng miếng SJC tăng mạnh một phần do tâm lý kỳ vọng giá thế giới tiếp tục đi lên, trong khi nguồn cung không được bổ sung, cộng thêm tình trạng đầu cơ, thổi giá. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng được NHNN báo cáo Quốc hội khi thực hiện nghị quyết chất vấn trong lĩnh vực ngân hàng.
Trong năm 2024, NHNN đã phối hợp cùng các bộ, ngành tiến hành thanh tra hoạt động kinh doanh vàng tại bốn doanh nghiệp lớn gồm SJC, DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu và hai ngân hàng TPBank, Eximbank. Kết quả thanh tra đã được chuyển sang các cơ quan chức năng để xác minh, điều tra và xử lý theo quy định pháp luật.
NHNN cho biết, đến cuối năm 2024, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã được kiểm soát hiệu quả. Tuy nhiên, từ đầu năm 2025 đến nay, giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh do ảnh hưởng từ bất ổn chính trị, xung đột quân sự toàn cầu, cạnh tranh chiến lược và xu hướng mua vào vàng mạnh mẽ từ các ngân hàng trung ương, quỹ đầu tư.
Thêm vào đó, quyết định áp thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump với nhiều quốc gia cũng góp phần làm trầm trọng thêm tâm lý bất an của giới đầu tư, đẩy dòng tiền đổ vào vàng như một kênh trú ẩn an toàn.
Lý giải về sự gia tăng đột biến và chênh lệch giá vàng trong nước, NHNN cho rằng đây là kết quả từ kỳ vọng giá vàng thế giới còn tăng, chính sách tiền tệ của Fed vẫn chưa rõ ràng, cùng với các yếu tố địa chính trị phức tạp và nguồn cung trong nước chưa được cải thiện.
Đặc biệt, cơ quan này cảnh báo không loại trừ khả năng có tổ chức hoặc cá nhân lợi dụng biến động thị trường để đầu cơ, trục lợi. Mặc dù hiện tại giá vàng cao chưa ảnh hưởng lớn đến điều hành chính sách tiền tệ, nhưng thị trường vẫn tiềm ẩn rủi ro và thiếu tính ổn định bền vững.
Để xử lý triệt để tình trạng này, NHNN cho biết sẽ khẩn trương sửa đổi Nghị định 24/2012 theo trình tự rút gọn, đồng thời tăng cường phối hợp với các bộ, ngành trong việc thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng, siết chặt quản lý thị trường để ổn định tâm lý nhà đầu tư và ngăn chặn các hành vi thao túng giá vàng.